Đà tăng bí ẩn 350% của cổ phiếu IDC sau 1 năm Bộ Xây dựng bán vốn

Bạch Huệ |

IDC đóng cửa phiên 9/11 với giá 94.500 đồng/cổ phiếu, cao gấp 3,5 lần so với mức giá thoái vốn của Bộ Xây dựng 26.900 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 11 năm 2020.

Những cổ đông IDC đang có những ngày ngọt ngào nhất khi mỗi sáng thức dậy, cổ phiếu lại lập một đỉnh mới. Đà tăng nóng "bỏng tay" của IDC cũng là trở ngại đối với mua mới cổ phiếu này với các nhà đầu tư mới.

Đà tăng "sốc" của cổ phiếu IDC

Chốt phiên giao dịch ngày 9/11, cổ phiếu IDC của Tổng công ty Idico tiếp tục tăng 2,6% lên mức kỷ lục 94.500 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất từ trước đến nay kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Vốn hoá của IDC đã vượt 28.000 tỷ đồng.

IDC có đà tăng "nóng bỏng tay" kể từ đầu tháng 11 khi tăng từ mức 71.950 đồng/cổ phiếu lên mức 94.500 đồng/cổ phiếu phiên hôm nay, tương ứng mức tăng 31,3% chỉ sau 7 phiên giao dịch. Còn nếu tính đà tăng từ đầu tháng 10 đến nay, IDC đã tăng gần gấp đôi.

Đà tăng bí ẩn 350% của cổ phiếu IDC sau 1 năm Bộ Xây dựng bán vốn - Ảnh 1.

Đà tăng giá mạnh mẽ của IDC kể từ sau khi Bộ Xây dựng thoái vốn giá 26.900 đồng/cổ phiếu.

IDC có chuỗi tăng giá không ngừng nghỉ từ khi Bộ Xây dựng thoái vốn. Cuối tháng 11/2020, Bộ Xây dựng đưa 108 triệu cổ phần Idico ra bán đấu giá với giá khởi điểm 26.930 đồng/cổ phiếu.

Kết quả, có 9 nhà đầu tư trúng giá toàn bộ 108 triệu cổ phần Idico được đấu giá thành công với giá đấu thành công bình quân 26.936 đồng/cổ phần – xấp xỉ bằng giá khởi điểm. Tổng giá trị tiền thu về hơn 2.909 tỷ đồng.

Như vậy so với thời điểm cuối tháng 11/2020, IDC đã tăng giá gấp 3,5 lần so với giá Bộ Xây dựng thoái vốn. So với giá trên sàn cùng thời điểm đó là 29.500 đồng/cổ phiếu, IDC cũng đã tăng giá gấp 3,2 lần.

Ai đã thâu tóm được IDC?

Sau khi Bộ Xây dựng thoái vốn, loạt các cổ đông lớn của IDC cũng lần lượt bán vốn.

Cổ đông lớn của Idico là Tập đoàn Bitexco cũng thoái toàn bộ cổ phần tại tổng công ty khi bán ra toàn bộ 67,5 triệu cổ phần IDC, tương ứng 22,5% vốn vào tháng 6 vừa qua. Giá bình quân của Bitexco bán khoảng 32.500 đồng/cổ phiếu. Đây là giao dịch thoả thuận.

Ngay sau khi Bitexco rút vốn, ông Vũ Quang Bảo đại diện phần vốn của tập đoàn tại Idico cũng xin rút khỏi Hội đồng quản trị của Idico từ 1/7/2021. Ông Vũ Quang Bảo là người đại diện quản lý phần vốn góp của Bitexco tại IDICO kể từ ngày 1/3/2018 và đảm nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị của IDICO trong nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Sau đó, ông Đặng Chính Trung, sinh năm 1959 (Tp. HCM) đã được bầu làm Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Idico. Ông Trung là đại diện vốn cho Tập đoàn SGG - cổ đông lớn nhất của IDC. Con trai ông là Đặng Việt Dũng cũng đang nắm hơn 7,6 triệu cổ phiếu tại IDC, giá trị thị trường vượt 718 tỷ đồng.

Công ty TNHH Covestcons - một cổ đông lớn sở hữu 24,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 8,13% vốn điều lệ cũng bán ra hơn 22 triệu cổ để hạ tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 0,62% vốn.

Lần lượt các cổ đông lớn bán vốn nhưng giới đầu tư vẫn thắc mắc khi chưa thấy sự xuất hiện của một tổ chức lớn nào thông báo gom các lô cổ phiếu này. Ngay cả 9 nhà đầu tư mua 108 triệu cổ phần của Bộ Xây dựng đến nay cũng chưa xuất hiện.

Mới đây nhất, Công ty Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Việt đã liên tục mua cổ vào cổ phiếu IDC. Điều này cũng lý giải phần nào về đà tăng giá nóng của cổ phiếu IDC trong thời gian gần đây.

Cụ thể, Bách Việt đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phần giao dịch từ ngày 19/10-12/11. Nếu giao dịch thành công, Bách Việt sẽ nâng sở hữu lên 36 triệu cổ phần, chiếm 12% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Trước đó, Bách Việt cũng đăng ký mua vào 19,5 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 4,82% lên 11,32% vốn điều lệ, giao dịch thực hiện từ 9/9 đến 9/10/2021.

Bách Việt tung tiền mua cổ phiếu IDC rất mạnh kể từ tháng 7 năm nay. Trong tháng 7 công ty đã đăng ký mua vào 15,9 triệu cổ phiếu.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Việt được biết là tổ chức liên quan tới CEO Đặng Chính Trung. Ông Trung hiện là thành viên của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Việt. Về hoạt động kinh doanh, Bách Việt khá kín tiếng.

Đà mua vào nâng giá IDC gần đây của Bách Việt được giới đầu tư đánh giá là một động thái lạ. Bởi, Bách Việt mua vào với số lượng lớn, là cổ đông lớn khác hẳn với việc đầu tư cổ phiếu tài chính thông thường.

Vậy tại sao khi Bitexco thoái vốn với vùng giá chỉ 32.500 đồng hay Bộ Xây dựng thoái vốn đấu giá trực tiếp giá chỉ 26.900 đồng/cổ phiếu mà Bách Việt lại không tham gia ngay. Việc mua vào thời điểm này của Bách Việt là động thái khó lý giải, đặc biệt trong bối cảnh những nhà đầu tư đã trúng đấu giá lô thoái vốn của Bitexco và Bộ Xây dựng mới đây cũng chưa xuất hiện.

Cuộc chiến ở IDC cũng có sự tham gia thêm của một thế lực mạnh trên thị trường tài chính đó là nhóm Tổng công ty Gelex khi thông qua Tổng công ty Viglacera đã nhận chuyển nhượng 30% vốn tại IDC để nâng sở hữu lên 51% tại Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (PFG).

Được biết, ngày 9/3/2017, Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ chính thức được thành lập với sự hợp sức của 3 tập đoàn lớn là VGC, Công ty Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Khải Thịnh và IDC.

Đây là nhà máy kính nổi siêu trắng đầu tiên tại Việt Nam được đầu tư với quy mô lớn, khoản vốn điều lệ 886 tỷ đồng cùng hệ thống dây chuyền sản xuất công nghệ cao được chuyển giao từ Tập đoàn Khải Thịnh. Theo dự án, giai đoạn 1 của nhà máy có công suất lên tới 600 tấn/ngày và giai đoạn 2 tiếp tục tăng cấp hơn nữa với công suất 900 tấn/ngày.

Nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ tọa lạc tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng, phường Tân Phước, Thị xã Phú Mỹ, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chính thức đi vào sản xuất và sẽ bắt đầu điền tên lên bản đồ thị trường kính Việt Nam trong giai đoạn cuối năm 2020.

Mới đây IDC đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 với doanh thu thuần đạt 901 tỷ đồng, giảm 27,3% nhưng lợi nhuận sau thuế vượt 198 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 doanh thu thuần đạt 3.210 tỷ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 540 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 307 tỷ đồng.

Đóng góp lớn cho lợi nhuận của công ty đến từ khoản thu chuyển nhượng cổ phần 344 tỷ đồng. Đây là khoản chuyển nhượng 26 triệu cổ phần Thủy điện Đắk Mi giữa Idico và Tập đoàn Bitexco với giá bán 20.000 đồng/cổ phiếu và khoản chuyển nhượng cổ phần tại Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ với Tổng công ty Viglacera (giá vốn mua vào 265,8 tỷ đồng và bán ra 350 tỷ đồng).

Năm 2021, IDICO đặt mục tiêu tổng doanh thu là 5.660,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 989,6 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 3% và 34% so với thực hiện trong năm 2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại