Ngày đầu tiên của tuần lễ, các diễn giả tập trung vào chủ đề trao quyền cho lực lượng lao động xanh. Phiên thảo luận có sự góp mặt của ông Christopher Jordan - Giám đốc Nhà máy của Highlands Coffee, bà Thảo My Nguyễn – Chuyên viên chiến lược tại Rice Studios và ông Keith Donald Schulz Jr. – Giám đốc Phát triển bền vững khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Motul.
Là một người gắn bó với ngành cà phê và từng làm việc hơn 10 năm ở Starbucks, ông Christopher cho biết biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng tới ngành này suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, ông đánh giá mọi người chưa phản ứng thực sự hiệu quả trên nhiều khía cạnh, chẳng hạn như tính đa dạng của giống. Vì vậy, sản lượng cà phê ngày càng thấp, sức khỏe của đất suy giảm. Điều này được thể hiện rõ ràng trên thị trường cà phê.
“3 năm qua, lần đầu tiên trong đời mình và sau 25 năm làm trong ngành cà phê, tôi mới chứng kiến lượng cà phê sản xuất ra không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ”, đại diện Highlands Coffee bày tỏ.
Về phía ông Keith, do Motul là công ty dầu nhớt - một sản phẩm dùng cho động cơ đốt trong, nên họ có nguy cơ phải đối mặt với “khoảnh khắc Kodak” trong bối cảnh phương tiện di chuyển ngày càng được xanh hóa.
“Do đó, chiến lược phát triển bền vững đóng vai trò vô cùng quan trọng. Một trong những hành động khả thi mà Motul xác định được là sử dụng vật liệu tái chế làm bao bì sản phẩm ”, ông Keith chia sẻ.
Cũng liên quan đến vấn đề bao bì, một câu hỏi được đặt ra cho ông Christopher là mặc dù có tới hơn 800 cửa hàng, Highlands Coffee vẫn bán nước đựng trong ly nhựa cho khách, liệu công ty có kế hoạch gì để giải quyết vấn đề này hay không. Đáp lại, đại diện Highlands Coffee cho biết đây là một trong những vấn đề lớn nhất khiến họ phải suy nghĩ.
“Chúng tôi đã hợp tác với Đại học RMIT, làm việc với một nhóm để thảo luận về ý tưởng phát triển bền vững, cố gắng tìm ra một số giải pháp liên quan đến xử lý rác thực phẩm. Có rất nhiều cơ hội để tận dụng bã cà phê.
Do đó, hiện nay chúng tôi không coi rác thực phẩm bên trong hệ thống của mình là vấn đề lớn nhất, mà đó là rác thải nhựa. Chúng tôi có quan hệ đối tác với PlasticPeople và dự định sẽ mở rộng hợp tác.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất liên quan đến nhựa, thật lòng mà nói, chỉ là giảm thiểu số lượng. Lý do là vấn đề tái chế rất phức tạp. Khi thảo luận với các sinh viên RMIT về tái chế, chúng tôi đã chỉ ra rằng quy trình này thực ra còn gây sức ép lên môi trường lớn hơn so với việc sử dụng nhựa. Đây không phải giải pháp đơn giản, như kiểu cứ lấy đống nhựa đó và đem tái chế.
Vì vậy, tôi nghĩ mục tiêu lớn sẽ là giảm thiểu rác nhựa qua thời gian, tiến dần đến nhựa có thể phân hủy sinh học, sau đó tới tái chế. Tuy nhiên, đó là cả hành trình đối với chúng tôi. Đó là vấn đề chúng tôi phải giải quyết ”, ông Christopher trình bày.
Một điều quan trọng mà đại diện của Highlands Coffee nhấn mạnh là tính bền vững phải được tích hợp một cách thống nhất trong toàn bộ doanh nghiệp. Vì vậy, Highlands Coffee sẽ thành lập một ban ESG trong năm nay, bao gồm những lãnh đạo chủ chốt trong toàn bộ công ty.