Những điểm nóng về chiến tranh hay xung đột vũ trang trên thế giới đang tạm thời lắng xuống, trước những mối lo lớn hơn từ đại dịch Covid-19. Hưởng ứng lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để “dồn lực, chống dịch” của Liên Hợp Quốc đưa ra mới đây, nhiều vùng chiến sự căng thẳng như Syria, Libya, Yemen,… đang có những chuyển biến tích cực.
Lo ngại hệ thống y tế “yếu kém” không đủ để chống dịch tại những quốc gia bị chiến tranh và xung đột tàn phá, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong tuần này đã kêu gọi ngừng bắn trên phạm vi toàn cầu.
“Thế giới của chúng ta phải đối mặt với một kẻ thù chung, Covid-19. Dịch bệnh không liên quan đến quốc tịch hay sắc tộc, phe phái hay đức tin. Nó tấn công tất cả, liên tục và không ngừng nghỉ. Trong khi đó, xung đột vũ trang vẫn hoành hành ở khắp nơi trên thế giới. Phụ nữ và trẻ em; người khuyết tật, người già là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, có nguy cơ phải trả 1 cái giá cao nhất. Vì vậy, hãy chấm dứt chiến tranh và cùng chiến đấu với đại dịch Covid-19, vốn đang tàn phá thế giới của chúng ta”, ông Guterres khẳng định.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh những điểm nóng chiến sự bậc nhất thế giới như Syria cũng đã thông báo những trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên. Tuy nhiên, đến nay, tại khu vực còn giao tranh cuối cùng của quốc gia Trung Đông này – là tỉnh Idlib vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm nào. Nhiều quan ngại cho rằng, người dân tại những điểm nóng như vậy sẽ không được tiếp cận việc xét nghiệm nếu nghi nhiễm. Theo các bác sĩ và các tổ chức nhân đạo tại Idlib, với các khu tập trung đông người tị nạn, cơ sở y tế lạc hậu do chiến tranh tàn phá, nếu dịch Covid-19 bùng phát, đây sẽ là 1 cuộc khủng hoảng thực sự.
“Sự thật là, nếu dịch bệnh lây lan ở đây, nó sẽ rất khó kiềm chế. Ở đây, mọi người dân đang ở gần nhau, ở những lều trại tị nạn gần nhau. Là 1 bác sĩ, tôi cố gắng xoa đi nỗi sợ hãi của người dân. Họ thường đến đây hỏi có trường hợp mắc bệnh nào không”.
Hiện Tổ chức Y tế Thế giới đang tìm cách hỗ trợ y tế cho khu vực này, trong khi chiến sự tại đây cũng đã tạm thời lắng xuống, với thỏa hiệp, dàn xếp của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn tại Yemen, hôm qua (26/3), Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Martin Griffith xác nhận, cả lực lượng chính phủ và nhóm phiến quân Houthi tại đều có phản ứng tích cực đối với kêu gọi ngừng bắn của Liên Hợp Quốc, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan nhanh. Ông hy vọng các bên sẽ tuân thủ cam kết của mình và đặt lợi ích của người dân Yemen lên trên hết, đồng thời kêu gọi một cuộc họp khẩn về cách thức biến cam kết của họ thành hiện thực.
Trước đó, Liên Hợp Quốc và các nước Arab cũng đã hoan nghênh những phản hồi tích cực từ các bên đối địch ở Libya đối với những lời kêu gọi về một lệnh ngừng bắn nhân đạo giữa lúc gia tăng nhiều lo ngại liên quan đến dịch Covid-19. Theo đó, trong 2 ngày 18 và 21/3 những lời kêu gọi ngừng bắn từ các bên đối địch Libya đã được đưa ra, nhằm mở đường cho viện trợ nhân đạo từ Liên Hợp Quốc. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hi vọng, lời kêu gọi ngừng bắn sẽ thành hiện thực, đồng thời giúp các bên Libya hướng tới 1 lệnh ngừng bắn lâu dài, mở đường cho 1 giải pháp chính trị.
Về cuộc xung đột tại Cameroon, trong cuộc họp báo hàng tuần ở New York (Mỹ), hôm qua, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết, Liên Hợp Quốc hoan nghênh lệnh ngừng bắn tạm thời do Lực lượng phòng thủ Cameroon ở khu vực miền Nam công bố. Được biết, cuộc xung đột vũ trang đã bùng phát tại khu vực Tây Bắc và Tây Nam Cameroon giáp biên giới Nigeria từ tháng 10/2017. Lực lượng nổi dậy tại khu vực nói tiếng Anh này muốn tách khỏi khu vực nói tiếng Pháp của Cameroon. Xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người và khiến gần 700.000 người phải rời bỏ nhà cửa.
Còn tại Philippines, một nhóm vũ trang cũng đã thông báo ngừng bắn tạm thời vào ngày 24/3 vừa qua. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres hôm qua hy vọng động thái này sẽ là "tấm gương" cho các nhóm vũ trang khác trên toàn thế giới, nhằm giảm tiếng súng và thúc đẩy tinh thần đoàn kết chống đại dịch toàn cầu Covid-19./.