Đại gia Việt giấu mặt
Thời gian gần đây, giới đầu tư bất ngờ chú ý đến cổ phiếu của CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC), một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh kẹo lớn nhất tại Việt Nam nhưng trước đó không thực sự ấn tượng trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Cho dù đã niêm yết từ 2007 nhưng cổ phiếu HHC luôn trầm lắng, giao dịch với khối lượng rất ít và giá cổ phiếu phần lớn thời gian ở mức thấp 7.000-20.000 đồng/cp. HHC bắt đầu bùng nổ tăng giá từ cuối 2016, tăng gấp 2-2,5 lần có lúc lên gần 53.000 đồng/cp trong vài phiên gần đây.
Cổ phiếu này bắt đầu thu hút sự chú ý của giới đầu tư vào thời điểm Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) - công ty mẹ của đơn vị trên đăng ký thoái toàn bộ lượng 51% cổ phần đang sở hữu.
Nữ đại gia chi 400 tỷ thâu tóm Bánh kẹo Hải Hà.
Hai cá nhân bí ẩn bất ngờ chi hàng trăm tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này. Ngày 22/3, bà Nguyễn Thị Duyên chi hơn 400 tỷ đồng để mua gần 8,4 triệu cổ phần HHC của Bánh kẹo Hải Hà để sở hữu gần 51% vốn của doanh nghiệp này.
Trước đó khoảng 1 tuần, ông Vũ Hải cũng đã chi 155 tỷ đồng để mua 3,9 triệu cổ phần HHC (tương đương gần 24% vốn cổ phần).
Một trường hợp tương tự cũng đã diễn ra tại CTCP Thực phẩm Hữu nghị (HNF).
Cổ phiếu này cũng không có gì nổi bật cho tới khi 2 cá nhân là ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lưu Thanh Tâm đã chi tổng cộng khoảng 260 tỷ đồng để sở hữu 6 triệu cổ phiếu (tương đương 20% và 10%) cổ phần tại HNF trong khoảng thời gian Vinataba đăng ký thoái toàn bộ 10,3 triệu cổ phiếu (51,74% vốn) HNF.
Gần đây, Sữa Mộc Châu cũng nổi như cồn sau khi về tay tư nhân sau cú chuyển nhượng trị giá hơn ngàn tỷ đồng. GTNFoods đã chi hơn 1,3 ngàn tỷ đồng để mua công ty mẹ của Sữa Mộc Châu: Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico). DN tư nhân này trước đó cũng chi gần 500 tỷ đồng để thâu tóm Tổng công ty Chè Việt Nam.
Trước đó, một loạt các cá nhân từ các địa phương đã đổ tiền thâu tóm nhiêu công ty công trình giao thông, trong đó có Cienco 4. Vài năm sau đó, giới đầu tư thấy bóng dáng người nhà của lãnh đạo địa phương trở thành lãnh đạo và cổ đông lớn của DN này.
Trong mảng bất động sản, rất nhiều cá nhân kín tiếng đã âm thầm thâu tóm các dự án lớn.
Hồi giữa 2014, Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa do ông Trương Lâm làm chủ tịch HĐQT đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua lại dự án Sky Park Residence và Khách sạn Hà Đô Mercure Hà Nội. CTCP Hải Phát cũng là một cái tên đã thâu tóm nhiều dự án BĐS lớn tại Hà Nội, trong đó có Vinafco Building.
Một số DN có đất vàng tại Hà Nội cũng được các đại gia giấu mặt quan tâm và thâu tóm. Ông chủ Vạn Cường là đại gia đứng sau thâu tóm đất vàng Hãng Phim truyện Việt Nam, đơn vị quản lý hàng ngàn mét vuông đất ngay sát cạnh Hồ Tây...
Cổ phiếu này không được các NĐT nhỏ lẻ quan tâm, nhưng sự xuất hiện của “ông lớn” ngoài ngành đã khiến thị trường xôn xao trong một thời gian dài.
