Năm 1966 - "Bình địa nổi phong ba"
Tháng 9/1966, vừa đặt chân xuống sân bay Bắc Kinh sau chuyến dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự Trung Quốc sang thăm châu Âu, Đại tướng Hứa Quang Đạt liền nghe thấy tiếng loa oang oang "đả đảo bộ tư lệnh giai cấp tư sản", "đả đảo nhóm lợi ích lớn nhất Trung Quốc đi theo chủ nghĩa tư bản"...
Tiếng loa oang oang đến nhức tai, khắp sân bay dán đầy những biểu ngữ xanh xanh đỏ đỏ. Hứa dường như vô cảm khi nhìn thấy chúng.
Hứa Quang Đạt (1908 - 1969), người Hồ Nam, Trung Quốc. Ông từng giữ chắc Tư lệnh tăng thiết giáp, Thứ trưởng Bộ quốc phòng và là Ủy viên trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 8.
Năm 1955, Hứa được phong hàm Đại tướng.
Về đến nhà, ông chẳng những không vui mà cau có, vừa bước qua ngưỡng cửa liền tiến đến ngồi trên ghế salon, trầm tư suy nghĩ.
Vừa lúc đó bên ngoài phố, âm thâm "đả đảo Lưu Thiếu Kỳ", "đả đảo Đặng Tiểu Bình" lại lần nữa vang lên.
Hứa Quang Đạt tức giận đập bàn đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng. Khi bình tĩnh hơn, ông lại ngồi xuống và hỏi vợ - bà Khâu Tĩnh Thanh: "Gần đây bà có biết tin tức gì về các đồng chí ấy không?".
"Gần đây, bên ngoài đồn thổi đồng chí Hạ Long và Bành Chân tổ chức 'vụ binh biến tháng 2' (âm mưu do nhóm Lâm Bưu dựng lên nhằm lật đổ Hạ Long, Bành Chân)...", nói xong, bà liền đưa ông mấy tờ báo của Hồng vệ binh.
Đại tướng Hứa Quang Đạt và vợ - bà Khâu Tĩnh Thanh (1911 - 2004)
Bài báo đăng tải lời phát biểu của Khang Sinh (người của Lâm Bưu):
"Tháng hai năm nay, băng đảng của Bành Chân lên kế hoạch đảo chính. Hạ Long đã tự ý điều binh gây ra vụ đảo chính và xây dựng lô cốt ở ngoại ô Bắc Kinh".
"Vớ vẩn!" - Hứa phẫn nộ, quẳng tờ báo sang một bên - "Cái gì mà binh biến tháng 2. Việc này tôi rất rõ... Đây chỉ là một đợt huấn luyện dân quân... sao lại trở thành đảo chính, còn dám lôi cả Bành Chân, Hạ Long vào. Thật đúng là vu oan giá họa!".
Đúng lúc này, Hứa Diên Tân - con trai của Hứa Quang Đạt đi tham gia Hồng vệ binh về đến nhà. Thấy cha, Diên Tân liền hồ hởi kể cho ông nghe về những "thành quả" mà nhóm Hồng vệ binh đạt được.
Hứa Quang Đạt chau mày, ngắt lời, phân tích lại cho con về hành động của Hồng vệ binh. Từ đó, Hứa Diên Tân cũng không tham gia thêm bất cứ hoạt động nào của nhóm này nữa.
Càng ngày, phong trào đấu tố càng phát triển mạnh trong Cách mạng văn hóa, các nhóm Hồng vệ binh tổ chức lục soát cả những cơ sở cơ mật của binh chủng Tăng thiết giáp. Những biểu ngữ đấu tố dán đầy tường cơ sở quân sự, các cuộc đấu tố ngày đêm diễn ra.
Ngày 28/11/1966, một nhóm Hồng vệ binh của Học viện chỉ huy công trình quân sự Bắc Kinh được phái đến Binh chủng tăng thiết giáp tìm Hứa Quang Đạt, yêu cầu tổ chức đại hội đấu tố Tư lệnh họ Hoàng - với tội danh "tác phong sinh hoạt lệch lạc và có lời lẽ gây kích động".
Sau khi hai bên thống nhất ý kiến, một cuộc họp được mở tại phòng họp của quân chủng ngay trong đêm dưới sự chủ trì của nhóm Hồng vệ binh.
Tại cuộc họp, ngay sau khi đại biểu Hồng vệ binh phát biểu xong, đột nhiên có vài Hồng vệ binh đi ra từ hai bên cánh gà ép buộc Hoàng tư lệnh đội một chiếc mũ lớn - một hình thức trừng phạt trong cuộc đấu tố.
Hứa Quang Đạt nhận ra sự bất thường, lập tức đứng dậy phản đối liền bị Hồng vệ binh quát mắng và đẩy ra.
"Các người không giữ lời hứa, các người có còn là quân nhân không? Đây là vô tổ chức, vô kỷ luật! Muốn đội mũ thì đội cho tôi đây này", Hứa vừa nói vừa tiến đến giật chiếc mũ xuống. Vì quá tức giận nên bệnh tim tái phát khiến ông ngã quỵ xuống sàn.
Cả hội trường xôn xao, người thì vội vàng cấp cứu cho Hứa, người thì chỉ trỏ bàn tán. Vị đại tướng sau đó được đưa đến bệnh viện Giải phóng quân.
Hứa không ngờ, sau sự việc này, ông đã lọt vào tầm ngắm của phái tạo phản. Ngay sau đó, họ mang đến một đôi câu đối với hàm ý đấu tố định dán lên phòng bệnh của ông nhưng bị các y tá phản đối. Họ lại mang đôi câu đối này dán lên trước cửa nhà ông.
Năm 1967 - Kiểm điểm bản thân
Sau Tết âm lịch 1967, phong trào đấu tố ngày càng leo thang. Do ảnh hưởng từ "cơn bão tháng 1" ở Thượng Hải, tình hình tranh giành quyền lực tại các địa phương trở nên dữ dội. Khi này Hứa Quang Đạt vẫn nằm viện. Dù bệnh tình đã khá hơn nhưng tâm trạng lại càng nặng nề.
Hứa Quang Đạt và Mao Trạch Đông (1893 - 1976).
Ngày 16/1, Hứa ra viện, về chủ trì một hội nghị quan trọng của Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp. Sau bữa cơm tối, ông lại quay trở lại bệnh viện. Lúc này, bất ngờ có vài cán bộ quân chủng và Hồng vệ binh chạy tới.
Một Hồng vệ binh hô to: "Hứa Quang Đạt, đi, đến văn phòng trả lời một vài vấn đề". Nói xong, nhóm này liền lôi Hứa đến văn phòng.
Hứa vừa đi với nhóm này thì một nhóm khác được cử đến nhà ông lục soát. Dẫn đầu chính là là viên Thư ký phụ trách sinh hoạt của tướng Hứa: Trần Chí Văn.
Vừa bước vào nhà, Trần đã xông thẳng đến phòng làm việc riêng của Hứa, mở tủ bảo hiểm, lật tung đồ đạc để kiểm tra. Không tìm được vật cần tìm, Trần tiến đến bàn làm việc, tủ sách nhưng cũng không thu được kết quả.
Trần lại đi tìm kiếm ở các căn phòng khác nhưng cũng vô vọng, y liền bực tức đập vỡ một bức tượng tròng phòng ngủ của Khâu Tĩnh Thanh và nói là đập vỡ "tứ cựu" - tức bốn thứ lỗi thời: tư tưởng, văn hóa, phong tục và tập quán.
Tiếp đó, Trần Chí Văn trực tiếp nói với Khâu Tĩnh Thanh: "Giao danh sách những kẻ tham gia vụ binh biến tháng 2 ra đây!". Lúc này, bà mới hiểu nhóm của Trần muốn tìm thứ gì.
Hóa ra, chiều 16, Tư lệnh Hải quân Lý Tác Bằng nói với nhóm của Trần Chí Văn rằng, "Hạ Long muốn tiến hành vụ binh biến tháng 2 mà Hứa Quang Đạt là Tổng tham mưu trưởng...". Nhóm này mới nghe phong thanh thông tin đó đã lập tức cử người đến lục soát nhà Hứa.
