Từ cảnh sát đến đại ca xã hội đen
Trần Huệ Mẫn được mệnh danh là người đàn ông sở hữu nắm đấm mạnh nhất châu Á. Giới võ thuật châu Á thậm chí còn xướng rằng: "Quyền có Trần Huệ Mẫn, chân có Lý Tiểu Long".
"Quyền có Trần Huệ Mẫn, chân có Lý Tiểu Long"
Từ nhỏ Trần Huệ Mẫn đã thích luyện võ. Ông từng học qua Đàm gia Tam triển quyền và boxing phương Tây. Năm 16 tuổi, Trần Huệ Mẫn quen biết một người bạn trong bang 14K. Thấy anh ta rất oai nên ông cũng gia nhập băng đảng này.
Năm 17 tuổi, Trần Huệ Mẫn thi cảnh sát, nhưng vì phải vài tháng nữa ông mới đủ 18, nên cục cảnh sát nhận. Sau đó, ông chuyển sang làm coi ngục.
Trong thời gian Trần Huệ Mẫn làm coi ngục, một đại ca của bang 14K bị bắt giam. Vì giúp đỡ vị đại ca này khá nhiều, nên Trần Huệ Mẫn rất được ông ta và anh em trong bang coi trọng.
Trần Huệ Mẫn chia sẻ vào những năm thập niên 60,70, các băng đảng xã hội đen mọc lên như nấm, hoành hành khắp nơi. Khi đó, trộm cướp là cảnh sát, cảnh sát cũng là trộm cướp.
"Chẳng có kẻ nào trong sạch cả, anh không nhận tiền bẩn, thì tiền bẩn cũng được rót vào túi anh. Không thể không nhận, nhận rồi đi làm từ thiện cũng được, nhưng nếu kiên quyết không nhận thì sẽ bị cô lập, bị trừ khử", Trần Huệ Mẫn chia sẻ.
Vì không muốn tiếp tục làm coi ngục, nên Trần Huệ Mẫn đã xin điều chuyển sang làm cảnh sát phòng chống ma túy. Ông kể: "Tôi xin vào tổ phòng chống ma túy, chỉ cần nộp 5000 tệ là có thể vào đó rồi.
Khi ấy theo quy định, tổ chống ma túy cứ 3 tháng lại thay người một lần, nhưng người mới phải kiếm ít nhất 15 nghìn tệ trong vòng 3 tháng".
Trần Huệ Mẫn làm cảnh sát được vài năm. Đến năm 1967, ông bị phát hiện là "tay trong" của băng đảng xã hội nên bị khai trừ ra khỏi ngành. Từ đó, Trần Huệ Mẫn chính thức bắt đầu sự nghiệp băng đảng.
Năm 25 tuổi, Trần Huệ Mẫn làm đại ca của bang 14K. Thời kỳ hoàng kim nhất, cả khu Tsim Sha Tsui đều là địa bàn của ông. Khi ấy, con đường Kimberley hào hoa của Hong Kong ngày nay được đặt tên là "đường Trần Huệ Mẫn".
Mỗi khi ra ngoài, Trần Huệ Mẫn luôn có hàng chục tay chân tháp tùng.
Mỗi khi ra ngoài, Trần Huệ Mẫn luôn có hàng chục tay chân tháp tùng. Môn sinh theo ông học võ lên tới 400-500 người. Nhớ lại gia đoạn này, Trần Huệ Mẫn đến giờ vẫn còn rất tự hào.
Từ đại ca xã hội đen đến ngôi sao điện ảnh
Năm 1970 - 1971, Trần Huệ Mẫn liên tiếp giành ngôi quán quân của cuộc thi boxing Đông Nam Á, tiếng tăm lừng lẫy.
"Lý Tiểu Long vừa qua đời, giới điện ảnh ráo riết tìm kiếm một diễn viên biết đánh võ thực sự để đóng phim. Không ngờ họ lại mời tôi đóng phim.
Bộ phim đầu tiên của tôi là Love and Blood của đạo diễn Hà Phiên, thù lao 3000 tệ. Thu nhập có vẻ khả quan, nên năm 80 tôi gia nhập làng giải trí, tiền lương hàng tháng khoảng 1000 HKD".
Năm 1973, Trần Huệ Mẫn lại tái ngộ với đạo diễn Hà Phiên qua tác phẩm "Mùa xuân ở Đan Mạch".
Năm 1976, ông vào vai một sát thủ mặt lạnh trong phim "Nhảy bụi" của đạo diễn Lương Phổ Trí. Và đặc biệt cùng với Bạch Bưu, Lý Tiểu Long tham gia siêu phẩm "Anh hùng xạ điêu truyện".
Trần Huệ Mẫn trò chuyện cùng Lý Tiểu Long.
Năm 1983, vai diễn đại ca giang hồ trong phim Crimson Street đã giúp Trần Huệ Mẫn nhận được đề cử cho giải nam chính xuất sắc nhất tại LHP Kim Tượng.
Năm 1999, Huệ Mẫn cùng Tạ Đình Phong, Thư Kỳ, Tăng Chí Vỹ đóng "Bán Chi Yên", đóng vai chính trong "Kingdom of the Mob" và "Bàn tay của thượng đế".
Năm 2009, ông cùng với Nhậm Đạt Hoa trong phim Diệt Môn. Năm 2010, tham gia "Đả Lôi Đài". Năm 2014, ông vừa tiếp tục tham gia bộ phim "Gangster pay day".
Trần Huệ Mẫn chia sẻ: "Trước đây tôi đóng phim, ngoài vài công ty điện ảnh lớn, các công ty điện ảnh khác ở Hong Kong đều do xã hội đen mở ra. Rất nhiều diễn viên có liên quan hoặc xuất thân từ xã hội đen, nhưng không dám công khai thân phận, chỉ có tôi là đủ gan để nói ra".
Cả đời không sợ ai, chỉ "sợ" người vợ đã ngồi tù thay mình
Trần Huệ Mẫn kết hôn với vợ ông khi bà mới 17 tuổi. "Nhà cô ấy mở hộp đêm, cô ấy làm thu ngân. 12 giờ mỗi đêm tôi đến thu phí bảo vệ. Nhìn thấy tôi, cô lấy tiền tự động nộp tiền.
Tôi thường xuyên ra vào hộp đêm, loại phụ nữ nào cũng từng gặp qua. Nhưng cô ấy thì lại khác, rất chất phát giản dị, thực sự là vợ đảm mẹ hiền. Chúng tôi kết hôn khi vợ 17 tuổi, tôi 25.
Em gái của cô ấy rất xem thường tôi, bảo tôi là kẻ trăng hoa, lại còn là dân xã hội đen, cả ngày chỉ biết đánh đấm, hôn nhân sẽ chẳng dài lâu.
Nhưng rồi sau đó thì sao, em gái cô ấy cưới chồng hết lần này đến lần khác, còn vợ chồng tôi đã ở bên nhau 41 năm rồi", Trần Huệ Mẫn chia sẻ về cuộc hôn nhân của ông.
Hơn một nửa thế kỷ gia nhập 14k, Trần Huệ Mẫn được xem là anh cả, có danh tiếng và được kính trọng, kể cả trong giới hắc đạo lẫn bạch đạo. Có thể nói, ông "đầu đội trời chân đạp đất", ai ai cũng phải nể sợ.
Thế nhưng, Trần Huệ Mẫn lại nổi tiếng "sợ vợ". Nói "sợ vợ" thì hơi quá, nhưng Trần Huệ Mẫn luôn dành cho vợ một sự nể trọng tuyệt đối, bởi bà đã từng vì ông mà ngồi tù suốt 3 năm trời.
Khi ấy, bang hội của Trần Huệ Mẫn có mối quan hệ thân thiết với bang Sơn Khẩu của Nhật Bản. Những năm 80, bang này khai chiến với một bang xã hội đen khác, nên cần một lượng súng lớn.
"Họ biết bang 14K của chúng tôi có phân hội ở khắp nơi trên thế giới, nên đã nhờ tôi đại diện đến Vience mua súng.
Kết quả và tôi và vài người trong bang 14K bị bắt, tôi bị áp giải về Hong Kong. Khi đó cảnh sát phát hiện ra khoản tiền mua súng và 202 viên đạn từ tài khoản chung của tôi và vợ", Trần Huệ Mẫn kể.
Hai vợ chồng Trần Huệ Mẫn sau đó bị truy tố. Trước tình cảnh này, vợ ông đã chủ động đứng ra nhận hết tội về mình.
"Tôi là đàn ông, lại có rất nhiều tiền án, trong người còn tàng trữ súng, các luật sư đều nói phải ngồi tù ít nhất 7, 8 năm. Nhưng vợ tôi thì khác, bà ấy nếu nhận tội thì chỉ phải ngồi nhiều nhất là 3 năm. Vì thế vợ tôi bảo để bà ấy chịu tội thay, coi như là ngồi đọc sách mà thôi".
Cực chẳng đã, Trần Huệ Mẫn phải để vợ chịu tội thay ông. Nhưng cũng chính vì vậy mà trong lòng ông luôn cảm thấy có lỗi với vợ. Sau biến cố này, Trần Huệ Mẫn cũng thay đổi rất nhiều.
Nếu như trước kia ông là kẻ khá phong lưu chơi bời, thì từ khi vợ ngồi tù ông không còn lui tới các hộp đêm, cũng không tìm đến những người phụ nữ khác.
"Hơn 40 năm đóng phim, mỹ nhân nào mà tôi chẳng gặp qua. Nhưng với tôi, sự hòa thuận của gia đình vẫn là quan trọng nhất. Hiện tại, tất cả những hộp đêm mà tôi mở ra đều do bà xã quản lý. Tôi không sợ bị người ta cười nhạo là sợ vợ", Trần Huệ Mẫn tâm sự.
Trần Huệ Mẫn bảo trước kia chuyện gì ông cũng dám làm, nhưng kể từ khi có vợ con, lá gan của ông đã nhỏ hơn.
Nói về các con, Trần Huệ Mẫn bảo: "Khi các con còn nhỏ, tôi không cho chúng biết mình là người trong giang hồ. Tôi nghĩ chúng cần chăm chỉ học hành, nên đã cho đi du học ở Canada và Mỹ. Sau này khi các con trưởng thành, tôi mới nói cho chúng biết.
Tôi bảo cha là người trong giang hồ, nhưng không phải là kẻ xấu. Băng đảng của tôi có quy tắc rất rõ ràng, hành hiệp trượng nghĩa, không vì tiền mà bán đứng lương tâm".
Trần Huệ Mẫn chia sẻ hiện ông vẫn không thể rời khỏi băng đảng xã hội đen, nhưng không còn quan tâm đến chuyện của bang hội nữa.
Ở tuổi xế chiều, Trần Huệ Mẫn chuyên tâm vào công việc kinh doanh rượu vang và đóng phim. Nhưng ông vẫn không rút khỏi băng đảng xã hội đen.
"Chuyện này không phải là trò đùa, muốn vào là vào, muốn ra là ra. Tôi kết hôn, sinh con, làm kinh doanh, nhưng không thể rời khỏi. Chỉ là giờ tôi không còn quan tâm đến chuyện trong băng đảng, coi như là nghỉ hưu mà thôi".