Theo đó, nếu được phê duyệt và thông qua, cảng Liên Chiểu sẽ có mức đầu tư lên tới gần 7.400 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu tăng cao về vận chuyển hàng hóa, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế xã hội của TP Đà Nẵng và trong khu vực, giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô TP.
Cụ thể, cảng Liên Chiểu sẽ được xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung với tổng mức đầu tư cho hợp phần này lên tới 3.426,3 tỷ đồng để phát triển 2 bến ban đầu, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000-8.000 TEUs; đảm bảo thông qua lượng hàng từ 3,5-5 triệu tấn/năm và phát triển các bến tiếp theo theo quy hoạch.
Các hạng mục xây dựng đi kèm bao gồm kè chắn sóng (dài 820m) và đê chắn sóng (dài 350m) đảm bảo thời gian khai thác cảng trên 300 ngày/năm; luồng tàu dài khoảng 7,2km, rộng 160m; cao độ đáy nạo vét -14m, hệ thống báo hiệu hàng hải; làm đường bộ giao thông kết nối với cảng; các hạ tầng kỹ thuật như mặt bằng khu vực hạ tầng công cộng dùng chung, điện, cấp nước và công trình phụ trợ…
Hình thức đầu tư cho phần cơ sở hạ tầng dùng chung được Đà Nẵng xác định từ ngân sách Nhà nước theo Luật Đầu tư công trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương là 2.993,3 tỷ đồng (gồm 500 tỷ đồng từ nguồn 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của cả nước để thực hiện trong giai đoạn 2019-2020) và nguồn vốn ngân sách địa phương là 433 tỷ đồng được bố trí để thực hiện trong giai đoạn sau năm 2020.
Đáng lưu ý, TP Đà Nẵng cũng tính toán đến việc kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp là 3.951,8 tỷ đồng để xây dựng thêm 2 bến gồm một bến container, một bến hàng tổng hợp có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000-8.000 TEUs và các hạ tầng kỹ thuật, thiết bị khai thác trên bến đảm bảo khai thác lượng hàng thông qua từ 3,5-5 triệu tấn/năm trong giai đoạn đầu.