Tối qua 7/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tham dự buổi dạ yến cuối cùng với các lãnh đạo Đông Nam Á, khép lại 8 năm thiết lập quan hệ đầy cẩn trọng. Mặc dù ông Obama đã giúp Mỹ "làm thân" với nhiều "bạn" mới nhưng mối quan hệ với đồng minh lâu năm nhất ở khu vực - Thái Lan - thì đang còn để ngỏ.
Khi nhìn quanh bàn tiệc tại Vientiane, ông Obama có thể tìm thấy những gương mặt "đối tác mới". Ông đã thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam và Lào nhằm khép lại đau thương trong quá khứ để tiến tới tương lai.
Đáng ngạc nhiên hơn cả là sự xuất hiện của Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi, người đã bị giam giữ suốt 3 thập kỷ. Chính nỗ lực của ông Obama đã góp phần vào quá trình chuyển tiếp chính trị của Myanmar, giúp thuyết phục các tướng lĩnh nước này chia sẻ quyền lực với Chính phủ dân cử của đảng do bà lãnh đạo.
Trong khi người tiền nhiệm George W. Bush thường xuyên bỏ qua các cuộc gặp với nguyên thủ các nước Đông Nam Á thì Tổng thống đương nhiệm của Mỹ lại là một vị khách quen thuộc - có lẽ đây cũng không phải chuyện bất ngờ đối với một người từng trải qua thời thơ ấu ở Indonesia như Barack Obama.
Chông gai trong mối quan hệ
Chuyến công du cũng không hoàn toàn suôn sẻ, nhất là khi ông vừa bị lãnh đạo Philippines gọi bằng những từ ngữ thô tục, phản cảm. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Thái Lan mới là đại diện cho sự thất bại rõ nét nhất trong nỗ lực ngoại giao của Mỹ ở khu vực.
Hai cuộc đảo chính quân sự đã làm tổn hại tới các mối quan hệ với Bangkok, một đồng minh thân cận của Washington và cũng là một thế lực mạnh mẽ trong khu vực. Mỹ không thể hối thúc các tướng lĩnh khôi phục lại các cuộc bầu cử và nới lỏng kiểm soát đối với các thành phần bất mãn.
Lãnh đạo hiện thời, Prayut Chanocha thường xuyên phản ứng trước những chỉ trích của Mỹ về vấn đề nhân quyền. Chỉ cần một sự cố ngoại giao nhỏ cũng có thể khiến mối quan hệ trở nên băng giá hơn.
Khi Thủ tướng Thái Lan Prayut trao đổi với ông Obama bên lề hội nghị ASEAN-Mỹ tại Sunnylands, California năm nay, nguồn tin của AFP cho biết ông Prayut đã cảm thấy mối quan hệ giữa 2 bên đang dần được khôi phục. Nhưng khi trở về Bangkok ông Prayut lại tức giận khi biết một quan chức ngoại giao cấp trung của Mỹ công khai lên tiếng chỉ trích Chính phủ của ông.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Thái Lan tại hội nghị ASEAN - Mỹ ở California, Mỹ. Ảnh: Asiaworldmedia
Một quan chức Thái Lan còn nói: Có thể công chúng Thái Lan đã quay lưng lại với Mỹ.
Về phần mình, các quan chức Mỹ chỉ ra rằng, cuộc đảo chính mới nhất tại Thái Lan khiến Washington không có nhiều cơ hội để xoay xở. Nhiều quan chức Mỹ lo ngại rằng Thái Lan đang bị đẩy quá xa về phía người láng giềng Trung Quốc.
Ông Ernest Bower, một chuyên gia Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đánh giá: Điều này gây tổn hại nghiêm trọng, xét trên bối cảnh "sức mạnh về kinh tế và chính trị ở Thái Lan đang xác lập lại trật tự".
Với hiến pháp mới, quân đội sẽ trở thành nhân tố mấu chốt trong trật tự chính trị mới của Thái Lan.
Quân đội Thái Lan từng "có mối quan hệ đối tác đặc quyền với Mỹ và điều đó đang thay đổi", Des Walton, cựu quan chức quốc phòng tại Thái Lan nhận định, "Họ đang mở rộng mối quan hệ với Nga và Trung Quốc. Xét về bề nổi, tôi không thấy động thái này là thích hợp đối với lợi ích của Mỹ".
Quá muộn cho Obama
Thực ra, Thái Lan vẫn giữ một vai trò chiến lược quan trọng đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Lo ngại dư luận Thái Lan quay lưng lại với Mỹ cũng có phần vội vã. Mặc dù nhiều nhân vật hoàng gia bảo thủ không hài lòng với quan điểm chỉ trích của Mỹ nhưng mối quan hệ thương mại, ngoại giao và giáo dục giữa 2 bên vẫn còn khăng khít.
Bắc Kinh không chỉ trích nhưng cho tới thời điểm hiện tại, nước này vẫn chưa thực hiện được những gì mình hứa hẹn về việc hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng cho Bangkok.
Nhiều quan chức cho rằng đây là cơ hội cho nước Mỹ.
Có điều giờ đã là quá muộn cho Tổng thống Obama.
"Tôi nghĩ chỉ có sự can thiệp ở mức độ Tổng thống mới đem lại sự khác biệt, nhưng chuyện này sẽ không xảy ra với Chính quyền của ông Obama", ông Bower nhận định.
Nhà Trắng cho hay, nhiều khả năng Thái Lan và Mỹ sẽ không tiến hành thêm cuộc gặp nào bên lề ASEAN tại Lào, dù 2 lãnh đạo có cùng dùng bữa trong một căn phòng.