Chiều 6/12, thảo luận tổ trong Kỳ họp thứ 13, HĐND TPHCM khoá X, các đại biểu nêu nhiều ý kiến về vấn đề giao thông, trong đó đề cập đến việc xử phạt nồng độ cồn và các tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
Đại biểu Lê Minh Đức (quận 4) cho rằng, việc CSGT TPHCM ra quân kiểm soát nồng độ cồn được đa số người dân đồng tình vì góp phần kéo giảm số vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, một số người dân bày tỏ lo lắng trước phương pháp giám sát nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm của lực lượng chức năng.
“Việc kiểm soát như vậy có mang đến lợi ích xã hội như mong muốn hay xáo trộn hoạt động của người dân?”, ông Đức đặt vấn đề, đồng thời đưa ra tình huống một người dân buổi tối đi tiệc và có uống bia, rượu, sáng đến người này đã tỉnh táo, đủ năng lực di chuyển nhưng trong hơi thở có nồng độ cồn, có khả năng bị xử phạt. Từ đó, ông đề xuất cơ quan chức năng phải tuyên truyền, hướng dẫn người dân về việc kiểm tra nồng độ cồn khi lưu thông.
Ngoài ra, ông Đức cũng cho rằng còn có sự bất cập ở những dự án mở rộng các tuyến đường. Theo đó, lực lượng chức năng điều tiết giao thông thường làm nhiệm vụ vào giờ cao điểm, nhưng giờ thấp điểm thì sẽ ít khi thực hiện nhiệm vụ. Trong khi đó, một số người dân ý thức kém sẽ vi phạm luật giao thông trong lúc ít phương tiện đi lại và vô tình gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người lưu thông khác.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Nhung (TP. Thủ Đức), dẫn chứng trường hợp cụ thể về tuyến đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ vòng xoay Phú Hữu đến cầu Ông Nhiêu).
“Chưa đầy 2 km nhưng đây là tuyến đường nguy hiểm với lượng xe container đông, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông rất đau lòng. Hiện, đường rộng 7m nhưng container chen lấn đi là hết rồi”, đại biểu Nhung phản ánh và đặt câu hỏi về tiến độ đầu tư, mở rộng đoạn đường này đến đâu.
Ông Bùi Hoà An – Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, trả lời đại biểu tại kỳ họp. Ảnh: Nhàn Lê
Trả lời về vấn đề trên, ông Bùi Hoà An - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết dự án mở rộng tuyến đường Nguyễn Duy Trinh do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư. Dự án này được Sở Giao thông vận tải phê duyệt từ năm 2019 nhưng đã tạm ngưng.
"Chúng tôi cùng chính quyền TP. Thủ Đức tăng cường hệ thống biển báo, sơn, tăng cường tuần tra hàng ngày, cấm xe tải lớn lưu thông một số thời điểm để giảm thiểu tai nạn giao thông", ông An nói.
Theo báo cáo từ Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TPHCM), từ năm 2019 đến 2022, trên đường Nguyễn Duy Trinh (chỉ tính riêng đoạn từ vòng xoay Phú Hữu đến tuyến Nguyễn Thị Tư) đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông làm 16 người chết và 1 người bị thương. Từ đầu năm 2023 đến nay, đoạn đường trên cũng xảy ra ít nhất 5 vụ làm 5 người chết.