Giàu có lộ diện
Trong năm 2016, giới đầu tư cũng bắt đầu chú ý tới một cái tên rất mới: Phạm Hoành Sơn, còn được gọi bằng biệt hiệu “Sơn xay xát”. Đại gia tỉnh lẻ Hà Tĩnh đã thâu tóm đất vàng Cao Su Sao Vàng mà nhiều ông lớn địa ốc khác thèm muốn.
Sau cú thâu tóm đất vàng thủ đô, ông Sơn mới được biết đến là một doanh nhân nổi tiếng miền Trung với tài sản là nhiều công ty con hoạt động từ thương mại, vận tải, khai khoáng, xây dựng cho tới đầu tư dự án BĐS tại miền Trung và Lào.
Giới đầu tư cũng tò mò với một “ông lớn” bí ẩn Hoàn Lộc Việt, DN đứng đầu sau thương vụ chuyển nhượng hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu hàng không.
Đây là một cái tên không quen thuộc với các NĐT trên TTCK nhưng lại có những khoản đầu tư rất lớn, từ cổ phần tại CTCP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN)… liên quan tới ông trùm hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn.
Một kịch bản khá chung trong những thương vụ lộ diện đại gia bí ẩn gần đây chính là cuộc đua của những người nhiều tiền nhưng kín tiêng trong việc nắm giữ cổ phiếu sau khi Nhà nước thoái vốn. Nhiều trong số các cuộc đua này có liên quan tới đất vàng của các DNNN.
Các doanh nghiệp tốt được đại gia săn lùng.
Ngoại trừ các thương vụ mua bán trong bóng tối, lập lờ giá trị thật của DNNN được đưa ra IPO, thì trong các vụ đấu giá cổ phần hay bán trên TTCK khác, “cuộc chiến” cũng khá căng thẳng và phần thắng thường thuộc về những người có tiền và nắm bắt tốt hơn về cuộc chơi.
Hồi đầu năm 2016, giới đầu đã chứng kiến khoảng 30 phút giành giật mua 122 triệu cổ phiếu Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam - Gelex (GEX) trong thương vụ Bộ Công Thương bán vốn tại DN này với tổng giá trị giao dịch đạt trên 2,1 ngàn tỷ đồng.
Vụ mua bán này diễn ra công khai trên TTCK nhưng quá nhanh và hầu như các NĐT nhỏ lẻ không thể tham gia do không theo kịp và không đánh giá được đúng tiềm năng của DN sản xuất thiết bị điện, xây dựng công trình kỹ thuật và kinh doanh BĐS hàng đầu Việt Nam này.
Sự hấp dẫn của các cổ phiếu do Nhà nước thoái vốn thực sự rất lớn. Thực tế đã chứng minh, không ít thương hiệu như Gelex vốn đã hoạt động tốt, sau khi về tay tư nhân càng hoạt đột tốt hơn.
Một số DNNN hoạt động không hiệu quả sau khi IPO cũng hoạt động rất tốt. Đó là chưa kể tới những DN vốn giá trị DN đã rất lớn, trong đó có quỹ đất vàng khổng lồ, chỉ cần được chuyển từ Nhà nước về tay tư nhân là giá trị đã tăng vọt.
Trên TTCK, giới đầu tư đã từng chứng kiến hàng loạt các cổ phiếu sau IPO tăng giá dữ dội thêm một vài, thậm chí cả chục lầ như cổ phiếu VEF của Triển lãm Giảng Võ, GEX của Gelex, CTX Holdings… hay như cổ phiếu Bánh kẹo Hải Hà và Thực phẩm Hữu nghị gần đây.
Có thể thấy, cổ phần hóa các DNNN giúp nhiều DN hoạt động hiệu quả hơn. Nhiều người giàu hơn lộ diện, nhiều nguồn vốn khổng lồ năm im lâu nay được đưa vào các DN, vào TTCK để giúp các DN phát triển hơn nữa, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trên thực tế, cổ phần hóa còn có nhiều vấn đề phải bàn, từ sự thiếu minh bạch, thất thoát tài sản Nhà nước cho tới những nguồn vốn tư nhân lớn bất thường… nhưng nhìn chung đây là một xu hướng tất yếu giúp nền kinh tế trở nên năng động và hiệu quả hơn.