Đại biểu Quốc hội nói giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố

Hoàng Đan |

Đại biểu Lê Thu Hà cho rằng, nên đề xuất kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như cách kinh doanh điện trong thời gian qua.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán giá điện

Thảo luận tại tổ vào sáng 22/5, đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, "thực tế giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố (?)".

Bà Hà dẫn số liệu tham khảo từ chuyên gia kinh tế cho thấy, người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401 kWh/tháng trở lên) phải chi trả đến 2.927 đồng cho 1 kWh, tăng đến 15% so với bậc 6 của mức giá cũ, chứ không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6.

Đối với bậc 3 (101 - 200 kWh), theo EVN là mức phổ biến, thì mức giá mới 2.014 đồng/kWh, tăng hơn 10% so với giá cũ 1.858 đồng, chứ không phải 8,4% như EVN thông báo.

Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201 - 300 kWh) là 12,7%, và ở bậc 5 (301 - 400 kWh) là 14,2%.

"Như vậy, thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2%, 15%, khác với 8,33 - 8,4% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt", bà Hà nói, và cho rằng "cách giải trình của EVN ẩn đi 1 lần tăng giá, làm cho phần trăm tăng giá thấp hơn".

"Vấn đề đặt ra ở đây chúng tôi cần sự minh bạch của điện lực về mức giá đúng của 1 kWh điện. Nếu có mức giá đúng mới biết mức tăng giá từ mức cơ sở lên mức lũy tiến là như thế nào. 

Tôi cho rằng nên đề xuất kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như cách kinh doanh điện trong thời gian qua. 

Báo cáo Bộ Công thương gửi thấy lý giải rất nhiều lý do, nhưng cá nhân tôi cảm thấy báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri cũng như thông tin đến đại biểu Quốc hội", đại biểu Hà nói.

Cũng theo bà Hà, Bộ Công thương lý giải giá điện 6 bậc thang là căn cứ tham khảo các quốc gia trên thế giới, nhưng lại chỉ tham khảo một nửa.

Ví dụ, tại Mỹ có giá bậc thang nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp điện với giá cạnh tranh. 

Hay Hàn Quốc, khi thời tiết quá nóng Chính phủ quyết định tạm thời giảm giá điện trong tháng 7 và tháng 8 để giúp nhân dân vượt qua giai đoạn này, vì họ coi nắng nóng như thiên tai.

Các gia đình có con nhỏ cũng được giảm giá điện và Hàn Quốc đang cân nhắc thay đổi tính giá điện theo mùa. "Ta copy là phải có bậc thang, nhưng chính sách đi kèm thì ta chưa thể hiện được trong chính sách giá của mình", đại biểu Hà so sánh.

Đồng ý việc phải giữ giá điện bậc thang, nhưng bà Hà đề nghị phải cân nhắc các bậc thang như thế nào cho hợp lý, bởi bậc 1 ở mức dưới 50 kWh đã được áp dụng từ rất lâu, khi các hộ gia đình còn ít thiết bị sử dụng điện. 

Còn đến nay, khi đời sống đã cao hơn, bậc thang cũng cần được điều chỉnh.

Nữ ĐBQH cũng đề nghị, cần có câu trả lời rõ ràng về chính sách bù lỗ giá điện thực chất là thế nào và vấn đề này có liên quan đến tăng giá điện hay không?

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu băn khoăn của cử tri về việc giá điện tăng và đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán giá điện. 

“Kiểm toán thành công thì dù tăng hay giảm người dân cũng cảm thấy minh bạch. Cái quan trọng nhất là lòng tin về sự minh bạch của chúng ta trong điều hành giá cả”, đại biểu Cầu nhấn mạnh.

Bày tỏ quan điểm đồng tính với báo cáo khẳng định việc điều hành giá điện đúng quy định của pháp luật, nhưng ĐB Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) lưu ý, điều hành mà để dư luận bức xúc thì cần xem xét lại và hiện nay, Chính phủ đang giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì thanh tra.

Trong báo cáo của Bộ Công Thương có quan điểm điều hành để hỗ trợ cho người sử dụng ít, khuyến khích tiết kiệm điện.

Đại biểu Quốc hội nói giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố - Ảnh 1.

Ông Mai Sỹ Diến.

"Nhưng quan điểm của ngành điện trong việc sử dụng giá điện từ bậc 3 - 4 - 5 để điều tiết hỗ trợ cho bậc 1-2, tức là ngành điện đã thò túi của người này để bỏ vào túi của người kia mà không được họ đồng tình. 

Vì vậy đã gây bức xúc cho người dân và cử tri trong điều hành giá điện vừa qua", ông Mai Sỹ Diến nêu quan điểm và kiến nghị ngành điện phải xây dựng lại bậc thang bảng giá điện.

ĐBQH đoàn Thanh Hóa cũng kiến nghị: "Quốc hội cần giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề, để có nghị quyết, giao Chính phủ điều hành để đảm bảo công khai minh bạch, trên cơ sở pháp luật và phải được người dân đồng tình".

Chọn tháng 3 tăng giá điện "đỡ được chuyện lạm phát kỳ vọng"

Nói rõ về vấn đề tăng giá điện, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô chính là khẳng định niềm tin của doanh nghiệp, người dân. 

Vì vậy, Chính phủ cũng rất băn khoăn trong điều hành giá điện và giá xăng dầu vì ít nhiều niềm tin cũng bị ảnh hưởng.

Theo Phó Thủ tướng, sản lượng điện bình quân 3 năm qua tăng 10,21%, trong khi GDP tăng 7%. Dự báo 2019, tổng công suất điện phải tăng 11,23% mới đảm bảo yêu cầu. Cho nên, phải có chính sách hợp lý để thu hút nhà đầu tư, đảm bảo cân đối điện.

"Sản lượng điện do EVN tự sản xuất đang giảm dần, chủ yếu là mua từ thị trường", Phó Thủ tướng nói, đồng thời thông tin, nguồn năng lượng tái tạo được đẩy mạnh đầu tư, song mức giá mua tới 9,35 cent/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân, chưa kể chi phí lớn để tích điện.

Đại biểu Quốc hội nói giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Chinhphu.vn.

Ông Huệ nhấn mạnh, nếu không có chính sách giá điện hợp lý rõ ràng thì rất khó để EVN tái tạo đầu tư.

Về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019, theo Phó Thủ tướng, dựa trên các thông số tính toán đầu vào. 

Ông nói, biểu giá điện lũy tiến đã được áp dụng từ năm 2011, đến nay số hộ gia đình trong cả nước tiêu dùng từ 200kWh trở xuống chiếm 71%, do đó duy trì biểu giá này giúp người nghèo có lợi hơn.

Về tình hình hoạt động của EVN, theo Phó Thủ tướng, cũng được kiểm toán độc lập thực hiện hàng năm để bảo đảm công khai, minh bạch.

"Nói giá thành điện gánh lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN là thông tin không chính xác. Hiện EVN đã thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành, chỉ còn lại vốn tương đương 7,5% tại Công ty công ty Tài chính điện lực, đang làm ăn có lãi", ông Huệ cho hay.

Trước những thắc mắc về thời điểm tăng giá điện tại sao lại chọn mùa hè, Phó Thủ tướng nêu rõ, sau 2 tháng Tết, tháng 3, CPI giảm rất mạnh. 

Do đó, Chính phủ chọn tháng 3 để tăng giá điện, như vậy "đỡ được chuyện lạm phát kỳ vọng" và tháng 3 còn chưa đến rét nàng Bân. Nhưng, tháng 4 lại "nắng như đổ lửa".

"Trước đây, đến các bãi biển vào tháng 4, nhiều nơi còn rét chưa tắm được. Năm nay, trước 30/4 còn nắng như đổi lửa, nhưng đầu tháng 5 lại như mùa Đông. Lạ thế, hoa sữa lại nở vào tháng 5. Chính phủ không tài nào dự báo được hoa sữa sẽ nở vào tháng 5".

Theo lãnh đạo Chính phủ lý giải, nếu tháng 3 không tăng, dứt khoát phải tăng giá điện vào tháng 4, tháng 5, tháng 6, như thế còn vào thời gian năng nóng hơn. 

Nếu để sau tháng 6, tháng 7 mới tăng giá điện, mức tăng phải gấp đôi mới trang trải được 20.000 tỉ. Vì vậy, Chính phủ chọn thời điểm ngày 20/3.

Liên quan đến biểu giá điện bậc thang, Phó Thủ tướng cho hay, Chính phủ tiếp thu ý kiến và đã giao nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh cơ cấu. 

"Nhưng không có nước nào không dùng bậc thang cả. Và đều bảo hộ cho người nghèo, người có thu nhập thấp", ông Huệ nói.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại