Đại dịch Covid-19 cướp đi giấc mơ kiếm tiền của hàng chục triệu thanh niên châu Á

Trung Mến |

Thanh niên châu Á đang mất việc nhanh hơn nhiều so với các thế hệ trước bởi gần một nửa đang làm việc trong bốn lĩnh vực kinh tế chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19.

Đã nhiều thập kỷ nay, nhóm các nền kinh tế châu Á tăng trưởng nhanh đã mang đến cho hàng chục triệu người trẻ tuổi cơ hội sống tốt hơn so với các thế hệ trước.

Thế nhưng con đường phát triển theo chiều hướng đi lên này đang đương đầu với rủi ro khi mà tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ tuổi trong khu vực tăng lên. Châu Á là nơi tập trung rất nhiều người trẻ của thế giới trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi.

Những người trẻ tuổi này, mới ở giai đoạn đầu trong sự nghiệp của họ, đang mất việc nhanh hơn nhiều so với các thế hệ trước bởi gần một nửa đang làm việc trong bốn lĩnh vực kinh tế chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, trong đó có bao gồm bán buôn và bán lẻ; sản xuất; dịch vụ kinh doanh và lưu trú; dịch vụ thực phẩm.

Phụ nữ và những người thuộc nấc thang cuối trong xếp hạng việc làm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). ADB và ILO đã cảnh báo về khả năng có một thế hệ mắc kẹt bị bỏ lại phía sau.

Cô Pavisa Ketupanya năm nay 26 tuổi là một trong những trường hợp như vậy. Cô có bằng lái phi công và có kế hoạch tiếp bước cha mình theo nghề lái máy bay thương mại, thế nhưng rồi đại dịch đã chấm dứt tất cả.

“Khi tôi nhận bằng lái phi công, tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ có một công việc với mức đãi ngộ rất tốt cho cuộc đời mình”, Pavisa nói. Cuối cùng, hiện tại cô đang phải kinh doanh tạm dịch vụ nối mi để có tiền duy trì cuộc sống và chờ cho đến khi kinh tế cải thiện. Cô chia sẻ: “Thu nhập từ nghề này chỉ bằng một phần so với nghề phi công của tôi, thế nhưng còn tốt hơn là không làm gì cả”.

Những câu chuyện cuộc đời như cô vô cùng phổ biến khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương nơi mà ước tính ít nhất 15 triệu thanh thiếu niên và người trẻ tuổi tại 13 quốc gia mất việc trong năm nay, theo tính toán cua ADB và ILO.

Tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ toàn cầu hiện đang thực sự trở thành một cuộc khủng hoảng. Nhiều thập kỷ qua, châu Á đã phụ thuộc nhiều vào nhóm cộng đồng người trẻ và tầng lớp trung lưu để có nhu cầu tiêu dùng, động lực này giờ đây tuy nhiên đang chịu nhiều sức ép.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đóng góp khoảng 2/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019, trong khi đó nhóm nền kinh tế đang phát triển trong năm nay dự kiến sẽ suy giảm lần đầu tiên tính từ thập niên 1960.

Cuộc sống của cô gái Navisha năm nay 17 tuổi tại New Delhi cũng không khá hơn. Trong vòng 6 tháng qua, cô đã không ngừng tìm kiếm việc làm mang lại thu nhập ổn định. Trước đó, cô đã mất việc khi đại dịch Covid-19 xảy ra. 3 năm trước, khi bố bị tai nạn mất khả năng lao động, cô đã buộc phải bỏ học để đi làm kiếm tiền hỗ trợ gia đình.

Cô chỉ kiếm được khoảng 5.500 rupee tức khoảng 75USD/tháng. Số tiền này được dùng để hỗ trợ cho cha mẹ và 4 người em. Hai em gái của cô năm nay mới 14 và 16 tuổi cũng đã bỏ học để kiếm tiền cho gia đình.

Cú sốc Covid-19 hiện đang tạo ra tầng lớp người nghèo mới tại Đông Á và khu vực Thái Bình Dương, dự kiến sẽ có thêm khoảng 38 triệu người bị rơi vào cảnh đói nghèo, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB).

Cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ làm căng thẳng mối quan hệ giữa người trẻ và người già tại khu vực châu Á, khiến cho nhiều người trẻ đương đầu với vấn đề về tinh thần và thậm chí còn tồi tệ hơn so với các cuộc khủng hoảng việc làm khác, giám đốc sáng lập trung tâm nghiên cứu về gia đình và dân số thuộc Đại học Quốc gia Singapore, bà Wei-Jun Jean Yeung, nhấn mạnh.

Bà Wei-Jun Jean Yeung khẳng định lần này, tác động sẽ tồi tệ hơn bởi có quá nhiều áp lực đến cùng lúc, tác động sẽ kéo dài và tồi tệ hơn những lần trước.

Không chỉ tại các nền kinh tế nhỏ, kém phát triển và phục hồi chậm, ngay cả tại Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ vẫn ở mức cao. Tại Nhật, nhiều doanh nghiệp đang giảm tuyển dụng, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp mất cơ hội làm việc dài hạn.

Cô Zhu Yue năm nay 24 tuổi, cô mới hoàn thành chương trình thực tập tại ByteDance ở Bắc Kinh. Cô sang Nhật học nốt chương trình thạc sỹ tại đại học Waseda. Khi cô nhận bằng đại học vào năm 2018, lúc đó quá thừa việc làm, tuy nhiên lần này mọi chuyện đã khác, năm nay khó kiếm việc vô cùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại