Đại tướng Tô Lâm: Xây dựng luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông là đòi hỏi tất yếu, cấp bách của thực tiễn

Trang Anh |

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận định việc xây dựng và ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGT) và Luật đường bộ là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Sáng ngày 13/4 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với các dự án: Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; cho ý kiến đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trình bày tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua, là sự cụ thể hóa Hiến pháp để giải quyết những vấn đề thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001, trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là mô tô, xe gắn máy…

Như vậy, ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGT đường bộ) với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông; ban hành Luật Đường bộ với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng.

"Việc xây dựng và ban hành hai Luật là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy, nâng tầm cả hai lĩnh vực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới", đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Việc xây dựng Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho biết, dự án Luật đã được Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV; theo đó, Chính phủ đã có Tờ trình số 83/TTr-CP ngày 18/3/2022, Tờ trình số 96/TTr-CP ngày 24/3/2022 và Báo cáo số 469/BC-CP ngày 27/11/2022 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật. Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Đại tướng Tô Lâm: Xây dựng luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông là đòi hỏi tất yếu, cấp bách của thực tiễn - Ảnh 1.

Phiên họp chuyên đề sáng 13/4 (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Trước đó, ngày 10/4, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã có phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Luật TTATGT đường bộ và Luật đường bộ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Dự án Luật được Chính phủ trình lần này đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà quản lý và đông đảo quần chúng nhân dân nhằm nhanh chóng tạo hành lang pháp lý cần thiết để giải quyết những vấn đề thực tiễn về TTATGT đường bộ trong tình hình mới, bảo vệ an toàn cho người dân mỗi khi ra đường.

Dự thảo Luật TTATGT đường bộ gồm 8 chương, 61 điều, trong đó có một số nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dự thảo Luật quy định nhiều điểm mới như: Người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; người được cơ sở đào tạo xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch; kết quả đào tạo, sát hạch lái xe phải thông tin công khai; sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe để phù hợp với Công ước Viên năm 1968…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại