“Đại gia” Việt thích nhất mang tiền sang Lào đầu tư, chỉ một số rất ít muốn tới Trung Quốc

N.Mạnh |

Đứng đầu danh sách địa điểm hấp dẫn về đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là Lào, tiếp đến là Mỹ, Singapore.

Theo điều tra của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về điểm đến tương lai của các nhà đầu tư cho thấy khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng đầu tư sang Lào, Mỹ, Singapore...

Cụ thể, có 222 doanh nghiệp cho biết có ý định mở rộng thêm lựa chọn đầu tư sang các quốc gia khác. Đứng đầu danh sách địa điểm hấp dẫn về đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là Lào (66 doanh nghiệp).

Tiếp đến là Mỹ (35 doanh nghiệp), tiếp đến là Singapore (29 doanh nghiệp), Campuchia (27 doanh nghiệp), Nhật Bản (16 doanh nghiệp) và Myanmar (9 doanh nghiệp)...

“Đại gia” Việt thích nhất mang tiền sang Lào đầu tư, chỉ một số rất ít muốn tới Trung Quốc - Ảnh 1.

Điểm đến tương lai của các nhà đầu tư Việt Nam.

Đáng chú ý, điều tra cho biết, ngoài hai lý do chính là cơ hội kinh doanh và quy mô thị trường, chất lượng điều hành tốt cũng là yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư. Thậm chí, đối với các doanh nghiệp lựa chọn Singapore hay Nhật Bản, yếu tố này tương đương với lý do hàng đầu.

Có 75% doanh nghiệp sẽ chọn Singapore không chỉ vì các cơ hội kinh doanh mà còn vì chất lượng điều hành. Đối với Nhật Bản, các tỉ lệ này là 75% chọn vì cơ hội kinh doanh và 69% chọn vì chất lượng điều hành.

Điều này khẳng định rằng chất lượng điều hành để tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng luôn là yếu tố quan trọng góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Theo VCCI, những doanh nghiệp đã mong muốn vươn ra ngoài biên giới chắc chắn là những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, vững chắc về tài chính. Nếu các địa phương không nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy và xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thân thiện, nền kinh tế của quốc gia có thể sẽ bị thất thoát những nguồn lực quý giá cho phát triển.

Trong khi đó, khi điều tra về điểm đến đầu tư trong nước, gần 8.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát câu hỏi này. Trong đó có 3.462 doanh nghiệp cho biết cụ thể về điểm đến kinh doanh thời gian tới và nêu lý do cho quyết định của mình.

Đứng đầu danh sách điểm đến tương lai là TP. Hồ Chí Minh (662 doanh nghiệp lựa chọn), Đà Nẵng (475 doanh nghiệp), Hà Nội (334), Bình Dương (186) và Cần Thơ (97).

“Đại gia” Việt thích nhất mang tiền sang Lào đầu tư, chỉ một số rất ít muốn tới Trung Quốc - Ảnh 2.

10 địa điểm đầu tư hấp dẫn doanh nghiệp Việt Nam

Điều tra cho biết, khi lựa chọn địa phương để mở rộng sản xuất kinh doanh, các nhà đầu tư thường cân nhắc nhiều yếu tố bao gồm cơ hội kinh doanh, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, quy mô thị trường, chi phí, chất lượng lao động...., trong đó, chất lượng điều hành chỉ là một yếu tố.

Theo VCCI, việc xem xét các yếu tố lựa chọn của doanh nghiệp sẽ phần nào giúp địa phương nhìn nhận rõ hơn các lợi thế và hạn chế của mình, để đưa ra các chính sách thu hút đầu tư tốt hơn.

Cụ thể, phần lớn doanh nghiệp lựa chọn TP. HCM hay Hà Nội là vì các cơ hội kinh doanh (81-85%) hoặc quy mô thị trường (74%). Yếu tố môi trường kinh doanh thuận lợi, chất lượng điều hành tốt chỉ đủ thu hút 29% nhà đầu tư tới TP. Hồ Chí Minh hay 22% nhà đầu tư tới Hà Nội.

Tuy nhiên, đối với Đà Nẵng, thành phố có tới 7 lần đứng đầu bảng xếp hạng PCI, chất lượng điều hành tốt đang giúp Đà Nẵng thu hút được tới 65% số nhà đầu tư tiềm năng.

Riêng trường hợp của Lào Cai, một địa phương miền núi với vị trí kém thuận lợi, khoảng cách khá xa các thành phố lớn, cơ sở hạ tầng hạn chế hơn, nhưng cũng nằm trong nhóm 10 tỉnh thành hấp dẫn về đầu tư.

Yếu tố môi trường kinh doanh thuận lợi, chất lượng điều hành tốt chính thậm chí còn là một trong 3 lợi thế hàng đầu để Lào Cai thu hút đầu tư (cao hơn cả yếu tố cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn lao động).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại