Ngày 14-11, thảo luật tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng đất đai vốn không tự phức tạp, nhưng với những tác động, các mối quan hệ qua lại đã làm cho nó biến dạng, trở nên nhạy cảm, phức tạp.
"Đất đai còn nóng, sốt, mà cứ nghĩ đến đất, giá đất, nhiều người muốn sở hữu nó lạnh hết cả người. Với những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo như luật hiện hành với nhiều luật khác, tôi tán thành cao với việc sửa đổi Luật Đất đai" - đại biểu Dương Khắc Mai nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai phát biểu
Theo ông Dương Khắc Mai, việc sửa đổi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, thể chế hóa nội dung Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, góp phần sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành nguồn lực quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Góp ý cụ thể vào dự thảo luật, đại biểu cho biết tại khoản 5 Điều 68 dự thảo luật về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có nội dung "quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất".
Vị đại biểu đoàn Đắk Nông đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại nội dung này, vì quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ, khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cho nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định. Đồng thời, đối với các địa phương chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về đất đai trên phạm vi toàn huyện thì không thể thực hiện theo quy định nêu trên.
Bên cạnh đó, quy định "Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp: Người sử dụng đất để quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên" đang mâu thuẫn với Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Về cho thuê đất, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm về các trường hợp nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê để phù hợp với từng vùng, miền, địa phương.
"Nếu quy định như dự thảo luật thì nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn khó thu hút được các nhà đầu tư. Bởi nếu nộp tiền thuê đất một lần thì các nhà đầu tư mới có cơ sở thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn phát triển đầu tư trở lại cho dự án của mình"- đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Đào An Xuân (đoàn Phú Yên) đề cập đến quy định hiểu và áp dụng luật khi thảo luận về dự án luật này. Theo bà Xuân, một số quy định hiện nay có thể hiểu và áp dụng theo nhiều nghĩa khác nhau, mỗi địa phương hoặc từng hồ sơ có thể có nhiều cách áp dụng với cùng một điều luật.
Đại biểu Quốc hội Lê Đào An Xuân
Điều này, theo đại biểu Xuân, sẽ dẫn đến tình trạng người sử dụng luật sẽ thực hiện theo cách có lợi cho mình nhất, như vậy sẽ dẫn đến tiêu cực là ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước hoặc áp dụng theo hướng an toàn cho mình nhất, như vậy sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư và người sử dụng đất.
Do đó, nữ đại biểu đoàn Phú Yên đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến các câu từ, nội dung đưa vào luật để tránh việc đa nghĩa, tình trạng đa nghĩa này cũng dẫn đến những sai sót trong quá trình thi hành pháp luật.
"Các đại biểu nhắc nhiều đến việc viên chức, công chức ngành y tế, giáo dục có sự dịch chuyển. Nhưng có một thực tế chưa được nhắc đến là công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường cũng có tỉ lệ dịch chuyển lớn, người xin nghỉ việc, người chủ động chuyển công tác. Kể cả người đã nghỉ, đã chuyển công tác hay còn ở lại đều có chung nỗi băn khoăn là không biết hồ sơ mình đang xử lý có sai sót gì không, hay vài năm nữa mới phát hiện sai sót. Đó là một áp lực pháp lý rất lớn với cán bộ, công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường"- đại biểu Lê Đào An Xuân nêu thực tế.
Từ đó, bà Xuân cho biết ngoài doanh nghiệp, ngoài người sử dụng đất, thì cán bộ, công chức, viên chức ngành tài nguyên rất mong Luật Đất đai được sớm sửa đổi theo hướng nhanh nhất và phù hợp với thực tiễn nhất.
Song song với quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật để ban hành, vị đại biểu kiến nghị Chính phủ khẩn trương ban hành hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành việc sửa đổi ngay các vướng mắc hiện nay để trong 2 năm tới không kiềm chế sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như không mất thêm cán bộ.