Sáng 23/2/2023, đúng 1 ngày trước thời điểm tròn một năm cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với các phóng viên báo chí Việt Nam, trong đó ông đưa ra những quan điểm chính thức của chính phủ Pháp về vấn đề này.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery (giữa) trao đổi với các phóng viên Việt Nam hôm 23/2. Ảnh: Trung Hiếu.
Phương Tây bất ngờ về chiến dịch tấn công của Nga
Đại sứ Warnery cho biết, tất cả mọi người đều bất ngờ về việc Nga quyết định phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine cũng như cường độ tấn công quân sự của Nga. Ông nói, Nga đã tấn công toàn diện, huy động lực lượng quân sự mạnh, trong khi các chuyên gia trước đó đều nghĩ rằng xung đột vũ trang sẽ không nổ ra.
Về tình hình trên thực địa, ông Warnery cho biết: Những gì đang diễn ra ở Ukraine là thực sự khốc liệt, “không ngờ tới”. Giai đoạn đầu, Nga áp dụng lối đánh chớp nhoáng. Giai đoạn sau, Nga huy động nhiều lực lượng quân sự khác ngoài lực lượng quân đội chính quy.
Nhà ngoại giao Pháp chia sẻ rằng, cuộc xung đột Ukraine hiện nay phải được nhìn nhận trên các phương diện chính trị, ngoại giao, và đối với Pháp, tầm vóc của sự kiện này không giới hạn ở Ukraine hay châu Âu mà mở rộng ra hơn rất nhiều.
Đại sứ Pháp cũng ghi nhận cuộc xung đột Ukraine đã tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng và lương thực.
Ông Warnery bày tỏ ngạc nhiên trước việc 2 quốc gia châu Âu vốn nổi tiếng trung lập là Thụy Điển và Phần Lan, trong thời gian qua đã tích cực xin gia nhập khối quân sự NATO.
Bình luận về xung đột nói trên, Đại sứ Pháp nêu lại 4 nguyên tắc trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và mong các bên cùng tuân thủ.
Ý tưởng NATO tấn công Nga là “điên rồ”
Nhận định về khả năng xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga, Đại sứ Pháp Warnery tuyên bố: Việc NATO tấn công Nga là điều “không tưởng” và thậm chí “điên rồ”.
Lý do mà ông Warnery đưa ra cho tuyên bố trên như sau: Thứ nhất, NATO, theo lời của ông, là một khối “phòng thủ”, trong khi Liên minh châu Âu (EU) là một dự án về phát triển kinh tế. Thứ hai, ở cấp độ chiến lược, việc NATO tấn công Nga không khả thi do Nga là nước có lãnh thổ rộng lớn nhất thế giới, người Nga nổi tiếng về năng lực kháng chiến mạnh mẽ và khó có thể bị khuất phục, đồng thời Nga lại sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ.
Về lý do thứ 2 nêu trên, Đại sứ Warnery cho biết, cho tới nay mới chỉ có trùm phát xít Đức Hitler dám tấn công Nga ( khi đó thuộc Liên Xô - PV ) và kết cục bi thảm xảy ra sau đó với y thì thế giới đều đã rõ.
Pháp tiếp tục trung gian hòa giải nhưng vẫn sẵn sàng viện trợ vũ khí cho Ukraine
Tại buổi gặp gỡ báo chí, Đại sứ Pháp Warnery khẳng định từ trước đến nay Pháp luôn nỗ lực trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Ông nhắc lại chi tiết, ngay trước khi xung đột Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, Tổng thống Pháp Macron đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Nga Putin về giải pháp hòa bình.
Đại diện ngành ngoại giao Pháp dự báo, xung đột Ukraine có thể kéo dài nhưng rồi sẽ có lúc nơi đây ngừng chiến và hai bên xung đột sẽ trải qua quá trình đàm phán kéo dài. Đại sứ Warnery nêu quan điểm của Pháp: Giải pháp hòa bình phải được chính người Ukraine chấp nhận chứ không phải do bên ngoài (kể cả nước như Anh, Pháp...) áp đặt.
Theo Đại sứ Warnery, hiện nay Pháp đang cung cấp hỗ trợ nhân đạo (như chăn, lều…) cho những người Ukraine sơ tán tránh xung đột, thậm chí dùng một phần lãnh thổ của mình để đón nhận một bộ phận người Ukraine tị nạn. Ông cũng cho biết, Pháp sẵn sàng tham gia quá trình tái thiết nếu cuộc xung đột quân sự này kết thúc.
Tuy nhiên, Đại sứ Pháp vẫn khẳng định nước ông tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine phòng ngự. Ông nhấn mạnh, số vũ khí này nhằm giúp Ukraine phòng thủ chứ không phải để tấn công vào lãnh thổ của Nga.
Đại sứ Warnery cho biết: Pháp chính là nước đầu tiên viện trợ xe tăng (AMX-10RC) cho Ukraine, sau đó các nước phương Tây khác mới bắt đầu cam kết cung cấp xe tăng cho Ukraine. Hiện nay, Pháp đang cân nhắc khả năng cung cấp cho Ukraine các xe tăng hạng nặng và máy bay chiến đấu./.