Trong khu lăng mộ Hoàng Đế trên núi Kiều Sơn (tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc) có một cây bách được cho là do chính tay Hiên Viên Hoàng Đế, một vị vua trong thần thoại Trung Quốc, trồng cách đây hơn 5.000 năm.
Có nhiều tranh cãi về tuổi của cây bách này. Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng cây chỉ hơn 2.000 năm tuổi. Một chuyên gia người Anh sau đó nghiên cứu, kiểm định và tin rằng đại thụ này gần 4.000 năm tuổi.
Tuy nhiên, sau này thông qua nghiên cứu khí hậu Thiểm Tây, môi trường sinh trưởng của cây bách và tham khảo thông tin từ lượng lớn sách cổ, các học giả cho rằng cây bách sánh ngang chiều dài lịch sử hơn 5.000 của Trung Quốc.
Theo Bách khoa toàn thư Baidu, Hoàng Đế (chữ "Hoàng" trong tên ông khác với chữ "Hoàng" trong danh xưng hoàng đế của các bậc quân chủ phong kiến Trung Quốc), tên thật là Hiên Viên. Sự tồn tại của ông trong lịch sử mang nhiều màu sắc thần thoại.
Sau khi đánh bại bộ lạc của Xi Vưu, thống nhất nhất lưu vực sông Hoàng Hà, Hiên Viên Hoàng Đế đã thiết lập các phép tắc, hệ tiêu chuẩn và áp dụng "đức trị" để cai quản vương quốc.
Dưới thời trị vì của ông, nền văn minh sông Hoàng Hà dần hình thành văn tự cổ, toán thuật tính số cùng nhiều phát kiến trong âm nhạc, y dược,... cũng như phát triển kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và may mặc. Do đó, Hiên Viên Hoàng Đế được tôn kính là "Thủy tổ dân tộc Trung Hoa".
Tương truyền, để đáp ứng nền văn minh phát triển nhanh chóng, người dân đã khai thác gỗ quá mức dẫn đến xói mòn đất và lũ lụt. Nhận thấy nguyên nhân dẫn tới thảm họa, Hiên Viên Hoàng Đế đã đích thân trồng một cây bách trên núi Kiều Sơn để kêu gọi người dân tích cực trồng cây, ngăn nạn phá rừng.
Do đó, cây bách này còn được gọi là cây bách Hiên Viên. Cây cao cao hơn 20 m, có chu vi thân 7,8 m và diện tích tán cây bao phủ 178 m2.
Trải qua hơn 5.000 năm sương gió, quá trình lão hóa khiến chức năng của cây bị suy giảm. Cục Lâm nghiệp tỉnh Thiểm Tây cảnh báo cây đang ở tình trạng gặp nguy hiểm.
Năm 2013, các nhà khoa học Trung Quốc đã triển khai dự án nhân bản cây bách Hiên Viên để bảo tồn nguồn gen của loài cây quý có tuổi thọ cao.
Các nhà khoa học cho biết do tuổi của cây bách quá cao nên việc nhân bản gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ ra rễ thành công chưa tới 1%. Rất may mắn là đã thu được bản sao thế hệ thứ hai sau 3 - 5 năm.