Đại sứ Việt kể chuyện về làng Morocco ở Việt Nam và làng Việt Nam ở Morocco

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Ở đất nước Morocco xa xôi, có một ngôi làng Việt Nam, nơi các phong tục tập quán của người Việt và tiếng Việt được duy trì từ nhiều năm qua.

LTS: Việt Nam và Morocco đều từng là thuộc địa của Pháp. Sau Thế chiến 2, thực dân Phápbắt thanh niên Morocco đi lính và ném họ sang Việt Nam để tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng là dân tộc bị áp bức, những người lính Morocco này đã có cảm tình với Việt Minh. Nhiều người đã chạy sang hàng ngũ bộ đội Việt Nam chống lại quân Pháp. Đây là những khoảnh khắc đẹp trong quan hệ hai nước.

Morocco đã thành lập Hội hữu nghị Morocco-Việt Nam do Giáo sư, Tiến sỹ sử học El-Mostafa Kriti, Chủ tịch cao uỷ những người kháng chiến và cựu thành viên quân giải phóng Vương quốc Morocco làm chủ tịch. Ông sẽ dẫn đầu một đoàn hữu nghị sang thăm Việt Nam ngày 27/3/2017.

Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu những cảm nghĩ của ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông về mối quan hệ đặc biệt này.

Đại sứ Việt kể chuyện về làng Morocco ở Việt Nam và làng Việt Nam ở Morocco - Ảnh 1.

Năm 1950, Pháp lúc đó đô hộ Morocco đã bắt nhiều thanh niên Morocco đi lính sang chiến trường Việt Nam. Họ đều xuất thân từ những tầng lớp nghèo khổ trong xã hội, buộc phải lên đường vì miếng cơm manh áo kiếm sống cho bản thân và gia đình. Những chàng thanh niên tuổi mười tám đôi mươi này đã được đưa sang chủ yếu để tham gia vào các trận đánh ở Điện Biên Phủ giữa thực dân Pháp và Việt Nam năm 1954.

Khi những người này đến Việt Nam cũng là lúc bùng nổ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập dân tộc tại Morocco. Phần lớn những người lính Morocco này đã tự nguyện ra đầu hàng hoặc chạy sang hàng ngũ bộ đội Việt Minh tham gia chống lại quân Pháp.

Các chiến sỹ Việt Nam tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ được lệnh không giết những người lính Morocco vì họ cũng xuất thân từ giai cấp lao động nghèo khổ, không có thù hằn gì với Việt Nam.

Có nhiều câu chuyện kể lại rằng khi bộ đội Việt Minh tấn công vào những cứ điểm của Pháp vào ban đêm, những người lính Morocco đang ngủ bật tỉnh dậy vô cùng hốt hoảng và lo sợ bị giết, các anh bộ đội Việt Nam đã đưa tay ra hiệu sẽ không giết họ và còn chúc họ ngủ ngon.

Ngôi làng Morocco ở Ba Vì, Sơn Tây

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến tranh kết thúc, các chàng thanh niên Morocco đã bị kẹt lại ở Việt Nam do tình hình chính trị và điều kiện vận chuyển lúc đó hết sức khó khăn. Họ quyết định ở lại sinh sống tại Việt Nam.

Một ngôi "Làng Morocco" được xây dựng dưới chân núi Ba Vì thuộc Sơn Tây cách Hà Nội chừng 40 km về phía Bắc. Họ kết hôn với các cô gái Việt Nam và sinh ra những đứa con lai mang hai dòng máu Việt Nam và Morocco. Những đứa con này đến thế hệ thứ 2, thứ 3 vẫn mang đức tính hiền hậu của người Việt.

Để hướng về quê hương và đỡ nhớ nhà, đồng thời để biểu thị tình yêu đối với hoà bình, ghi lại một dấu ấn, một biểu tượng đẹp trong quan hệ hữu nghị giữa Morocco và Việt Nam, trong thời gian 1956-1960 những người Morocco sống tại đây đã xây dựng một cái cổng làng theo phong cách kiến trúc Morocco gọi là "Bab Al-Maghariba".

Đại sứ Việt kể chuyện về làng Morocco ở Việt Nam và làng Việt Nam ở Morocco - Ảnh 2.

Cổng làng Bab Al-Maghariba tại Ba Vì, Sơn Tây. Ảnh: NVCC

Họ nói rằng họ xây cái cổng này cũng là để gửi đi một bức thông điệp về niềm hi vọng hoá giải các cuộc xung đột, kiến tạo hoà bình và xây dựng tình đoàn kết giữa các dân tộc, giữa Morocco và Việt Nam.

Năm 2008, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Vương quốc Marocco Abbas El-Fassi đã đến thăm công trình văn hóa này. Sau đó, Đại sứ quán Morocco tại Hà Nội đã cho dựng một tấm bia bên cạnh cổng làng ghi lại những tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người lính lê dương tự nguyện bỏ hàng ngũ đi theo Việt Minh.

Đại sứ Việt kể chuyện về làng Morocco ở Việt Nam và làng Việt Nam ở Morocco - Ảnh 3.

Một nhà hàng Việt Nam tại thủ đô Rabat. Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quang Khai cung cấp

Ngôi làng Việt Nam trong lòng Morocco

Năm 1972, theo chỉ thị của vua Hassan II, chính phủ Morocco đã đưa những cựu chiến binh người Morocco và toàn bộ gia đình họ về nước. 85 gia đình được hồi hương.

Vua Hasan II lúc đó đã cho họ lựa chọn hoặc là trở về quê cũ làm ăn, hoặc là tập trung vào một khu đất nông nghiệp màu mỡ mà vua Hassan II dành cho ở vùng Sharardat Bini Hussein thuộc miền Tây Morocco.

Do xuất thân từ những gia đình nông dân nghèo trước khi bị Pháp đưa sang Việt Nam và khi ở Ba Vì cũng sống bằng nghề nông, những cựu chiến binh này đã chọn lấy đất ở Sharadat Bini Hussein làm nơi sinh sống và họ đã lập một "Làng Việt Nam" tại đây để họ và những người vợ, người con Việt Nam nhớ về quê cha đất tổ và những năm sống tại Việt Nam.

Người dân sống ở đây đã trồng cây bạch đàn để lấy gỗ và cây ô liu để lấy dầu xung quanh làng. Họ chăn nuôi cừu, dê, bò, gà và làm nghề mộc.

Khi phóng viên Đài truyền hình Morocco đến thăm làng hỏi ông Mohammed Abdul Salam, một cư dân ở đây về thời gian tham gia chiến đấu ở Việt Nam, ông nói:

"Hồi thanh niên tôi làm nghề chăn cừu ở vùng Had Kurat.Tôi bị Pháp bắt lính đưa sang chiến trường Việt Nam và ném vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Quãng thời gian đó đối với tôi chẳng có gì là vinh quang cả. Tất cả chỉ là dĩ vãng. Khi cuộc chiến chống thực dân Pháp giành độc lập dân tộc bùng nổ ở Morocco, hầu hết những người lính Morocco đã chạy sang hàng ngũ Việt Minh. Chiến tranh kết thúc, tôi ở lại Việt Nam, lấy vợ Việt Nam và sinh sống tại một ngôi làng tại Ba Vì".

Khi được hỏi trong các trận đánh nhau ở Điện Biên Phủ ông có giết người lính Việt Nam nào không, ông Mohammed Abdul Salam trầm ngâm một lúc rồi nói: "Trong các trận chiến đấu một mất một còn thì không biết thế nào, nhưng khi buộc phải nổ súng vào bộ đội Việt Nam, tôi tìm cách bắn vào chân họ để tránh giết họ".

Đại sứ Việt kể chuyện về làng Morocco ở Việt Nam và làng Việt Nam ở Morocco - Ảnh 4.

Làng Việt Nam tại Morocco. Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quang Khai cung cấp

Ông Mohamed Abdul Salam nói sõi tiếng Việt. Bà Uyên, vợ ông đã sinh cho ông tất cả 10 người con, trong đó có 6 đứa được sinh ra tại Việt Nam.

Cậu Poshtat hiện đang làm việc với ông tại một tiệm ăn Việt Nam trên đường phố Akdal ở thủ đô Rabat. Poshtat trở về Morocco với bố khi mới 7 tuổi nay đã là một chàng trai đĩnh đạc, giao tiếp mang đặc tính cách của người Việt và nhớ rất rõ thời thơ ấu của mình ở Việt Nam.

Trở về Morocco, Poshtat mang trong mình hai nền văn hoá Á Đông và Ả rập đã hoà nhập rất nhanh vào xã hội Morocco. Đến nay, những người lính từ Việt Nam trở về đã mở 18 nhà hàng Việt Nam tại các thành phố của Morocco. Ở Hà Nội, người Morocco cũng mới mở một nhà hàng El- Marakesh trên đường Âu Cơ.

Đại sứ Việt kể chuyện về làng Morocco ở Việt Nam và làng Việt Nam ở Morocco - Ảnh 5.

Một gia đình Việt Nam - Morocco. Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quang Khai cung cấp

Những người con, người cháu của họ lớn lên đã lập gia đình với người Morocco ở làng bên hoặc ở ngay trong làng. Tất cả những người vợ của họ đều là người Việt Nam.

Ở ngôi làng này các bà vợ Việt Nam đã góp phần xây dựng được các gia đình rất hoà thuận và khá giả, mặc dù môi trường sống của họ hoàn toàn khác. Các chị đều học và nói được chút ít tiếng Ả rập.

Tất cả con cháu của họ vẫn giữ được các phong tục tập quán và văn hoá Việt Nam, nói thông thạo tiếng Việt, đặc biệt là những đứa sinh ra ở Việt Nam.

Cái cổng làng "Bab Al-Maghariba", ngôi làng Morocco ở Ba Vì, ngôi làng Việt Nam tại Sharadat Bini Husein ở Morocco và những người mang hai dòng máu Việt Nam và Morocco sẽ mãi mãi là những biểu tượng tốt đẹp cho tình đoàn kết, tinh thần nhân văn trong quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Morocco.

(Tít bài viết do tòa soạn đặt lại)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại