Đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2 như thế nào?

Nghiêm Huê |

Ngày 6/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức có văn bản gửi các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) về công tác tuyển sinh 2020 trong tình hình dịch COVID-19. Ngay khi Bộ GD&ĐT “bật đèn xanh”, các trường ĐH đã điều chỉnh phương án, bổ sung phương thức tuyển sinh để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh tốt nghiệp đợt 2.

Ðiểm trúng tuyển đợt 2 không được cao hơn đợt 1

Trong văn bản gửi các trường ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT yêu cầu điều chỉnh và thực hiện công tác tuyển sinh phù hợp với kế hoạch thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, đảm bảo công bằng, khách quan và đảm bảo quyền lợi của thí sinh trên cả nước.

Đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, Bộ chỉ đạo các trường ĐH, CĐ căn cứ kế hoạch tuyển sinh và hồ sơ của thí sinh đăng ký xét tuyển, công bố công khai điều kiện trúng tuyển vào trường theo các phương thức này để thí sinh nhập học khi được công nhận tốt nghiệp THPT; đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh chưa tham dự kỳ thi trong các ngày từ 8-10/8 do dịch COVID-19.

Đồng thời, trên tinh thần tự chủ tuyển sinh và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, các trường xem xét phân bổ tỷ lệ chỉ tiêu hợp lý và xét tuyển riêng cho các thí sinh chưa tham dự kỳ thi lần 1 dựa vào các căn cứ như: Tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh thuộc địa phương so với tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh trên cả nước vào trường năm 2020; tỷ lệ thí sinh trúng tuyển của địa phương so với số lượng thí sinh trúng tuyển trên cả nước vào trường năm 2019; tỷ lệ thí sinh trúng tuyển của địa phương so với số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển của địa phương vào trường trong năm 2019.

Từ đó, các trường điều chỉnh chỉ tiêu phân bổ và đề án tuyển sinh cho phù hợp.

Công tác tổ chức xét tuyển thực hiện theo quy định hiện hành, công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng (lấy kết quả từ cao xuống thấp); không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội; điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi đợt 2 phải đảm bảo không thấp hơn điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi đợt 1.

Các trường có tổ chức kiểm tra năng khiếu hoặc thi tuyển sinh riêng, căn cứ tình hình diễn biến của dịch COVID-19 xem xét điều chỉnh kế hoạch tổ chức thi và tuyển sinh cho phù hợp, đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.

Bổ sung phương thức tuyển sinh

Trước những hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trao đổi với Tiền Phong, PGS. TS Lưu Trang, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thuộc các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh có nguyện vọng xét tuyển, nhà trường quyết định điều chỉnh đề án tuyển sinh năm 2020 bằng việc bổ sung phương thức xét tuyển theo kết quả học tập THPT (học bạ) vào các ngành đào tạo giáo viên; thí sinh nộp đăng ký xét tuyển bằng hình thức online và thời gian đăng ký xét tuyển từ ngày 6/8 đến ngày 16/8.

Mặt khác, nhằm khuyến khích và thu hút thí sinh giỏi đăng ký xét tuyển, bên cạnh chính sách của nhà nước, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng còn quyết định bổ sung gói học bổng “Hỗ trợ sinh hoạt phí” trị giá 2 tỷ đồng trao cho 600 thí sinh trúng tuyển có kết quả học tập 5 học kì (lớp 10, 11 và học kì 1 lớp 12), hoặc kết quả thi THPT từ cao đến thấp. Ngoài ra, thí sinh còn có cơ hội nhận các học bổng khác của trường.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, việc phát sinh buộc phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT làm 2 lần là điều bất đắc dĩ không ai mong muốn. “Theo tôi, ở những vùng có ổ dịch phải áp dụng những biện pháp cách ly, chúng ta có thể xem xét, xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho các em.

Những thí sinh tốt nghiệp THPT theo dạng đặc cách này hoàn toàn có thể đăng ký vào những ngành/trường ĐH xét tuyển ĐH theo học bạ”, GS. Nguyễn Đình Đức đề xuất.

Trường ĐH Ngoại thương thông tin bình quân mỗi khóa tuyển sinh của trường có khoảng 50 thí sinh đến từ Đà Nẵng và Quảng Nam. Vì thế, trường dự định vẫn xét tuyển bình thường cho đợt 1, nhưng để lại một số lượng chỉ tiêu phù hợp cho 2 địa phương trên để bổ sung dựa trên kết quả thi lần 2.

GS. Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cho biết sẽ căn cứ vào tỷ lệ các vùng tuyển sinh của nhà trường để dành chỉ tiêu cho những thí sinh thuộc vùng phải thi đợt 2.

Trong khi đó, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH FPT, cho biết ước tính sơ bộ mỗi năm trường có khoảng 10% thí sinh đến từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Như vậy, 10% chỉ tiêu năm nay trường dự kiến để dành cho 2 địa phương này là khoảng 800 sinh viên.

TPHCM: Thí sinh F1, F2 sẽ thi đợt 2

Ngày 6/8, UBND TPHCM ra thông báo khẩn về việc đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 cho thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu tất cả các thí sinh phải thực hiện khai báo y tế, tình hình sức khỏe, lịch sử di chuyển, lịch sử tiếp xúc theo quy định; trong các buổi thi, những thí sinh có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải được thi riêng ở phòng thi dự phòng và được cơ sở y tế địa phương điều tra dịch tễ ngay sau buổi thi.

Các thí sinh thuộc diện F1, F2 (nếu có) sẽ không tham gia kỳ thi đợt 1, thi đợt 2 cùng với các thí sinh ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Nguyễn Dũng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại