Dao sắc không gọt được chuôi
Phút 19 trận đấu tối qua trên sân Thống Nhất, U22 Hàn Quốc được hưởng quả phạt từ giữa sân, bóng được treo hú họa vào vòng cấm, các trung vệ Việt Nam lùi về, thủ thành Bùi Tiến Dũng băng lên đón bóng và... hụt, Lee Sang-heon nhẹ nhàng đệm bóng tung lưới U22 Việt Nam trong sự ngỡ ngàng đến bàng hoàng.
Phút 41, trong khi trung vệ Bùi Tiến Dũng đang được chăm sóc vết thương ngoài sân, từ một pha triển khai bóng tưởng chừng đơn giản bên cánh phải, bóng được chuyển vào giữa để 4 cầu thủ tấn công Hàn Quốc đập nhả một chạm xé toang hàng phòng ngự 3 người của Việt Nam, tạo điều kiện cho Hwang In-beom đối mặt hạ gục thủ thành Việt Nam nâng tỷ số lên 2-1.
Nói một cách công bằng, ngoài hai tình huống để thua, cùng một vài tình huống để tiền đạo đối phương xâm nhập sâu vào vòng cấm, hàng thủ U22 Việt Nam đã thi đấu tương đối tốt, thậm chí còn làm lu mờ được niềm hi vọng lớn nhất trên hàng công của đối thủ là tiền đạo số 10 Cho Young-wook. Đấy mới là điểm mấu chốt để đưa U22 Việt Nam vào VCK, dù thua.
Bàn thắng siêu phẩm của Công Phượng bị "đổ sông đổ bể" bởi lỗi lầm của hàng phòng ngự. Ảnh: Lê Thương.
Tuy nhiên, hai pha bóng "giật mình" ấy đã "đổ sông đổ bể" hết công sức của cả đội trong toàn trận, cũng như nỗ lực cá nhân với bàn thắng siêu phẩm của Công Phượng. Đấy là những bàn thua không đáng có và khá hụt hẫng, tuy nhiên dưới thời HLV Hữu Thắng, chẳng khó để nhận ra nó là... chuyện bình thường.
Dưới bàn tay của "trung vệ thép" một thời của tuyển Việt Nam, chẳng hiểu sao ở những giải đấu lớn, thậm chí không cần gặp phải những đối thủ ngang tầm hay quá mạnh, hàng thủ của ĐTQG Việt Nam hay U22 Việt Nam luôn mắc những sai lầm hết sức sơ đẳng, đến mức nó trở thành dấu ấn lớn nhất của đội tuyển dưới thời Hữu Thắng.
Chẳng ai lý giải nổi pha "xuất tướng" ngớ ngẩn của thủ thành Bùi Tiến Dũng, cũng chẳng ai lý giải nổi tình huống khi trung vệ Bùi Tiến Dũng phải rời sân, tại sao các cầu thủ còn lại không đá thấp xuống để bọc lót, trám vị trí. Nó tương tự như sai lầm của Đình Luật, Quế Ngọc Hải hay thủ thành Nguyên Mạnh góp phần xé toang giấc mơ AFF Cup hồi năm ngoái.
Những sai lầm ấy phải trả giá bằng bàn thua, nhưng quan trọng hơn, nó gây tác động tiêu cực đến tâm lý của toàn đội, khiến các cầu thủ khác luôn phải nơm nớp trước lỗi lầm của các đồng đội nơi hàng thủ.
Dưới thời HLV Hữu Thắng, hàng thủ luôn là nỗi lo thường trực. Ảnh: Tiên Lâm.
Bắt bài Hữu Thắng không khó?
Dưới thời HLV Hữu Thắng, không khó để nhận ra rằng cả ĐTQG Việt Nam lẫn U22 Việt Nam đều rất mạnh và luôn thắng dễ khi gặp những đối thủ yếu, hay những trận đấu... vô thưởng vô phạt. Ở AFF Cup 2016, tuyển Việt Nam vượt qua vòng bảng với 3 trận toàn thắng, còn ở vòng loại U23 châu Á lần này, U22 Việt Nam "bỏ túi" gọn gàng hai đối thủ Macau và Timor Leste.
Những chiến thắng ấy đến từ lối chơi phát huy được thế mạnh của những cầu thủ sở hữu nền tảng kỹ thuật tốt và chơi gắn kết. Với những đối thủ yếu hơn, các học trò của HLV Hữu Thắng đều chơi trên chân và chủ động đàn áp đối phương ngay từ khi bóng vừa lăn. Nhưng với những đối thủ ngang tầm hay mạnh hơn, câu chuyên lại được lái sang chiều hướng khác hẳn.
Lối chơi tấn công đẹp mắt, ban bật theo trường phái tiqui-taka dựa vào kỹ thuật và sự ăn ý đòi hỏi sự vượt trội về mặt con người, và thậm chí là đẳng cấp. Nhưng khi không có được điều đó, nó là con dao hai lưỡi sẵn sàng cứa đứt tay những kẻ "nghịch dại".
Đấy là lý do Pep Guardiola - fan cuồng của tiqui-taka cực kỳ thành công với một Barca tròn trịa, gắn kết, với Bayern Munich ở Bundesliga, nhưng lại thất bại với chính Bayern ở Champions League, hay mới nhất là Man City.
Lại phải đặt niềm tin vào những pha bóng xuất thần của Công Phượng?
Sự "một màu" được thể hiện rõ nét nhất trong trận đấu hôm qua trên sân Thống Nhất. Ngoài bàn thắng đến từ nỗ lực cá nhân của Công Phượng, những pha kết thúc của U22 Việt Nam đều đến từ rìa vòng cấm đối phương, trong tình thế gấp gáp và tư thế kết thúc không thuận lợi.
Trên mặt sân trơn, các cầu thủ trẻ Việt Nam vẫn cố gắng phô diễn kỹ thuật, ban đập nhỏ, đến khi quẫn bách quá thậm chí còn dùng cả bài treo bóng từ xa vào đánh đầu.
Ở phía ngược lại, trái với nhận định ban đầu, U22 Hàn Quốc gần như bỏ toàn bộ những đường lên bóng từ hai biên - thế mạnh họ đã thể hiện ở hai trận đấu trước để tập trung vào những tình huống cố định, cũng như phối hợp trung lộ ở khoảng cách trung bình, giữ bóng chặt để đối phó với thời tiết và đã thành công.
Sau trận đấu hôm qua, U22 Việt Nam nhận được sự khen ngợi hết lời từ bầu Đức - với 1 tỷ đồng tiền thưởng nóng. Trong thành phần U22 Việt Nam hiện tại, thành phần chủ yếu và trụ cột đang thuộc về các cầu thủ HAGL. Đấy là sự đảm bảo chắc chắn cho việc HLV Hữu Thắng sẽ tiếp tục áp dụng lối chơi đã chọn cho chiến dịch SEA Games sắp tới.
U15 Việt Nam vừa vô địch giải U16 Đông Nam Á, U19 năm ngoái của HLV Hoàng Anh Tuấn thậm chí còn thành công hơn nhiều với sự góp mặt ở U20 World Cup vừa qua, và cả HLV Vũ Hồng Việt lẫn Hoàng Anh Tuấn đều không chọn lối chơi "kiểu HAGL".
Những người theo dõi sát sao bước chân của lứa U19 năm ngoái trong tay HLV Hoàng Anh Tuấn hẳn còn nhớ các cầu thủ trẻ Việt Nam chơi "buồn ngủ" đến thế nào trên sân Hàng Đẫy, để rồi vào VCK châu Á lần lượt vượt qua CHDCND Triều Tiên, cầm hòa UAE và Iraq, thắng tiếp Bahraih để đoạt vé đến Hàn Quốc dự World Cup.
Trên tất cả, thành công ấy đến từ sự chuẩn bị kỹ càng để đối mặt với những đối thủ vượt trội, chứ không chỉ còn chăm chăm "bắt nạt" các đội bóng yếu trong khu vực.
Các đội tuyển trong tay Hữu Thắng đều đá đẹp, thậm chí U22 Việt Nam hiện tại vừa đá đẹp, vừa rất mạnh với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh - những cầu thủ đều từng hoặc đang "xuất ngoại", những Quang Hải, Văn Thanh, Văn Toàn - những cầu thủ đang ngấp nghé thi đấu nước ngoài, nhưng với lối đá mà Hữu Thắng chọn, làm sao để vượt qua Thái Lan hay Malaysia?
Chờ những pha tỏa sáng xuất thần của Công Phượng như tối qua à?