Vấn đề trên được đặt ra tại phiên thảo luận “Cân bằng hoạt động tái tạo với trải nghiệm của khách du lịch”, trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 do EuroCham Việt Nam và Bộ Công Thương đồng tổ chức, diễn ra từ ngày 21 – 23/10 tại TP.HCM.
Một trong 10 chủ đề trọng điểm về chuyển đổi xanh được lựa chọn thảo luận tại Diễn đàn năm nay là du lịch bền vững. Vậy lĩnh vực hàng không - một cấu phần quan trọng của ngành du lịch - có thể làm gì để thúc đẩy du lịch tái sinh, hạn chế phát thải từ các chuyến bay?
Bà Helene Burger, Trưởng bộ phận Hợp tác quốc tế và Phát triển bền vững châu Á - Thái Bình Dương của Airbus, nêu ra một thực tế là hầu hết du khách muốn đến Việt Nam sẽ phải đi máy bay.
“ Ngành hàng không thường bị chỉ trích là tác nhân tạo ra CO2, chiếm 2-3% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Để hoàn thành cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, chúng tôi biết rằng phải thay đổi vận hành và đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển).
Nhìn vào cả quá trình, bạn sẽ thấy cường độ phát thải CO2 trên mỗi chặng đã giảm được hơn 50%. Đã có rất nhiều cải tiến, nhưng vẫn chưa đủ. Với vai trò là nhà sản xuất máy bay, chúng tôi có trách nhiệm phải tiếp tục cải thiện phương tiện ”, bà Helene cho biết.
Theo đại diện của Airbus, hãng máy bay này đã làm việc với các nhà sản xuất động cơ để có những động cơ hiệu quả hơn nữa, đồng thời sử dụng những vật liệu nhẹ hơn. Mỗi năm Airbus dành 3 tỷ euro đầu tư vào R&D.
“ Con số này rất lớn, nhưng cần thiết. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xem xét những công nghệ mới như máy bay vận hành bằng nhiên liệu hydrogen, có thể đưa lượng phát thải CO2 của mỗi chuyến bay về 0 ”, bà Helene nói thêm.
Về phía hãng hàng không, ông Nguyễn Trọng Đức – Phó trưởng phòng Chiến lược – Ban Kế hoạch và Phát triển Vietnam Airlines cho biết họ cũng đã triển khai nhiều sáng kiến để thúc đẩy du lịch bền vững, chẳng hạn như chiến dịch “Bay nhẹ tới Côn Đảo”.
Theo đó, Vietnam Airlines khuyến khích hành khách giảm tải trọng hành lý để giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ và phát thải CO2 trên các chuyến bay, đồng thời tăng cường các chương trình thu gom, phân loại, tái chế rác thải, thúc đẩy lối sống xanh trong cộng đồng dân cư… Cùng với đó là hoạt động trồng rừng, bảo tồn hệ sinh thái động thực vật, đa dạng sinh học tại Côn Đảo…
Tuy nhiên, câu hỏi từ phía khán giả dự tọa đàm chỉ ra một chi tiết trên các chuyến bay của Vietnam Airlines có thể không nhất quán với mục tiêu phát triển bền vững.
“ Trên các chuyến bay của Vietnam Airlines có bán trà sữa đựng trong ly nhựa, sử dụng ống hút nhựa, và ống hút nhựa lại được bọc trong màng nhựa. Tôi từng nghe nhiều người thắc mắc, vì điều này có thể tạo ra lượng nhựa rất lớn trên chuyến bay. Vietnam Airlines có thể tìm những cách hiệu quả hơn để phục vụ đồ uống và đồ ăn trên máy bay không? ”, vị khán giả đặt vấn đề.
Đáp lại, ông Đức thừa nhận các chuyến bay của Vietnam Airlines vẫn có nhiều đồ bằng nhựa, và bộ phận dịch vụ của hãng đang nghiên cứu về vấn đề này.
“ Tuy nhiên, như mọi người cũng biết, chúng tôi phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn hàng không, nên dù muốn giảm nhựa trên chuyến bay đôi khi cũng không thể. Có những khi chúng tôi muốn thay đổi vật liệu, chẳng hạn như dùng giấy để thay thế nhựa, nhưng đề xuất thì cơ quan quản lý không cho phép, vì như vậy là vi phạm tiêu chuẩn.
Hiện nay chúng tôi vẫn đang cố gắng hết sức để giảm thiểu nhựa. Bạn có thể thấy một số vật phẩm trên chuyến bay đã sử dụng chất liệu giấy. Chúng tôi vẫn sẽ nỗ lực để đổi hết sang giấy hoặc vật liệu khác để thay thế nhựa ”, đại diện của Vietnam Airlines trình bày.