Đà Nẵng: 5 ngày nữa mới biết nguyên nhân cá chết trắng hồ Công viên 29/3!

HẢI CHÂU |

Chi cục Môi trường Đà Nẵng cho biết, phải sau 5 ngày mới có kết quả phân tích hàm lượng chất hữu cơ trong nước hồ Công viên 29/3 để biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết dày đặc ở hồ này!

Như tin đã đưa, ngày 1/8, rất nhiều người dân cùng du khách trong và ngoài nước đến vui chơi, thư giãn, hóng mát ở Công viên 29/3 (Đà Nẵng) giữa những ngày nắng nóng gay gắt đã kinh ngạc chứng kiến cảnh cá chết bất thường, nổi trắng hồ nước và bất mùi hôi thối nồng nặc!

Nhiều người băn khoăn, liệu nước cống chảy vào hồ hay hay thời tiết thay đổi bất thường gây ra tình trạng cá chết bất thường? Có người cho rằng trời nắng nóng kéo dài, chỉ cần mưa xuống là cá chết hàng loạt.

Tuy nhiên trên thực tế rất nhiều ngày qua Đà Nẵng không có mưa. Theo một số người khác, có khả năng sự gia tăng nhiệt độ trong nước cộng với ô nhiễm trong hồ làm suy giảm nồng độ oxi trong nước dẫn đến cá chết...

Cũng có người cho rằng cá chết là do hồ Công viên 29/3 hứng nước thải “chứa dioxin” từ khu vực sân bay Đà Nẵng chảy ra.

Nhằm tìm hiểu nguyên nhân đích thực dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ Công viên 29/3 và tránh những đồn đoán vô căn cứ, ngay trong chiều 1/8, chúng tôi đã gọi điện cho ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng (đơn vị quản lý Công viên 29/3).

Ông Đặng Đức Thứ nói mình đang bận họp về phòng chống lụt bão ở Sở Xây dựng Đà Nẵng và cho rằng trách nhiệm về chuyện cá chết ở hồ Công viên 29/3 thuộc về Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng.

Chúng tôi gọi điện cho ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng. Lúc đầu ông cho rằng “trước đây họ câu cá rồi chết lai rai thôi”!

Khi chúng tôi nói rõ là đang có tình trạng cá chết dày đặc một cách bất thường ở hồ Công viên 29/3 và muốn tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng đó thì ông Mai Mã cho biết “cá mới chết sáng nay và trước mắt đã cho người đi vớt xác cá chết trong hồ để khỏi gây ô nhiễm”.

Về nguyên nhân thì ông Mai Mã nói là “chưa rõ lắm và đã báo cho bên môi trường tới kiểm tra”.

“Muốn rõ nguyên nhân thì phải đánh giá chất lượng nước trong hồ.

Chúng tôi sẽ cho lấy mẫu để đánh giá chất lượng nước và sẽ mời Chi cục Môi trường (thuộc Sở TN-MT) là đơn vị quản lý nhà nước về ô nhiễm, có Phòng kiểm soát ô nhiễm, đến để biết và có đánh giá.

Việc công bố kết quả kiểm tra chất lượng nước là thuộc chức năng của Sở TN-MT mà cụ thể là Chi cục Môi trường!” – ông Mãi Mã cho hay.

Chúng tôi tiếp tục gọi điện cho ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Đà Nẵng. Ông Vinh cho hay: “Công ty Thoát nước và xử lý nước thải mới báo cho tôi chiều nay.

Chúng tôi giao cho Công ty vớt cá, còn nguyên nhân thì chưa xác định. Anh em đang phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật môi trường đi lấy mẫu!”.

“Khi nào thì có thể có được kết quả đánh giá chất lượng nước trong hồ Công viên 29/3 để biết rõ nguyên nhân cá chết?” – Chúng tôi đặt câu hỏi.

Ông Đặng Quang Vinh trả lời: “Để có kết quả BOD 5, tức là kết quả phân tích hàm lượng chất hữu cơ trong nước, thì phải sau 5 ngày!”.

Trước đó, hồi tháng 9/2008 cũng từng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Công viên 20/9.

Theo Trung tâm Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Đà Nẵng), kết quả phân tích mẫu nước tại hiện trường cho thấy hàm lượng oxy trong nước (DO) tại hồ này thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn phục vụ đời sống thuỷ sinh, đặc biệt độ sâu càng lớn thì hàm lượng DO càng thấp.

Về nguyên nhân khiến hàm lượng DO thấp, kết quả quan trắc chất lượng nước tại hồ Công viên 29/3 cho thấy, một số chất hữu cơ như COD, NH4+ (as N) đều vượt tiêu chuẩn cho phép đối với khu vực nuôi trồng thuỷ sản và bảo vệ đời sống thuỷ sinh.

Trong đó, COD vượt tiêu chuẩn từ 3,3 – 3,8 lần, NH4+ vượt tiêu chuẩn từ 3,26 – 5,58 lần. Đây là những thông số đại diện cho tình trạng ô nhiễm hữu cơ của hồ.

Ngoài ra, hàm lượng các kim loại nặng trong nước như Cu, Pb cũng cao hơn so với tiêu chuẩn cho phép.

Báo cáo của Trung tâm Bảo vệ môi trường Đà Nẵng lúc đó cũng cho hay: “Nước hồ Công viên 29/3 có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ và một số kim loại nặng nên không đảm bảo chất lượng nước sử dụng vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản.

Hiện tượng cá ngáp nổi lên mặt nước và cá chết là do hàm lượng DO bị suy kiệt, cộng thêm tác động của mực nước hồ hạ thấp và trời mưa dông làm nước hồ và bùn đáy bị xáo trộn, chuyển động làm tăng hàm lượng một số hơi khí độc trong nước sinh ra ở lớp bùn đáy tác động điều kiện sống của các loại thuỷ sản trong hồ”.

Trung tâm Bảo vệ môi trường Đà Nẵng cũng kiến nghị đơn vị quản lý hồ thường xuyên nạo vét lòng hồ và bùn cặn tại các cống thải nước vào hồ nhằm giảm lượng bùn lắng trong hồ, giảm thiểu khả năng tích tụ bùn đáy ở lòng hồ và tăng cường mực nước trong hồ được ổn định.

Đồng thời, tăng cường giáo dục và quản lý khách tham quan, tránh hiện tượng vứt rác xuống hồ.

Tháng 5/2012, đề tài nghiên cứu của nhóm giảng viên gồm TS Trần Văn Quang, KS Phan Thị Kim Thủy và sinh viên khoa Môi trường (Đại học Bách khoa) cũng đã đưa ra khuyến cáo người dân không ăn cá từ hồ Công viên 29/3 do hồ này nhiễm kim loại nặng vượt mức cho phép.

Nguyên nhân gây ô nhiễm kim loại nặng tại các hồ do nước thải sinh hoạt, sản xuất từ các khu vực dân cư chảy vào hồ và do việc người dân vứt chất thải bừa bãi xuống hồ

Các mẫu bùn (trầm tích), nước, cá lấy từ hồ Công viên 29/3 được xử lý bằng phương pháp ướt bung trong thiết bị Microwave và tiến hành phân tích, xác định hàm lượng kim loại nặng trong nước, bùn và cá bằng máy cực phổ 797-VA cho thấy một số mẫu bùn có hàm lượng chì (Pb) vượt giới hạn cho phép từ 1,04 - 1,1 lần; hàm lượng thủy ngân (Hg) vượt từ 3,5 - 5,2 lần.

Các mẫu nước lấy trong hồ đều có hàm lượng chì vượt quá giới hạn cho phép từ 1,01 - 1,34 lần, hàm lượng thủy ngân vượt từ 1,1 - 2,5 lần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại