Những con báo có quá trình tồn tại và phát triển khá lâu đời. Chúng tấn công gia súc của con người và thực sự trở thành "nỗi ám ảnh" ở những khu đô thị đông đúc dân cư như Mumbai, Ấn Độ.
Loạt bài "Báo đô thị" thông qua hành trình khám phá trải nghiệm của phóng viên National Geographic Richard Conniff tại một số khu vực thuộc Nam Phi, Ấn Độ, sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về các con báo "đáng sợ" và cuộc sống của những con người sống chung với dã thú.
Bài 1: Báo đô thị: Những con thú "ẩn dật" gần con người
Đêm đến, có một "thế giới ngầm" trong đô thị
Chúng tôi đang ngồi trong bóng tối, chờ đợi những con báo trên một đường mòn nằm bên rìa Công viên Quốc gia Sanjay Gandhi ở Ấn Độ, một không gian xanh rộng tới 103 km2, ngay giữa đô thị lớn sắc màu rực rỡ - Mumbai. Một dãy nhà cao tầng ở ngay đối diện, nằm sát công viên.
Lúc đó là 10h đêm, và qua những ô cửa sổ vọng ra âm thanh của những chiếc chén đĩa đang được rửa, tiếng thúc giục lũ trẻ đi ngủ. Xa xa, nổi lên tiếng nhạc từ một ngôi đền, tiếng các bạn trẻ cười đùa và tiếng xe máy.
Một con báo cái trong khu bảo tồn Sabi Sand ở Nam Phi đã tha con mồi lên cây để đảm bảo an toàn.
Âm thanh của 21 triệu con người giống như tiếng của một cỗ máy khổng lồ. Ở đâu đó trong bụi rậm xung quanh chúng tôi, những con báo cũng đang quan sát, lắng nghe, và chờ đợi những tiếng ồn đó lắng xuống.
Có khoảng 35 con báo sống trong và xung quanh công viên này. Chúng sống trong một đô thị đông đúc nhất thế giới với mật độ khoảng 21.000 người/km2 (gấp đôi mật độ dân số của thành phố New York), và vẫn đang phát triển mạnh.
Một phần trong thực đơn của chúng là hươu nai và những con mồi hoang dã khác trong công viên. Tuy nhiên, nhiều con trong số chúng cũng tự do kiếm ăn trong đô thị.
Trong khi cả thành phố đang say ngủ, chúng lướt qua các con phố, và ngõ hẻm, nơi chúng bắt những con chó, mèo, lợn, chuột, gà và dê. Chúng cũng ăn thịt người, mặc dù rất hiếm.
Tuy nhiên, những con báo lại đang trở thành những "cái bóng" của con người và ngày càng trở nên gần gũi.
Báo sợ người, và chúng có lý do chính đáng. Một mặt con người trân trọng, cứu hộ, và thậm chí tôn kính những con báo, nhưng mặt khác lại đối xử tàn bạo với chúng trong một số trường hợp như bắn, bẫy, đầu độc, treo cổ chúng...
Loài báo đôi khi cũng tấn công con người. Trong ảnh là cảnh tượng những cán bộ kiểm lâm đang vật lộn với một con báo trong một vụ tấn công ở Tây Bengal, Ấn Độ vào tháng 7/2012. Con báo này đã tấn công 6 người trước khi bị khuất phục.
Minh chứng cụ thể được các nhà bảo tồn cho biết báo là loài bị bức hại nhiều nhất trong họ nhà Mèo.
Hai quần thể báo lớn là tiểu vùng Sahara Châu Phi và tiểu lục địa Ấn Độ, nằm trong số những khu vực đông dân nhất thế giới.
Sự bùng nổ đô thị hóa của con người đã lấy đi 66% lãnh thổ của loài báo ở Châu Phi và 85% ở Âu Á. Phần lớn sự mất mát này mới xảy ra trong 5 thập kỷ gần đây.
Thực tế, chúng không còn sự lựa chọn nào khác. Ở nhiều khu vực, cách duy nhất để báo tồn tại là học cách chung sống với con người.
Loài dã thú giỏi thích nghi nhưng rất khó chung sống?
Không giống như hầu hết loài Mèo lớn, báo rất giỏi thích nghi. Chúng có thể săn bất cứ con mồi nào, từ bọ cánh cứng, nhím cho đến những con nai ở Châu Phi. Chúng có thể làm hang ở nhiệt độ 43 độ C ở Sa mạc Kalahari cho đến -25 độ C ở Nga.
Thậm chí, báo có thể phát triển mạnh ở các đầm lầy bên bờ biển Ấn Độ cho đến độ cao hơn 5.000 m ở dãy Himalaya. Khả năng thích ứng này kết hợp với kỹ thuật lẩn trốn giúp chúng hoàn toàn có thể chung sống với con người ở một đô thị đông đúc như Mumbai.
Câu hỏi là: Liệu con người có thể học cách chung sống với chúng?
Con người và loài báo đã có một mối quan hệ lâu dài và phức tạp, và nó khởi nguồn từ Châu Phi. Báo là một loài tương đối mới. Thực tế chúng mới xuất hiện trong hình dáng hiện đại cách đây khoảng 500.000 năm.
Giống như con người, chúng phân bố rộng khắp Trái Đất, từ cực nam Châu Phi đến vùng Viễn Đông của Nga, từ phía tây Senegal cho đến Đông nam Indonesia.
Những con báo có thể đã "bám theo" con người từ sớm, tận dụng khả năng của chúng ta để chống lại các loài động vật săn mồi to lớn như sư tử, và sau đó tranh thủ bắt gia súc của con người. Có thể con người cũng dùng chính cách này để hớt tay trên những con mồi mà chúng săn được.
Một ngày ở Limpopo (Nam Phi), tôi đã đi thăm một trang trại gia súc và gặp gỡ một người đàn ông khoảng 60 tuổi, to lớn và thân thiện, ăn mặc theo phong cách Boy Scout với một chiếc áo sơ mi ngắn, quần soóc và đôi tất màu xanh lá cây.
Trên bàn làm việc của ông có để một quyển Kinh Thánh và hộp sọ của một con báo. Hộp sọ có một lỗ đạn nhỏ trên đó.
Ông lão cho biết: "Chúng tôi rất thích loài vật này. Chúng là một con thú tuyệt đẹp! Nhưng rất khó để chung sống. Chúng tôi có rất nhiều con mồi tự nhiên cho chúng: khỉ đầu chó, lợn rừng, và các con mồi tự nhiên khác". Tuy nhiên, chúng vẫn tiếp tục bắt những con bê.
Ông mở một cuốn sổ, trong đó có ghi rõ ngày sinh và ngày mất của những con gia súc. Một buổi sáng, những người làm của ông nhận thấy một con bê đã biến mất.
Xuất phát từ nhu cầu cần có những bộ da báo để mặc trong các nghi lễ của người Zulu ở Durban (Nam Phi) đã dẫn đến nạn săn bắn báo trái phép.
Lát sau, họ dẫn ông tới thẳng chỗ con bê “chỉ còn một nửa, nửa còn lại đã bị ăn mất hoặc vẫn còn ở trên một cái cây nào đó”. Ông lão ước tính tổn thất cho mỗi con bê là hơn 2.000 USD.
"Chúng tôi có nhiều thợ săn kinh nghiệm, và họ có thể chỉ rõ con báo là một con cái trẻ tuổi hay là một con đực đã già. Thông thường, con báo sẽ quay trở lại trong vòng 2 ngày".
Việc sử dụng thợ săn cộng thêm bằng chứng là hộp sọ ở trên bàn đã chỉ ra rằng ai đó đã phục kích với một khẩu súng trường và giết chết kẻ tấn công.
Tuy nhiên, người chăn nuôi chỉ nói: "Bạn sống chung với báo, và giữ yên lặng về chúng bởi vì nếu bạn làm bất cứ điều gì tổn hại đến chúng, bạn sẽ bị bắt hoặc phạt tù". (Luật Nam Phi cho phép cả ở tù lẫn nộp phạt nếu săn bắn báo, tuy nhiên các trường hợp gần như luôn được khoan hồng).
Mặc dù vậy, ông cho biết: "Nhiều người đã giết hàng trăm con báo mỗi năm. Chúng bị bắn, bị rơi xuống hố, rồi sau đó dội xăng lên và châm lửa, thế là xong".
Một vài bộ da báo sẽ được đem bán để phục vụ cho một nghi thức tôn giáo thờ phụng Chúa.
*Còn tiếp…
Nguồn: NationalGeographic/Ảnh: Steve Winter