Theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyền Hựu có tổ tiên người Triều Tiên sống ở đông bắc Trung Quốc. Ông được Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ định làm Đặc sứ Trung Quốc phụ trách vụ Triều Tiên từ tháng 8.2017.
Ông Khổng Huyền Hựu nói dù vậy, ông chưa hề thăm Triều Tiên, nhưng ông khẳng định Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi nỗ lực giúp bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân và đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực: “Nỗ lực ngoại giao của chúng tôi cũng không dừng bất kỳ lúc nào”.
Vị Thứ trưởng cho biết Trung Quốc hoan nghênh tình hình bán đảo Triều Tiên được cải thiện, các cuộc đối thoại liên Triều đã đạt thỏa thuận cử đoàn thể thao triều Tiên tranh tài Olympic mùa đông 2018 ở Hàn Quốc.
Đặc sứ Trung Quốc Vũ Đại Vĩ là tiền nhiệm của ông Khổng Huyền Hựu. Đầu năm 2016, ông Vũ Đại Vĩ đã thăm Triều Tiên, kêu gọi nước này kiềm chế, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố kế hoạch dùng tên lửa tầm xa phóng một vệ tinh vào quỹ đạo trái đất.
Quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc thăm Triều Tiên hồi giữa tháng 11.2017 là ông Tống Đào, Trưởng ban đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã, ông Tống Đào đã gặp ông Choe Ryong-hae, ủy viên Đoàn chủ tịch Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên, hôm 17.11. Tại cuộc gặp này, ông Tống Đào đã thông báo “chi tiết” về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) diễn ra hồi tháng 10.2017.
Ông Tống Đào còn nhấn mạnh lập trường của Trung Quốc là phát triển đều đặn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai đảng và hai quốc gia, theo hãng thông tấn KCNA ngày 18.11.
Không như ông nội Kim Il-sung (nhà lập quốc Triều Tiên) và cha ruột Kim Jong-il (cố Chủ tịch), ông Kim Jong-un từ khi nắm quyền lực hồi năm 2011 chưa hề đến Bắc Kinh “triều kiến”.
Theo AP, Trung Quốc từ lâu là đối tác kinh tế chủ lực của Triều Tiên, đồng thời là đồng minh chính trị duy nhất. Nhưng các quan chức Bắc Kinh ngày càng thất vọng với việc lãnh đạo Kim Jong-un không ngưng những hành động khiêu khích.
Trung Quốc đã ủng hộ mạnh những nghị quyết trừng phạt Triều Tiên ngày càng mạnh của Hội đồng bảo an LHQ (UNSC) nên Bình Nhưỡng cũng tức, theo AP.
Gần đây, Trung Quốc cấm nhập than Triều Tiên cùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của nước này, khiến Bình Nhưỡng cạn tiền mặt, dù chưa thể rõ tác động thế nào đến sự ổn định chế độ Kim Jong-un.
Cùng ngày 26.1, một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói: Tokyo nhận thấy Trung Quốc rất nghiêm túc thực hiện các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của UNSC.
Người này còn nói Ngoại trưởng Nhật Taro Kono sẽ khuyến khích Bắc Kinh tăng sức ép với Triều Tiên, khi ông Kono sẽ có cuộc gặp với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị ở Bắc Kinh vào cuối tuần.
Vị quan chức giấu tên còn gợi ý Trung Quốc có thể cắt nguồn cung dầu thô và các hàng hóa khác, ở vị thế là đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng.
Bà Sigal Mandelker, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ phụ trách mảng tình báo tài chính và chống khủng bố, đã đến vùng Đông Á nhằm khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ tuân thủ lệnh trừng phạt Triều Tiên. Bà nhấn mạnh các cuộc làm việc với phía Trung Quốc có kết quả, đồng thời kêu gọi Trung Quốc ép Bình Nhưỡng tối đa, gồm trục xuất bất kỳ người nào tạo điều kiện dễ dàng cho buôn lậu, giao dịch tài chính “chui” với Triều Tiên, và chống buôn lậu.
Vấn đề là Trung Quốc muốn tránh nguy cơ chế độ Kim Jong-un bị sụp đổ, vì điều đó sẽ dẫn đến xuất hiện dòng thác dân tị nạn và khủng hoảng an ninh, nếu như Bắc Kinh mất “vùng đệm” Triều Tiên ngăn Trung Quốc với Hàn Quốc có Mỹ “chống lưng”.
Trung Quốc đã cho rằng lệnh trừng phạt không phải là cách tốt để giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, liên tục kêu gọi Triều Tiên trở lại đàm phán 6 bên gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Nga và Trung Quốc.