Đại diện VNPost: Tất cả các nhà chuyển phát đang phải 'bơi' ra để phục vụ thương mại điện tử

Thái Trang |

Tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019, ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển và Thương hiệu VNPost cho biết, nhiều kế hoạch lớn của công ty này đều đi sau sự phát triển của ngành thương mại điện tử Việt Nam.

Sự phát triển của ngành thương mại điện tử vừa là động lực, vừa được hỗ trợ bởi các ngành và các nền tảng khác.

Các công ty thương mại điện tử đang tạo ra cho thị trường sự cạnh tranh bứt phá và dấu ấn rõ nét. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng khi người tiêu dùng ngày càng mua hàng thuận tiện hơn.

Họ không chỉ cạnh tranh về việc bán hàng chính hãng, chất lượng sản phẩm, mà còn cạnh tranh cả về tốc độ giao hàng. Vì vậy, nói đến thương mại điện tử thì không thể bỏ qua vai trò của các nhà chuyển phát.

Nhận xét về sự phát triển của ngành thương mại điện tử cũng như vai trò của các nhà chuyển phát, ông Lê cho biết: tất cả các nhà chuyển phát đang phải "bơi" ra để phục vụ thương mại điện tử.

"Chúng tôi cũng đã chuẩn bị các kế hoạch rất lớn từ nhiều năm, nhưng thị trường luôn đi trước dự báo của chúng tôi. Đặc biệt, chuyển phát còn liên quan đến lĩnh vực hạ tầng, nên để bắt kịp thị trường cũng là vô cùng khó khăn".

Các nhà chuyển phát truyền thống trước đây đều có dịch vụ "hỏa tốc" dành cho phân khúc cao cấp. Tuy nhiên hầu như là giấy tờ quan trọng và tỷ trọng còn hạn chế, liên quan đến giá cước và nhiều yếu tố khác nhau.

Trong dịch vụ chuyển phát trước đây, VNPost đều có đưa ra cho khách hàng các sự lựa chọn khác nhau, tuy nhiên chi phí là một vấn đề lớn. Với xu hướng ngày càng tăng của kinh tế chia sẻ và sự xuất hiện của các startup thì bài toán chi phí đã được giải quyết.

Thời gian vừa rồi các startup công nghệ liên quan chuyển phát phát triển rất nhiều mang lại lợi ích cho khách hàng.

VNPost buộc phải thay đổi để bắt kịp xu hướng thị trường, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Cũng có một số khó khăn liên quan đến hạ tầng logistic và cơ sở hạ tầng. Điều này các nhà chuyển phát sẽ phối hợp trong tương lai với các công ty logistic khác.

Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam cũng đang được hỗ trợ rất nhiều bởi mạng xã hội Facebook.

Bà Tenzin Dolma Norbhu, Giám đốc Chính sách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Facebook cho biết: Facebook cung cấp nền tảng cho rất nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử vừa và nhỏ, hỗ trợ họ khởi nghiệp thông qua các hoạt động tìm kiếm khách hàng, quảng cáo và tuyển dụng.

Facebook cũng làm việc với các công ty, tổ chức khác để tổ chức chương trình đào tạo tập huấn để hướng dẫn người sử dụng, đồng thời phối hợp công ty viễn thông để đảm bảo người dùng có trải nghiệm tốt hơn, sử dụng ứng dụng dễ dàng hơn thuận tiện hơn.

Dưới góc độ chuyên môn xử lý dữ liệu để phục vụ ngành thương mại điện tử, bà Đặng Thuý Hà, đại diện Nielsen cho biết: Nielsen đo dữ liệu trên cả thị trường truyền thống và hiện đại, lấy dữ liệu của các nhà bán lẻ đưa về cơ sở dữ liệu chung, và bảo mật thông tin cho khách hàng.

Các thống kê phân tích sẽ giúp các doanh nghiệp có thông tin tổng quan về thị trường, đo lường thị trường sát hơn, mang lại lợi ích cho các bên và toàn bộ nền kinh tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại