Theo số liệu thống kê của Wealth-X, New York có 103 tỷ phú. Đây là thành phố có nhiều tỷ phú nhất trong Top 10 do tổ chức này công bố. Tuy nhiên Hong Kong lại là thành phố có tốc độ tăng trưởng tỷ phú nhanh nhất. Năm 2018, thành phố này có thêm 21 tỷ phú mới với tốc độ tăng trường 29%.
CafeBiz xin trân trọng giới thiệu series bài viết về "Những doanh nhân Hong Kong nổi bật". Phần lớn những tỷ phú Hong Kong là tỷ phú tự thân trong đủ các lĩnh vực từ Bất động sản, Casino, Vận tải cho đến cả nước sốt.
Tuần trước, tạp chí Forbes đã công bố danh sách những người giàu nhất Hong Kong năm 2019. Ngoài vị trí đứng đầu quen thuộc là tỷ phú Lý Gia Thành, một cái tên khác nổi bật không kém ở vị trí thứ 4 chính là nhà phát triển địa ốc có tiếng tại Hong Kong và Trung Quốc đại lục, tỷ phú Joseph Lau với khối tài sản trị giá 17 tỷ USD.
Từ kinh doanh quạt trần đến tỷ phú bất động sản
Joseph Lau sinh năm 1951 và khởi nghiệp từ việc kinh doanh truyền thống của gia đình là sản xuất quạt trần. Năm 1983, công ty của ông niêm yết trên thị trường chứng khoán và điều này đã giúp ông kiếm được 100 triệu USD khi chưa đầy 30 tuổi.
Tỷ phú Joseph Lau.
Tiếp nối thành công, Lau đầu tư vào bất động sản và thị trường chứng khoán. Ông sở hữu 74,99% cổ phần của tập đoàn Chinese Estates, công ty đầu tư bất động sản lớn thứ 9 tại Trung Quốc.
Ngoài ra, ông còn sở hữu nhiều tài sản có giá trị khác như du thuyền và chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner trị giá 153 triệu USD.
Năm 2006, Lau lần đầu tiên có tên trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes với tài sản trị giá 1,7 tỷ USD. Tháng 6/2016, vị tỷ phú sở hữu 13,3 tỷ USD, đứng thứ 114 trong danh sách của Forbes và đứng thứ 6 trong số những người giàu nhất Hong Kong.
Người chồng, người cha hào phóng
Cũng trong năm 2016, ông đã đăng thông báo chia tay với người tình lâu năm Yvonne Lui. Trước đó ông đã tặng cho người phụ nữ này tổng tài sản trị giá 400 triệu USD. Hai người gặp nhau năm 2001 rồi chung sống mà không kết hôn.
Năm 2014, Lau cũng từng tuyên bố chia tay bà Yvonne Lui. Thông báo lần này của ông nhằm mục đích tránh hiểu lầm không đáng có về mối quan hệ của hai người.
Ông khẳng định: "Trước khi chia tay, tôi đã chăm sóc và chu cấp đầy đủ tiền bạc, trang sức và quà tặng trị giá hơn 250 triệu USD cho bà Lui. Bà ấy đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ và hiện là một người rất giàu có. Bà ấy có thể sống xa hoa mà không cần đến sự hỗ trợ tài chính của tôi".
Tuy không còn mối quan hệ tình cảm và chu cấp tiền trong tương lai cho bà Lui nhưng tỷ phú vẫn chấp nhận cho bà Lui ở căn nhà cũ, sử dụng xe cộ và máy bay riêng của ông vì lợi ích của các con. Bên cạnh đó, ông vẫn chu cấp tiền nuôi hai con cho bà Lui.
Tháng 12/2016, Lau kết hôn với bà Chan Hoi-wan, cựu trợ lý của ông. Hai người quen biết từ cách đó 10 năm và có với nhau một con gái, một con trai. Vị tỷ phú từng mua nhiều viên kim cương trị giá hàng chục triệu USD tặng con gái.
Tỷ phú Joseph Lau cùng vợ và con gái.
Viên kim cương trị giá 32 triệu USD mà Joseph Lau mua tặng con gái.
Đầu tháng 3/2017, tỷ phú 65 tuổi đã chuyển toàn bộ cổ phần tập đoàn Chinese Estates của mình cho vợ là bà Chan Hoi-wan và con trai của người vợ đầu là Lau Ming Wai vì nguyên nhân "sức khỏe không ổn định".
Được biết, ông chỉ giữ lại 10% tài sản và chuyển 1/3 của 90% còn lại cho Lau Ming Wai. Bà Chan giữ 2/3 còn lại thay mặt cho hai người con chung của bà và vị tỷ phú.
Vị tỷ phú (giữa) đến bệnh viện khám bệnh cùng vợ (bên trái).
Nhờ đó, bà Chan Hoi-wan, 37 tuổi, trở thành người phụ nữ giàu nhất Hong Kong ở thời điểm đó và một trong những người giàu nhất thế giới. Trước đó, Lau còn tặng chuỗi trung tâm bán lẻ The One trị giá 2,31 tỷ USD cho bà Chan. Ước tính tổng tài sản của bà khoảng 7 tỷ USD.
Tỷ phú đam mê sưu tập rượu vang và tác phẩm nghệ thuật
Bên cạnh là một đại gia yêu vợ chiều con, thường xuyên mua tặng họ những thứ đắt tiền, Lau còn là một nhà sưu tập rượu vang và nghệ thuật nổi tiếng chơi ngông ở Hong Kong.
Vị tỷ phú đã sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật được hơn 30 năm và sở hữu bộ sưu tập đồ sộ. Ông từng bỏ ra 39,2 triệu USD để mua bức tranh Te Poipoi do họa sỹ Paul Gauguin vẽ năm 1892. Qua đây, ông đã trở thành người Hong Kong chịu bỏ ra khoản tiền lớn nhất để mua một tác phẩm nghệ thuật.
Ông cũng mua bức The Ring của Roy Lichtenstein với giá 41,7 triệu USD và bức Buste de femme của Pablo Picasso có giá 67,4 triệu USD. Ngoài ra, ông còn là một nhà sưu tầm rượu vang có tiếng với bộ sưu tập gồm hơn 10.000 chai vang quý.