Tại phiên họp Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra đề xuất phương án chia kỳ thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt. Trong đó, đợt 1, các địa phương không có nguy cơ cao về dịch bệnh sẽ tổ chức thi.
Các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam thi đợt 2. Thí sinh thuộc diện F1, F2 cũng được tổ chức thi đợt 2.
Theo Bộ trưởng, phương án này “rất khó khăn” nhưng là giải pháp tối ưu để kỳ thi được an toàn, chất lượng, không chỉ tốt nghiệp phổ thông mà còn phân loại cho đại học. Bộ trưởng cũng sẽ chỉ đạo các trường đại học xét tuyển sinh phù hợp với tinh thần tự chủ và đảm bảo lợi ích tối đa cho học sinh.
Trao đổi với Tiền phong, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, đề xuất của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và kết luận của Thủ tướng tại phiên họp Thường trực Chính phủ vừa qua cũng khá phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Theo ông Lượng, nếu lùi thi sẽ rất trở ngại, vì dịch bệnh hiện cũng chỉ diễn ra tại một số địa phương, nếu dừng thi cũng không hợp lý. Riêng với Quảng Nam, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành vừa phát hiện người nhiễm COVID-19 thì cần phải thận trọng.
Còn bỏ thi càng không được, vì kỳ thi này thực hiện ba chức năng: xét tốt nghiệp, đánh giá việc giảng dạy để đổi mới và điều quan trọng nhất là căn cứ để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển đầu vào.
“Cái khó ở chỗ, hiện nay các trường không thể tự tổ chức tuyển sinh được, chủ yếu dựa vào học bạ và thi tốt nghiệp. Nếu chỉ dựa vào học bạ thì khó mà tin tưởng được.
Bởi điểm học bạ so với điểm thi hầu như đều có khoảng cách nhất định. Có những trường hợp học bạ rất đẹp, điểm rất cao nhưng khi thi điểm lại rất thấp.
Ví dụ trong đợt thi tuyển sinh vào lớp 6 vừa qua, có trường hợp học bạ toàn điểm 10, nhưng kết quả thi có em chỉ được 1 – 2 điểm. Như vậy không thể tin tưởng hoàn toàn vào học bạ mà phải thi tốt nghiệp”, ông Lượng cho hay.
Theo ông Lượng, kỳ thi này phải đạt được “mục tiêu kép”: Đảm bảo trung thực, chính xác, khách quan, công bằng nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Do vậy, ngoài thanh tra thực hiện quy chế thi, phải thanh tra cả việc thực hiện quy chế phòng dịch. Hai nhiệm vụ này phải đặt ngang hàng với nhau. “Muốn đạt “mục tiêu kép” thì phải tiến hành “thanh tra kép” trong kỳ thi này”, ông đề nghị.
Xem xét phương án "miễn thi"
Về phương án xét tốt nghiệp, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa cho rằng, hiện có khoảng 200 nghìn thí sinh tham gia thi chỉ để lấy chứng chỉ, không phục vụ cho xét tuyển đại học, cao đẳng. Theo ông, những trường hợp đó có thể xét tốt nghiệp, không cần phải thi.
Tại cuộc họp Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, Luật Giáo dục đại học không bắt buộc phải thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Việc thi do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định và hằng năm có thông tư hướng dẫn.
Luật cũng không quy định đặc cách tốt nghiệp nên vấn đề đặc cách là không thể được, nhưng Bộ trưởng có thể quyết định nội dung và phương thức thi.
Cũng theo ông Bình, tình hình dịch rất phức tạp và chưa hình dung được sẽ diễn biến ra sao, nên cần tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội. Ông đề nghị các địa phương nếu đã cam đoan thi an toàn, cần tập trung cho kỳ thi không kém phòng ngừa COVID-19.