Đà Nẵng thu hút nhiều 'ông lớn' đầu tư vào ngành công nghệ thông tin

Thành Vân |

Trong lĩnh vực phần cứng, điện tử, Đà Nẵng đã thu hút nhiều doanh nghiệp tiêu biểu (chủ yếu là doanh nghiệp FDI) như: Công ty Foster (Nhật Bản), Công ty Mabuchi Motor (Nhật Bản), Công ty Việt Hoa, Công ty T.T.T.I Đà Nẵng... Hay lĩnh vực phần mềm, nội dung số có FPT Software, Axon Active, Logigear, Magrabbit…

Doanh thu đạt gần 21.000 tỷ đồng

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam vừa ký ban hành Kế hoạch phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn thành phố đến năm 2030.

Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, công nghiệp CNTT đã có bước tăng trưởng nhanh, bền vững về cả doanh thu và sản lượng với mức tăng trung bình 11%/năm, từng bước khẳng định là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố. Riêng xuất khẩu phần mềm tăng bình quân 15%/năm, trong đó, Nhật Bản và Mỹ là những thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Tổng doanh thu toàn ngành thông tin truyền thông Đà Nẵng năm 2022 đạt 34.293 tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu công nghiệp CNTT năm 2022 đạt 20.920 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 132 triệu USD, đạt 120% so với kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2022, Đà Nẵng có tỷ lệ 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; các doanh nghiệp CNTT và các khu CNTT thành phố hoạt động trong các lĩnh vực như: Thiết kế vi mạch; sản xuất phần cứng (PCB, Máy tính...); thiết kế và sản xuất Game; gia công phần mềm – ITO; kiểm thử; tự động hóa...

Đà Nẵng thu hút nhiều ông lớn đầu tư vào ngành công nghệ thông tin - Ảnh 1.

Doanh thu công nghiệp CNTT năm 2022 của Đà Nẵng đạt 20.920 tỷ đồng. Ảnh: N.T.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực phần cứng, điện tử, Đà Nẵng đã thu hút nhiều doanh nghiệp tiêu biểu (chủ yếu là doanh nghiệp FDI) như: Công ty Foster (Nhật Bản), Công ty Mabuchi Motor (Nhật Bản), Công ty Việt Hoa, Công ty T.T.T.I Đà Nẵng... Các công ty này chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao như: động cơ điện siêu nhỏ, tai nghe, linh kiện điện thoại di động....

Cùng với đó, một số doanh nghiệp phần mềm như eSilicon, Global CyberSoft, Acronics, Uniquify... cũng dần hình thành các nhóm nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm điện tử, vi mạch.

Ngoài ra, trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số, TP. Đà Nẵng đã hình thành một số doanh nghiệp phần mềm lớn, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế như: FPT Software, Axon Active, Logigear, Magrabbit, Hitachi Vantara Việt Nam, Enclave, AsNet, Chi nhánh Công ty TNHH Monstarlab Việt Nam - Đà Nẵng, NeoLab, Nippon Seiki, Enouvo IT Solutions... cung cấp dịch vụ gia công phần mềm cho các thị trường nước ngoài.

Tiêu biểu như Công ty TNHH Đà Nẵng Nippon Seiki phát triển phần mềm trong cụm đồng hồ đo tốc độ của xe ô tô và xe máy của các hãng xe nổi tiếng trên thị trường quốc tế (Honda, Toyota, Suzuki, Audi...) với doanh thu bình quân 3 triệu USD/năm.

Về thị trường, Nhật Bản và Mỹ vẫn là 2 thị trường chủ lực của doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm; các thị trường khác đang dần được mở rộng như EU, các nước châu Á khác (Trung Quốc, Singapore, Đài Loan...).

Tính đến cuối năm 2022, thành phố có 47.500 nhân lực CNTT, trong đó có 22.000 lao động trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số; lương bình quân đạt 18 triệu đồng/người/tháng; chiếm 7,7% trong tổng lực lượng lao động toàn thành phố.

Đà Nẵng thu hút nhiều ông lớn đầu tư vào ngành công nghệ thông tin - Ảnh 2.

Khu Công viên phần mềm số 2. Ảnh: T.V.

Đến 2030, có tối thiểu 7 Khu CNTT, công viên phần mềm

Theo UBND TP. Đà Nẵng, lĩnh vực CNTT vẫn đang gặp một số tồn tại, hạn chế như các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng khu CNTT tập trung chưa được áp dụng chính sách ưu đãi theo quy định.

Các khu CNTT, công viên phần mềm chưa thu hút được nhà đầu tư, tập đoàn quốc tế quy mô lớn. Đặc biệt, thành phố cũng thiếu hụt nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn cao.

Do đó, Đà Nẵng đặt ra mục tiêu hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển hạ tầng công nghiệp CNTT hiện đại, đồng bộ, đảm bảo năng lực và an toàn, an ninh thông tin.

"Đà Nẵng là điểm đến an toàn cho các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, tạo động lực thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố, kết nối đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN", kế hoạch nêu.

Đà Nẵng thu hút nhiều ông lớn đầu tư vào ngành công nghệ thông tin - Ảnh 3.

Đến năm 2030, Đà Nẵng đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số. Ảnh: T.V.

Về các mục tiêu cụ thể, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển tập trung phát triển nền Kinh tế số đóng góp tối thiểu 20% GRDP thành phố, trong đó công nghiệp CNTT- truyền thông chiếm tối thiểu 10% GRDP thành phố vào năm 2025. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố, trong đó công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 15% GRDP thành phố.

Đồng thời, hỗ trợ khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp công nghệ. Đưa số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt mức tỷ lệ 3 doanh nghiệp/1.000 dân.

Đến năm 2030, Đà Nẵng đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số. Tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp CNTT bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 10%/năm; tốc độ tăng trưởng doanh thu xuất khẩu phần mềm giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm.

Đến năm 2030, TP. Đà Nẵng có tối thiểu 7 Khu CNTT, công viên phần mềm. Hình thành trạm cáp quang ven biển thứ 2 của Đà Nẵng để bảo đảm hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư kết nối tuyến cáp quang biển đi quốc tế.

Ngoài ra, 100% các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp cận về hạ tầng để triển khai ứng dụng IoT; phủ sóng 5G tối thiểu 50% diện tích các khu công nghiệp trên địa bàn...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại