Tại Trung Quốc, nhà sáng lập bảo tàng Quang Phục (Bắc Kinh) - Ma Weidu, là nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực thẩm định cổ vật. Ông được coi là "nhà sưu tầm hàng đầu Bắc Kinh" với đôi mắt tinh tường, am hiểu các tác phẩm nghệ thuật cổ đại. Chính nhờ vậy mà bất cứ người yêu thích cổ vật nào cũng muốn được kết thân với Ma Weidu.
Trong một chương trình truyền hình gần đây, chuyên gia Ma Weidu bộc bạch những mối quan hệ này đôi khi cũng mang tới không ít phiền toái. Nhiều đại gia kết thân với ông vì muốn được ông kiểm định giúp những bảo vật họ sưu tầm được, song với tình huống này, nếu cổ vật là hàng thật thì không sao nhưng nếu là hàng giả thì Ma Weidu cảm thấy thực sự khó xử.
Một lần nọ, vị chuyên gia đi gặp gỡ một người bạn mới quen. Theo lời Ma Weidu, người bạn này là một thổ hào (người giàu có mới nổi) ở địa phương.
Ma Weidu là nhân vật mà "giới nhà giàu" Trung Quốc luôn muốn kết thân. Ảnh: Sohu
Trong bữa ăn, vị đại gia nói với Ma Weidu rằng ở nhà ông có "một đống đồ sứ lò Nhữ", muốn nhờ ông tới xem giúp, cũng là muốn "khoe khéo" bộ sưu tập của mình. Theo đó, lò Nhữ chính là một trong năm lò nung nổi tiếng nhất ở thời nhà Tống (960—127), đồ gốm sứ thuộc lò Nhữ là thứ mà nhà sưu tầm nào cũng ao ước.
Tuy nhiên, Ma Weidu nghe vậy không hề vui mừng mà bối rối hỏi thêm:
"Một đống cụ thể số lượng là bao nhiêu?"
Vị đại gia tiếp lời: "Có 66 món."
Nghe đến đây, Ma Weidu lập tức kiếm cớ từ chối, sau khi ăn xong thì bỏ về ngay. Điều này làm cho vị đại gia kia không khỏi tức giận.
Sau này, Ma Weidu mới giải thích rằng ông không thể tới nhà người bạn vì đồ của anh ta chắc chắn là đồ giả, đứng trước những cổ vật giả đó sẽ vô cùng khó xử.
Một món đồ gốm lò Nhữ được trưng bày tại Bảo tàng Cố Cung Quốc gia. Ảnh: Sohu
Xét về mặt lịch sử, các lò nung thời nhà Tống có thời gian hoạt động rất ngắn ngủi, chỉ hơn 20 năm, số lượng sản xuất ra cũng không nhiều.
Theo thống kê của giới chuyên môn, đồ gốm của lò Nhữ tổng cộng chỉ có gần 100 món. Hầu hết những cổ vật gốm này đều được giữ trong các bảo tàng, trong đó Bảo tàng Cố Cung Quốc gia ở Đài Bắc giữ tới 21 món nên việc một nhà sưu tầm tư nhân vô danh nắm giữ 66 món đồ gốm quý giá là điều không thể. Nếu không phải đồ giả thì còn có thể là gì?
Vậy mới nói việc sưu tầm đồ cổ không chỉ cần tài chính dồi dào mà đòi hỏi tầm hiểu biết sâu sắc về cổ vật. Một người yêu đồ cổ là không hiểu biết thì sẽ chỉ mua phải đồ giả mà thôi.