Về huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hỏi thăm ông Tư Khanh (67 tuổi) ai cũng biết. Người dân nơi đây đã không còn xa lạ về ông Khanh - chủ vườn cây ăn trái rộng 10.000m2 ở xã Song Thuận. Có cơ ngơi bạc tỷ nhưng ông Khanh vẫn sống giản dị, chất phác, chân luôn đi đôi dép lào.
Đại gia Tiền Giang cho biết, trước đây ông từng tham gia kháng chiến. Năm 14 tuổi, ông bị thương ở cánh tay phải, trở về từ chiến trường, ông làm xã đội phó rồi được thăng chức lên xã đội trưởng.
Ông Tư Khanh có lối sống giản dị, chân chất
Trải qua nhiều năm công tác, ông Khanh đảm nhiệm ở nhiều cương vị khác nhau: Bí thư Đảng ủy xã, Bí thư huyện đoàn, Phó Chủ tịch huyện Châu Thành, Giám đốc xí nghiệp gỗ...
Những vết thương trong thời chiến đã để lại dấu tích trên cơ thể lão nông 67 tuổi. Ông Tư Khanh bị thương liệt cánh tay phải, ngón của bàn chân bị cong veo. Từ đó ông không thể mang giày, dép bao chân được nữa mà chỉ có thể đi lại bằng dép lào.
Vườn cây ăn trái nhìn từ trên cao của gia đình ông Tư Khanh
Trở thành thương binh, song ông Khanh vẫn cần mẫn, tìm cách phát triển kinh tế. Ban đầu gia đình ông chỉ hái dừa trong vườn bán cho thương lái hoặc mang ra trước cổng bán cho người qua đường.
Nhận thấy tiềm năng từ loại cây đặc sản, cách đây 10 năm, ông trồng mới hơn 300 cây dừa sáp, dừa dứa thẳng hàng thẳng lối. Vườn dừa xanh tốt, ra trái liên tục. Ông lại tận dụng những trái dừa sáp tự trồng chế biến thành nhiều sản phẩm đem bán như bánh khọt dừa sáp, cháo dừa sáp, gỏi dừa sáp…
Ngoài ra lão nông miền Tây còn đầu tư hơn một tỷ đồng làm hệ thống cầu thang tận ngọn dừa cho khách trèo hái quả.
Công trình ở vườn dừa của ông Khanh
Một hôm đi trong vườn nhà, đại gia miền Tây thấy nilon, vỏ chai ngập dưới mương, kênh. Ông bất giác lóe lên một ý tưởng.
“Nilon, vỏ chai vốn là hai thừ cực khó xử ly, gây ảnh hưởng đến môi trường. Thấy vậy, tôi chợt có suy nghĩ kết hợp hai thứ này lại với nhau: bỏ túi ni lông vào vỏ chai rồi kết thành hàng rào, vừa hợp mỹ quan lại giải quyết được phần nào vấn đề ô nhiễm”, ông Khanh nói.
Vậy là ông huy động con cháu, người thân lượm nhặt các lọ chai nhựa, bao bì bỏ, ngoài đường, trôi trên các kênh mương về để kết thành các bức tường, bàn, ghế ngồi… phục vụ cho du khách tới tham quan vườn dừa. Mỗi chai đều được khoét đáy, dồn nilon vào đầy ruột rồi mới được tái sử dụng.
Ông Khanh gom chai nhựa, nilon kết lại
Ý tưởng “điên rồ” của ông lão gần 70 tuổi khiến nhiều người lắc đầu. Có người còn chê ông gàn dở, thích tha “rác” về nhà. Trong vòng 3 năm, từ 2018-2021, ông Khanh gom được hơn 1 triệu vỏ chai nhựa.
Từ hàng rào, bộ bàn ghế xung quanh vườn, ông Khanh lại tiếp tục xây thêm một ngôi nhà ở giữa hồ sen, nhà hàng, quán cafe, khách sạn trên cao bằng chai nhựa, vỏ bình nước 20 lít. Ông đặt tên cho "hệ sinh thái" của mình là khu du lịch ve chai.
“Tôi thấy các nơi trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có rất nhiều khách sạn 3 sao, 5 sao ở biển, núi… song chưa đâu có khách sạn ngàn sao trên ngọn cây dừa? Tại sao không thể xây khách sạn trên ngọn dừa?”, ông Khanh tự hỏi.
Công trình của ông Khanh nằm ở độ cao khoảng 10m so với mặt đất, khách sẽ leo lên bằng một chiếc thang sắt. Khu vực khách sạn có quy mô 6 phòng nghỉ, mỗi phòng được trang bị nệm, gối, có nhà vệ sinh bên cạnh.
Ngày khách sạn hoàn thiện, có nhiều vị khách thập phương tò mò, hiếu kỳ đến đăng ký ở thử, không hề bận tâm tới giá cả đắt rẻ.
“Nếu thuê qua đêm là 2.000.000 đồng, còn theo tiếng là 500.000 đồng/tiếng. Đặc biệt mỗi người chỉ được đến đây 1 lần, không có lần thứ 2”, ông Tư Khanh cho biết.
Bên trong khách sạn trên đọt dừa
Lão nông quê Tiền Giang cho biết, mục đích ông xây dựng khách sạn không phải vì kinh tế. Ông muốn quảng bá hình ảnh cây dừa của xứ miệt vườn đến bạn bè quốc tế, đồng thời giúp người dân ở Việt Nam có cơ hội trải nghiệm cảm giác độc lạ ở trên cao.
Nguồn: Tổng hợp, Độc lạ Việt Nam