Đơn hàng tồn đọng trị giá 19,2 tỷ USD
Một trong những hạng mục lớn nhất trong danh sách là đơn đặt hàng trị giá 8 tỷ USD cho biến thể Block 70 cải tiến của máy bay chiến đấu F-16.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump vào năm 2019, Mỹ đã phê duyệt việc bán 66 máy bay phản lực cho Đài Loan (Trung Quốc). Việc giao hàng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2023 nhưng đã bị đẩy lùi đến năm 2024.
Theo Cơ quan phòng vệ Đài Loan, trong ba năm qua, Trung Quốc đại lục đã điều hơn 4.000 máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và các loại máy bay khác vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo. Hồi tuần trước, ba máy bay chiến đấu J-16, lực lượng chủ lực của không quân Trung Quốc, đã tiến vào khu vực này.
Mỗi lần như vậy, đảo Đài Loan đều điều động máy bay cảnh báo.
Một cựu quan chức quân sự đảo Đài Loan cho biết: "So với quân đội Trung Quốc đại lục, số lượng máy bay của đảo Đài Loan còn hạn chế và chúng bị hao mòn nhiều. Nếu không được hiện đại hóa, sự cố có thể xảy ra".
Một đơn đặt hàng khác Đài Loan đặt từ năm 2019, 108 xe tăng M1A2 Abrams, cũng vẫn chưa được giao. Những chiếc xe tăng này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong phòng vệ từ các vị trí trên núi, dự kiến được giao trong vài năm bắt đầu từ năm 2022 nhưng lịch trình đã bị thay đổi thành từ năm 2024 trở đi.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã quyết định cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine vào đầu năm nay.
Việc giao 66 máy bay chiến đấu F-16 theo đơn đặt hàng của Đài Loan đã bị lùi lại đến năm 2024. Ảnh: Reuters
Việc giao tên lửa hành trình chống hạm Harpoon, để phòng vệ các tàu tiếp cận bờ biển, cũng vẫn chưa được hoàn thành. Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã phê duyệt giao dịch tên lửa trị giá 2,4 tỷ USD cho đảo Đài Loan từ hồi năm 2020.
Số vũ khí trị giá 2,8 tỷ USD, bao gồm cả F-16, vẫn chưa được chuyển giao.
Khó khăn của Đài Loan trong hiện đại hóa vũ khí
Các đảng đối lập ở đảo Đài Loan chỉ trích sự chậm trễ này. Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết trong một tuyên bố hôm 8/11 rằng, việc thanh toán cho đơn đặt hàng sẽ được thực hiện khi giao hàng.
Nikkei cho hay, Đài Loan đã phải chịu sự chi phối của chính sách bán vũ khí của Mỹ. Truyền thông địa phương đưa tin, lực lượng phòng vệ đảo Đài Loan đang tìm cách thay thế các máy bay chiến đấu chính của mình bằng F-35 tàng hình, chứ không phải phiên bản cải tiến của F-16.
Lo ngại nguy cơ đường băng bị phá hủy bởi các cuộc tấn công tiềm tàng bằng tên lửa đạn đạo từ Trung Quốc đại lục khiến Đài Loan yêu cầu mua F-35, loại máy bay có khả năng cất cánh từ đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Mỹ được cho là đã từ chối bán máy bay chiến đấu vì lo ngại rò rỉ công nghệ.
Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã tìm cách mở rộng khả năng tự trang bị vũ khí của Đài Loan bằng cách hạ thủy chiếc tàu ngầm tự chế tạo đầu tiên của hòn đảo này vào tháng 9. Nhưng vấn đề chi phí là một thách thức lớn. Chiếc tàu ngầm này có giá 1,54 tỷ USD, gấp ba lần giá tàu ngầm hiện đại nhất của Nhật Bản.
Ngân sách quân sự của đảo Đài Loan được cho đạt mức kỷ lục vào năm 2024 là 18,8 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này chưa bằng 1/10 so với một số ước tính quốc tế thận trọng về chi tiêu quân sự hàng năm của Trung Quốc đại lục.