Đại biểu quốc hội nói về điểm tựa và triển vọng năm 2017

Dũng Nguyễn |

Với một chính phủ liêm chính, hành động và minh bạch, một chính phủ vì người dân và doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội kỳ vọng, đây sẽ là điểm tựa để Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả trong năm 2017.

ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội): Tránh đầu voi đuôi chuột

Trong lĩnh vực y tế, vừa qua Chính phủ đã có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa để nhà nước và nhân dân cùng làm. Đó chính là nền tảng để thay đổi và tôi được biết Chính phủ cũng như Bộ Y tế đang rất quyết liệt trong việc này.

Theo lộ trình, năm 2017 – 2018, tất cả các bệnh viện đều có khả năng tự chủ, qua đó góp phần giảm ngân sách cho trung ương, đồng thời tăng tính tự chủ cho bệnh viện, để họ tự thay đổi chất lượng dịch vụ, chất lượng chuyên môn.

Đại biểu quốc hội nói về điểm tựa và triển vọng năm 2017 - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa đồng ý chủ trương phát triển y tế cơ sở. Tôi cho rằng, đây là chủ trương hết sức đúng và trúng.

Bởi các bệnh viện lớn chỉ là phần nổi, còn chủ yếu vẫn nằm ở cơ sở là y tế tuyến huyện, xã, phường. Chủ trương này sẽ làm cho ngành Y tế thay đổi rõ rệt trong thời gian tới, bởi điều này sẽ đạt được nhiều mục đích.

Phát triển y tế cơ sở có thể tạo ra được sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, không phân biệt giàu nghèo.

Người dân cũng không phải đi xa, qua đó giảm gánh nặng chi phí, vì một ngày điều trị ở tuyến tỉnh bằng 10 ngày ở tuyến huyện.

Điều này cũng giúp giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương hiện nay, tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế... Phát triển y tế tuyến cơ sở là cực kỳ quan trọng, cần đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân.

Hai chủ trương này chắc chắn sẽ làm cho ngành Y tế thay đổi. Vấn đề quan trọng là thực hiện và có sự giám sát, làm sao phải quyết liệt và đi đúng hướng để sự thay đổi diễn ra nhanh và đảm bảo chất lượng.

Bởi nhiều khi chúng ta cứ hô hào nhưng sau đó lại "đầu voi đuôi chuột".

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM): Nhiều điểm tựa để thúc đẩy tăng trưởng

Đại biểu quốc hội nói về điểm tựa và triển vọng năm 2017 - Ảnh 2.

Năm 2017, chắc chắn tăng trưởng sẽ cao hơn năm 2016.

Vì sao? Thứ nhất, khi Chính phủ thực hiện chính sách Chính phủ kiến tạo và minh bạch, đã tạo được lòng tin, và niềm tin đó được thể hiện ở nhiều mặt: Huy động vốn vào các ngân hàng tăng, vốn hóa cho thị trường chứng khoán tăng, rồi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng.

Cùng với đó, các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng tăng, bình quân một ngày tăng thêm 300 doanh nghiệp và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng lên…

Đặc biệt, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng lên tới 33% GDP, là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng năm 2017.

Ngoài ra, quá trình cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính cũng đang có kết quả nhất định, giúp cho lưu thông hàng hóa dễ dàng, hồ sơ chứng từ thuận lợi, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nhiều, từ đó hỗ trợ cho tăng trưởng trong thời gian tới.

Tất nhiên những khó khăn, thách thức vẫn còn đó, điển hình như tình hình kinh tế thế giới vẫn biến động phức tạp, khó lường.

Thứ nữa là biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi kể trên, vừa qua Quốc hội đã thông qua 4 nghị quyết rất quan trọng, giúp điều hành thông suốt, mang tính dài hạn hơn, ví dụ như nghị quyết về cơ cấu lại nền kinh tế, nghị quyết về đầu tư công 5 năm, nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm.

Sự triển vọng ở đây trước hết đó là niềm tin của doanh nghiệp, niềm tin của nhân dân vào sự điều hành quyết liệt của Chính phủ. Phong trào khởi nghiệp bắt đầu quay trở lại, doanh nhân bắt đầu quay trở lại đầu tư kể cả về mặt lượng và vốn đăng ký…

Đó là những dấu hiệu tốt đẹp để chúng ta kỳ vọng vào một bức tranh kinh tế năm 2017 khởi sắc hơn.

ĐBQH Lê Thanh Vân (ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách): Tiến cử nhân tài, loại người yếu kém

Đại biểu quốc hội nói về điểm tựa và triển vọng năm 2017 - Ảnh 3.

Trong năm 2017 có nhiều việc cần phải giải quyết rốt ráo.

Thứ nhất, phải cụ thể hóa các chủ trương mà Đảng đã đề ra trong hai nghị quyết T.Ư 4 khóa trước và khóa này về thí điểm tiến cử nhân tài, tập sự lãnh đạo quản lý và kiên quyết loại bỏ cán bộ không đủ tiêu chuẩn.

Hai chủ trương này rất đúng, rất anh minh nhưng phải thể chế hóa bằng pháp luật.

Tiến cử nhân tài ở đây là ràng buộc trách nhiệm của người tiến cử. Ai tiến cử được nhân tài thì trọng thưởng, ngược lại, ai bổ nhiệm nhầm người phải chịu phạt. Có như vậy mới có thể ngăn chặn được nạn "chạy chức chạy quyền".

Rồi nhốt quyền lực vào lồng quy chế lập pháp như Tổng Bí thư nói thì phải bằng pháp luật, bằng dư luận quần chúng, bằng phương tiện thông tin truyền thông để kiểm soát quyền lực.

Làm sao phải chấm dứt được tình trạng bổ nhiệm nhầm người, phải có chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ, chọn đúng người, đúng vai và giao nhiệm vụ với trách nhiệm cho họ để sàng lọc, kịp thời thay thế.

Bằng quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, phải kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo sử dụng cán bộ.

Nếu như ở cơ quan đơn vị nào mà có việc bổ nhiệm sai người, dùng không đúng, thậm chí trù dập người tài thì phải trừng trị thích đáng.

Cùng với đó, phải sớm ban hành Luật Trọng dụng nhân tài để làm cơ sở pháp lý, tạo nhận thức chung, đồng thời có quy tắc nhất quán cho cả hệ thống cách ứng xử với người tài một cách chuẩn mực hơn.

Tôi biết Chính phủ đang xây dựng dự thảo nghị quyết về quy chế từ chức.

Đây là một điểm sáng, nếu như trong năm tới Chính phủ ban hành được nghị định đó và với những giải pháp hiện thực, không dừng lại ở mệnh đề, khẩu hiệu thì sẽ có chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại