Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân là một trong tứ đại danh tác của văn học Trung Hoa. Sự đồ sộ về nội dung và những ý nghĩa sâu xa khiến Tây Du Ký mãi không bao giờ trở nên lỗi thời.
Không chỉ thế, Tây Du Ký còn là nguồn cảm hứng của biết bao đạo diễn, diễn viên; là sự háo hức của trẻ nhỏ và cả những trẻ-đã-lớn khi mà giờ đây gần như năm nào cũng có một phim Tây Du Ký được thực hiện.
Tôn Ngộ Không là ai?
Một trong những nhân vật mang tính biểu tượng của Tây Du Ký chính là Tôn Ngộ Không - đại đệ tử của Đường Tam Tạng trên hành trình đi thỉnh Tây kinh muôn vạn kiếp nạn.
Ngộ Không vốn là Thạch Hầu - chú khỉ sinh ra từ hòn đá sau khi Nữ Oa đội đá vá trời, tìm được và trở thành chủ nhân của Hoa Quả Sơn - Thuỷ Liêm Động với rất nhiều chú khỉ.
Sau đó, vì thấy các chú khỉ già dần chết đi nên Ngộ Không quyết tâm lên đường tầm sư học đạo, mang bí kíp trường sinh bất lão về cho chính mình và những chú khỉ khác.
Và rồi trong quá trình bước ra ngoài khám phá thế giới như bao người nhưng trong hình hài một chú khỉ, Ngộ Không bị vướng vào vòng xoáy của âm mưu, lòng tham và sự kích động trong chính mình.
Gã cả gan đại náo Thiên Cung, thách thức Như Lai Phật Tổ nên chịu cảnh giam cầm 500 năm dưới Ngũ Hành Sơn, chờ ngày Đường Tam Tạng đi ngang giải cứu rồi phò tá ông đến Tây Thiên xem như chuộc lỗi.
Hoạ sĩ Akira Toriyama cũng xây dựng nhân vật phần đầu bộ truyện Dragon Ball và nhân vật Son Goku (tên Tôn Ngộ Không trong tiếng Nhật) dựa trên Tây Du Ký
Đã có nhiều phân tích cho rằng Tôn Ngộ Không là đại diện cho Trí trong Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín của con người.
Ngộ Không cũng chính là lòng dũng cảm và sự nóng nảy của mỗi người trong cách sống. Thành thử ra những diễn viên thủ vai Ngộ Không luôn phải chịu áp lực sao cho mình không bị rập khuôn theo những người đi trước và còn phải tạo được nét riêng.
Đếm sơ sơ thì nội các Ngộ Không của điện ảnh Trung Hoa thôi đến nay đã phải trên 10 người từng đảm nhận, trong đó có không ít những ngôi sao điện ảnh hoặc mĩ nam vạn người say. Cùng nhìn lại một số Ngộ Không đã và sẽ để lại dấu ấn trong điện ảnh.
Lục Tiểu Linh Đồng - Ngộ Không "chuẩn mực" nhất
Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng được xem là tượng đài không thể thay thế
Phiên bản Tây Du Ký truyền hình đầu tiên của Trung Quốc năm 1986 (cố đạo diễn Dương Khiết) đã thành công rực rỡ trong việc xây dựng một loạt những "chuẩn mực" về hình tượng các nhân vật trong nguyên tác trên phim ảnh.
Đến nỗi hầu hết những phiên bản làm lại sau này đều phải cố gắng thay đổi cốt truyện hoặc biến tấu, cải biên vì chính các nhà làm phim, đạo diễn cũng biết họ khó lòng xây được những tượng đài nhân vật cao đẹp hơn.
Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng cũng được mang ra so sánh nhiều nhất mỗi khi có ai đó vào vai này.
Dáng vẻ rất "khỉ", biểu cảm không lẫn vào đâu được cũng như giọng nói đặc trưng của Lục Tiểu Linh Đồng sẽ mãi mãi là những thứ mà những người đi sau không thể và không dám bắt chước.
Châu Tinh Trì - Ngộ Không khác lạ đầu tiên
Châu Tinh Trì đã mở màn cho trào lưu biến tấu Tôn Ngộ Không và Tây Du Ký
Năm 1994 - 1995, hai phần phim điện ảnh Đại thoại Tây du: Nguyệt Quang Bảo Hợp và Tiên Lý Kỳ Duyên của Châu Tinh Trì đã khiến khán giả vừa sốc và thích thú. Dựa trên Tây Du Ký, Châu Tinh Trì đã chế tác ra những điều mới mẻ, bá đạo trong hai phần phim.
Đặc biệt, câu chuyện tình của Chí Tôn Bảo (Châu Tinh Trì - hậu thân của Ngộ Không) với Tử Hà Tiên Tử (Chu Ân) vừa bi vừa hài đã để lại trong lòng khán giả những ấn tượng khó quên.
Châu Tinh Trì và Chu Ân
Trương Vệ Kiện - Ngộ Không hài hước và "người" nhất
Năm 1996, đài truyền hình Hong Kong TVB quyết định làm lại Tây Du Ký theo phong cách riêng của đài.
Vẫn là câu chuyện đi thỉnh kinh dựa trên nguyên tác, các nhân vật cũng không có nhiều biến tấu khác thường nhưng phần kịch bản được chú trọng hơn về các tình tiết, những nhân vật phụ, các tuyến truyện bên lề và đặc biệt là tâm tư tình cảm của mỗi người được khai thác nhiều hơn.
Tôn Ngộ Không của Trương Vệ Kiện ít giống khỉ nhưng vẫn có nét đặc trưng riêng
Tất nhiên Tây Du Ký của TVB không thể qua mặt Tây Du Ký 1986 nhưng nó đích thực là một series ấn tượng khi đặt câu chuyện thỉnh kinh, vượt qua kiếp nạn dưới một góc nhìn đa chiều và nhân văn hơn.
Tôn Ngộ Không của Trương Vệ Kiện khi đó cũng gặp nhiều áp lực dưới cái bóng quá lớn của Lục Tiểu Linh Đồng nhưng cuối cùng anh cũng được đánh giá là một Ngộ Không thành công với nét riêng, rất hài hước và rất con người.
Năm 2002, Trương Vệ Kiện đầu tư vào một phiên bản Tây Du Ký biến tấu, có tên Tề Thiên Đại Thánh, cũng do TVB thực hiện.
Câu chuyện có nhiều biến đổi lớn, quy tụ dàn diễn viên điện ảnh khủng nhưng lại được đánh giá là thất bại. Hình tượng Ngộ Không của Trương Vệ Kiện trong bản này cũng không khác nhiều với bản 1996.
Trần Hạo Dân - Ngộ Không áp lực gấp đôi
Vì một số vấn đề nên phần II của series Tây Du Ký TVB phải thay đổi diễn viên đóng vai Ngộ Không. Cái tên được thay thế cho Trương Vệ Kiện lúc đó là Trần Hạo Dân, cũng là tiểu sinh đang được ưu ái lúc bấy giờ ở đài.
Vì giữ nguyên các nhân vật Tam Tạng (Giang Hoa), Trư Bát Giới (Lê Diệu Tường), Sa Tăng (Mạch Trường Thanh) và hấu hết các vai khác nên tạo hình của Ngộ Không trong phần II cũng na ná phần I, chỉ khác biệt về màu sắc trang phục.
Có nhiều khán giả nhí còn chẳng nhìn ra người đóng Tề Thiên Đại Thánh là một người khác. Đây cũng chính là áp lực rất lớn mà Trần Hạo Dân phải gánh.
Vừa phải cố gắng khác với Lục Tiểu Linh Đồng (áp lực mà tất cả diễn viên vào vai Ngộ Không đều gặp) lại vừa phải giữ được thần thái của Ngộ Không Trương Vệ Kiện trong phần trước, lại còn phải có thêm đặc trưng của riêng mình.
Tuy cuối cùng Ngộ Không của Trần Hạo Dân vẫn không qua được Trương Vệ Kiện nhưng bù lại kịch bản của phần II có nhiều sáng tạo hơn nên lại được khán giả ghi nhớ hơn.
Chân Tử Đan - Ngộ Không không được mấy ai nhớ
Năm 2014, Trung Quốc lại đưa Tây Du Ký lên màn ảnh rộng với Tề Thiên Đại Thánh: Đại Náo Thiên Cung. Người dược chọn vào vai Ngộ Không lần này là Chân Tử Đan.
Có thể thấy anh đã rất cố gắng hóa thân, dùng năng lực diễn xuất để chăm chút cho vai nhưng rốt cuộc Ngộ Không của năm 2014 vẫn nhạt nhoà giữa câu chuyện tranh đấu của Ngưu Ma Vương (Quách Phú Thành) và Ngọc Hoàng Đại Đế (Châu Nhuận Phát).
Chọn câu chuyện tiền thỉnh kinh, khi Ngộ Không đích thực là "ngôi sao" trên thiên đình nhưng việc xoáy mạnh vào những âm mưu, bè phái đã khiến không chỉ Ngộ Không mà cả Chân Tử Đan cũng trở thành một con tốt nhạt nhòa cho phim.
Xem xong khán giả chỉ ấn tượng với Ngưu Ma Vương si tình hay Dương Nhị Lang (Hà Nhuận Đông) đầy dã tâm chứ chẳng ai màng nhớ đến Ngộ Không.
Quách Phú Thành - Ngộ Không "đô" nhất
Tề Thiên Đại Thánh Ba Lần Đánh Bạch Cốt Tinh cũng chính là phần điện ảnh tiếp theo của Đại Náo Thiên Cung và Ngộ Không lần này chính là Quách Phú Thành.
Thiên vương không tuổi của Hong Kong đã chấp nhận hành trình trở thành Ngộ Không cũng với những áp lực tương tự những người đi trước.
Ngộ Không của Quách Phú Thành có tạo hình khá ấn tượng và ngầu, hình thể đô con vạm vỡ của Thiên vương cũng khiến cho Ngộ Không trở nên mạnh mẽ hơn, giống một siêu anh hùng hơn là một Hầu Vương thường thấy.
Có thể nói Ngộ Không của Quách Phú Thành là một thành công.
Lâm Canh Tân - Ngộ Không đáng yêu nhất
Phần II của Tây Du Giáng Ma ra mắt đầu năm nay đã xuất hiện một Ngộ Không có tạo hình khá kì lạ do Lâm Canh Tân thủ diễn.
Tuy phần phim này tiếp tục xoay quanh Đường Tam Tạng (Ngô Diệc Phàm) như Tây Du Giáng Ma năm 2013 nhưng đất diễn cho Ngộ Không vẫn không ít.
Đặc biệt những lúc Ngộ Không giận dỗi, ghen tuông vì Tam Tạng yêu người khác đã khiến cho nhân vật này có nét dễ thương rất đặc biệt.
Bành Vu Yến - Ngộ Không đẹp trai nhất
Trước khi tạo hình Tôn Ngộ Không của Bành Vu Yến được tung ra, khán giả vẫn khẳng định Ngộ Không của Quách Phú Thành là phiên bản đẹp trai nhất.
Tuy nhiên, khi những shoot hình đầu tiên của Ngộ Không Truyện (sắp phát hành ở Việt Nam) lộ diện thì buộc phải thừa nhận Ngộ Không của Bành Vu Yến mới là đẹp trai nhất.
Không phải vì Bành Vu Yến đẹp trai hơn Quách Phú Thành mà do tạo hình của anh trong vai Ngộ Không gần như không có lông.
Trong phim, Ngộ Không của Bành Vu Yến sẽ còn biến hình phiên bản nhiều lông hơn nhưng với tạo hình như Son Goku này thì thật sự là Ngộ Không đẹp trai nhất rồi!
Ngộ Không Kỳ Truyện sẽ được phát hành ở Việt Nam ngày 14/7 tới, với nội dung xoay quang giai đoạn niên thiếu của Tôn Ngộ Không cùng mối nhân duyên với Tử Hà Tiên Tử (Nghê Ni)
Các Ngộ Không bị Đường Tam Tạng cướp hào quang
Buộc phải thừa nhận dù 5 thầy trò trong Tây Du Ký là đại diện cho các đức tính vốn có của con người nhưng nhân vật Ngộ Không luôn nổi bật nhất.
Thế nhưng có một số phiên bản phim ảnh đặc biệt lại xoay quanh những nhân vật khác, điển hình là Đường Tam Tạng. Thành thử Ngộ Không trong các phim này một là rất quái, hai là rất xấu hoặc rất mờ nhạt.
Trần Bá Lâm - Tình Điên Đại Thánh (2005)
Dù tên là Tình Điên Đại Thánh nhưng thực chất phim lại xoay quanh Tam Tạng (Tạ Đình Phong) nhiều hơn khi ông phải lên đường cứu các đệ tử thay vì được tháp tùng.
Hoàng Bột - Tây Du Giáng Ma (2013)
Vì chuyện phim xoay quanh mối tình ngang trái của Đường Tam Tạng (Văn Chương) và cô nàng trừ tà (Thư Kỳ) nên những vai diễn khác cũng được phóng bút khá ngẫu hứng, điển hình nhất chính là Tôn Ngộ Không do Hoàng Bột thủ vai.
Thật sự Ngộ Không của Hoàng Bột đã làm rất nhiều trẻ em - đối tượng luôn xem Ngộ Không như thần tượng - giật mình vì vừa xấu vừa điên trong khi Hoàng Bột là một diễn viên tiếng tăm và thực lực ở Trung Quốc.
Hoàng Bột trong phim khác
Ngoài ra thì vẫn còn rất nhiều Ngộ Không ở rất nhiều phim khác trong suốt thời gian Tây Du Ký liên tục được chọn để làm phim mà có thể bạn chưa biết.
Ngộ Không (Goku) trong Saiyuki (Tây Du Ký bản Nhật) do Katori Shingo (thành viên nhóm nhạc SMAP) thủ vai
Ngộ Không của Lục Thân Hiệp trong Trư Bát Giới chiêu thân (1957)
Lâm Chí Dĩnh cũng từng là Ngộ Không trong Thiên Đình Ngoại Truyện
Ngộ Không của Lý Liên Kiệt trong The Forbidden Kingdom
Ngộ Không của Lưu Tuần Tử Mặc trong Tây Du Lý Lạ Truyện, phiên bản mà vẻ đẹp trai của Đường Tăng và Bát Giới đã chiếm hết spotligh của Ngộ Không
Đến giai đoạn này, có lẽ chúng ta không nên suy nghĩ xem ai mới là Ngộ Không thích hợp nhất, hay nhất nữa bởi đây sẽ còn là một nhân vật nặng kí còn xuất hiện dài dài trên phim ảnh.
Chúng ta nên chỉ nên chọn cho mình Ngộ Không mà bản thân thích nhất mà thôi.