"Anh là thư ký, có cái gì anh không biết mà còn hỏi người khác?", Khâu Tĩnh Thanh hỏi vặn. Trần không còn cách nào khác, liền ra lệnh tiếp tục lục soát.
Không tìm ra danh sách nhưng lại phát hiện được một lá cờ Nhật, nhóm Hồng vệ binh đắc chí cho rằng, đây là tội chứng của việc Hứa Quang Đạt phản quốc. Thực chất, lá cờ này được Hứa cất giữ sau một trận chiến trong quá khứ.
Về phần Hứa, nhóm Hồng vệ binh đưa ông đến một căn phòng đã có rất nhiều người ngồi chờ sẵn ở đó.
Một nhóm Hồng vệ binh ngồi ở bàn chủ tịch với những quyển sách màu đỏ trong tay. Một Hồng vệ binh tiến tới trước mặt Hứa, yêu cầu ông đưa ra câu trả lời về tội tham gia đảo chính.
Hứa Quang Đạt (phải) trong một chuyến thị sát tại binh chủng Tăng thiết giáp.
Hứa bình tình nhìn bao quát hội trường và nói: "Được thôi, ai cũng biết, phạm tội đảo chính đều sẽ bị rơi đầu. Tôi giờ đã là Thứ trưởng Bộ quốc phòng, là Đại tướng, chẳng nhẽ còn treo đầu ở cạp quần để đi cướp chức Tổng tham mưu trưởng sao? Vụ mua bán này không đáng, tôi không thèm làm".
Nghe Hứa trả lời, có người trong hội trường cười ồ lên, có người cảm thấy bất mãn nói thêm vào. Hội trường lại rầm rộ tiếng qua lại, người chủ trì thất thế đành thông báo hủy hội nghị và bắt giam Hứa.
Một mình yên tĩnh trong phòng giam, Hứa nhớ lại cuộc đời hoạt động của mình và tự kiểm điểm lại những khuyết điểm và sai lầm của bản thân.
Ngày 31/3, sau hai tháng bị giam, bỗng dưng ông được phóng thích. Về đến nhà, Hứa tiếp tục chìm trong suy nghĩ về kiểm điểm bản thân.
Ông yêu cầu vợ và các con tìm những bài viết của mình được in trong sách báo, tạp chí hoặc nhật kí, bản thảo phương châm chính sách, sau đó đối chiếu với chỉ thị của Mao Trạch Đông để tìm ra sai phạm của bản thân.
Bà Khâu và các con dựa theo yêu cầu của Hứa, vẽ ra hai cột trên trang giấy trắng, một bên là ý kiến của Hứa, một bên là chỉ đạo của Mao, so sánh và tìm ra lỗi sai của Hứa.
Vị đại tướng đã dành rất nhiều thời gian viết ra một bản kiểm điểm dài hàng nghìn chữ. Ông dự định sẽ tìm thời cơ và hội nghị thích hợp để giao nộp bản kiểm điểm nhằm chứng minh cho sự trong sạch của bản thân.
Ngày 14/8, Hồng vệ binh lại tìm tới, không nói không rằng, họ tước bỏ huân huy chương, toan lôi ông đi.
Vợ ông tức giận quát lớn: "Các anh đang làm gì vậy? Ông ấy là Ủy viên trung ương đảng [Cộng sản Trung Quốc], là Đại tướng, muốn bắt ông ấy cần có mệnh lệnh của Trung ương và Quân ủy, chí ít cũng phải có lệnh bắt giữ của Viện kiểm sát quân sự. Các anh tùy tiện bắt người là hành động phạm pháp".
Hứa lại rất bình tĩnh nói với vợ: "Xem ra, họ không phải là muốn kiểm tra tôi mà là muốn cái mạng của tôi. Bà hãy chuẩn bị tinh thần đí, có thể sẽ phải sống như mười năm trước đây".
Trước đó, năm 1928, vừa mới kết hôn được mười ngày, do bị bán đứng nên thân phận đảng viên của Hứa Quang Đạt bị bại lộ. Ông đã phải bỏ trốn và hai ông ba chia cách đúng mười năm mới được trùng phùng.
Hứa Quang Đạt nhận quyết định thăng hàm Đại tướng từ Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1955.
Hứa bị đưa đến phòng chờ của Binh chủng Tăng thiết giáp. Lần bắt giữ này không giống lần bắt giữ trước. Ông đã bị tước bỏ mọi huân huy chương, quân hàm, đồng nghĩa với việc trở thành một tù nhân.
Mà đấu tố chính là động thủ, hai thanh niên khỏe mạnh thay nhau đấm đá một ông già tóc đã hoa râm. Họ đánh ông toàn thân thương tích với vài lần bất tỉnh.
Lúc này ông hiểu ra, ông chẳng còn hi vọng gì, trên đầu treo lơ lửng hai tội danh lớn, một là Tổng tham mưu trưởng của vụ binh biến tháng 2, một là phần tử phản bội.
Ông lo nhất cho vợ mình, liệu bà có chịu nổi sự đả kích lớn như thế này không?
Năm 1968 - Nắng ấm giữa mùa đông
Ngày 25/2/1968, cháu gái đầu của Hứa Quang Đạt ra đời. Vợ chồng Hứa Diên Tân muốn báo tin cho cha nhưng tình thế vô cùng bất lợi. Cuối cùng, họ chụp một bức ảnh, nhờ một cảnh vệ tốt bụng nhân lúc đưa cơm thì chuyển lại cho Hứa. Thấy ảnh cháu gái, Hứa nở một nụ cười vốn đã mất từ lâu.
Đột nhiên, một bàn tay hung dữ giật lấy bức ảnh vứt xuốngng đất và dùng chân đạp lên, miệng lẩm bẩm: "Oắt con, lớn lên rồi cũng không thể thành người tốt, cũng chỉ là kẻ phản đảng mà thôi".
"Cậu nhặt lên cho tôi!", Hứa Quang Đạt trừng mắt, tức giận hét lên. Bất ngờ trước sự giận dữ của vị tướng già, tên cảnh vệ nhặt bức ảnh lên. Nhưng cũng từ đó, người cảnh vệ đưa cơm không được phép đến nữa. Người nhà cũng mất liên lạc với Hứa từ đó.
Một buổi tối cuối tháng 2, một nhóm Hồng vệ binh xông vào nhà Hứa, ép bà Khâu Tĩnh Thanh và các con phải chuyển đến một căn nhà tồi tàn khác trước 12 giờ đêm. Đồng thời quy định bà chỉ được mang một số đồ dùng đơn giản.
Họ còn bắt bà phải giao nộp tài khoản tiết kiệm và thông báo đóng băng tiền lương nên mỗi tháng chỉ phát chút ít tiền sinh hoạt phí.
Gia đình Hứa Quang Đạt.
Trong số đồ dùng mang đi có một chiếc giường ngủ của trẻ. Hóa ra, sau khi Hứa Quang Đạt bị bắt, bà và các con cũng nghĩ đến việc sẽ bị đuổi đi.
Trong lúc giúp chồng soạn đồ đạc, bà phát hiện ông còn một số tài liệu vô cùng quý giá nên đã gói ghém cẩn thận đặt chúng vào ngăn kéo nhỏ gắn liền dưới chiếc giường trẻ em kia.
Về phần Hứa Quang Đạt, do chịu sự đấu tố tàn nhẫn nên sức khỏe ông ngày một yếu. Ông thường ho và nôn ra máu, bệnh tim cũng liên tục tái phát. Nhưng tổ chuyên án không cho ông chữa trị mà chỉ ép ông giao nộp chứng cứ phạm tội.
"Hứa Quang Đạt là kẻ gian trá xảo quyệt, mỗi thời khắc quan trọng trong cuộc hỏi cung, hắn ta đều giả bệnh", tổ chuyên án viết về Hứa trong tài liệu đấu tố.
Họ còn công khai tuyên truyền: "Hứa Quang Đạt là Tổng tham mưu trưởng của binh biến tháng 2, là nhân vật quan trọng số hai trong chuyên án Hạ Long".
Và cuộc đấu tố tàn nhẫn nhất được diễn ra liên tục trong vòng 53 tiếng đồng hồ. Trong khi người của tổ chuyên án thay phiên trực ban thì Hứa lại không được phép nghỉ và không được ăn cơm bởi họ muốn thăm dò, một người bệnh tim như vậy sẽ chịu giày vò được bao lâu.
Mỗi lẫn tái phát bệnh, họ lại đưa Hứa đến bệnh viện nhưng vẫn không tha mà tiếp tục thẩm vấn ông. Hơn một năm chịu đấu tố, ông đã trải qua rất nhiều hình thức thẩm vấn khác nhau. Đặc biệt, có lần cuộc đấu tố ông diễn ra trong vòng ba ngày ba đêm.
Họ còn tiếp tục đưa ông đi diễu phố, phê bình. Mỗi lần bị đánh đến hôn mê, họ lại đưa ông vào viện. Khi ông tỉnh lại, họ lại tiếp tục thẩm vấn.
Giữa tháng 11/1968, do bệnh tình chuyển biến xấu, Hứa được đưa đến bệnh viện nhưng trong hai tháng nằm viện, ông bị thẩm vấn 79 lần, 25 lần bị ép viết tài liệu.
Trước đó, ông cũng bị thẩm vấn hàng chục lần trong vài tháng nằm viện. Thậm chí trong lần cuối cùng nằm viện, trước khi qua đời ba ngày, họ vẫn còn lôi ông đi tra khảo.
Năm 1969 - Chết không nhắm mắt
Ngày 16/5/1969, tổ chuyên án lệnh cho vợ chồng Hứa Diên Tân đến và ép họ tự thẩm vấn cha mình. Trưa ngày 26/5, vợ chồng Hứa Diên Tân đưa con gái đến bệnh viện thăm Hứa.
Hứa Quang Đạt trong một lần bị đấu tố.
Nhìn thấy cháu và được nghe cháu gọi, Hứa nấc nghẹn, nước mắt không ngừng tuôn rơi.
Hứa Tân Diên nói muốn thăm bệnh cho cha nên lấy ống nghe đặt vào cổ họng Hứa Quang Đạt và nói: "Cha, để con thăm bệnh cho cha".
Hứa nhìn thấy ống nghe liền nhớ đến bộ phận máy chuyển âm được lắp đặt trong xe tăng. Ông liền hiểu ra dụng ý của con trai nên khẽ nói: "Hãy chuyển lời tới Thủ tướng Chu Ân Lai, cha có chuyện muốn nói với ông ấy".
Về đến nhà, Hứa Diên Tân vội vàng viết một bức thư gửi Chu Ân Lai. Để bức thư đến được tận tay Chu, Hứa Diên Tân đã dựa theo quy tắc của tổ chức, công khai yêu cầu tổ chuyên án và cơ quan đảng ủy của Quân chủng Tăng thiết giáp chuyển bức thư đến Thủ tướng Chu.
Ngày 2/6, người của tổ chuyên án thông báo, thư đã được chuyển đi.
10 giờ đêm ngày 3/6, tổ chuyên án gọi Hứa Diên Tân đến thông báo Hứa Quang Đạt bệnh nặng qua đời. Trước đó, do bệnh trở nặng, Hứa Quang Đạt trút hơi thở cuối cùng trong phòng vệ sinh tại bệnh viện mà không có người bên cạnh.
Ngày 4/6, tổ chuyên án tự ý tiến hành hỏa thiêu di thể Hứa và cũng không thông báo với người nhà ông về nguyên nhân cái chết. Sau đó, họ dự định tiêu hủy tro cốt ông nhưng Mao Trạch Đông đã nhận được thông báo nên ra chỉ thị, đưa tro cốt Hứa về nơi yên nghỉ.
Cuối cùng, tro cốt Hứa Quang Đạt được đưa đến nghĩa trang cách mạng núi Bát Bảo, ngoại ô Bắc Kinh.
Tháng 6/1977, thông qua sự phê chuẩn của Quân ủy trung ương Trung Quốc, lễ an táng Đại tướng Hứa Quang Đạt tiến hành theo nghi thức lễ tang cấp cao.