Có lẽ thách thức lớn nhất về tâm lý đối với nghiệp thủ môn là khả năng dửng dưng trước những sai lầm. Chúng ta đều nhớ David Seaman từng bị Ronaldinho lốp bóng ở World Cup 2002, Paul Robinson “đá vào không khí” ở trận gặp Croatia năm 2006, hay sự vụng về của Scott Carson cũng ở trận gặp Croatia năm 2007, khiến báo Anh đã gọi anh là Frank Carson, một… diễn viên hài.
Khi Robert Green để trôi một cú sút qua tay ở trận gặp Mỹ ở World Cup 2010, tin ấy đứng top của BBC News.
MẠNH MẼ HƠN NHỜ NHỮNG VA VẤP
Ngay cả huyền thoại Lev Yashin, một trong những nghệ sĩ giỏi nhất của môn nghệ thuật trong khung gỗ, cũng từng trở thành đề tài châm biếm sau khi thủng lưới 2 bàn trước Chile ở tứ kết World Cup 1962.
Mùa giải sau đó, ông thường xuyên bị la ó trong màu áo Dynamo Moskva, thậm chí cửa sổ nhà ông còn bị ném vỡ 2 lần. “Người ta viết những điều mà tôi không thể nói ra trên lớp bụi ở xe của chúng tôi”, bà Valentina – vợ Yashin – nhớ lại.
Sự mong manh cố hữu đối với danh tiếng của một thủ môn là một trong những lý do giải thích tại sao họ đòi hỏi có một tinh thần cực vững. Peter Shilton, thủ thành có lẽ là toàn diện nhất từ trước đến giờ, từng bảo tôi rằng:
“Những sai lầm của anh sẽ được đặt dưới kính lúp. Một cú trượt chân trong 90 phút có thể mang đến khác biệt giữa chiến thắng và thất bại. Có thể anh nghĩ rằng như thế là không công bằng, nhưng anh sẽ phải đủ mạnh mẽ để đương đầu với chúng”.
De Gea từng khởi đầu khó khăn tại M.U
Ngày De Gea cập bến M.U, anh mới 20 tuổi. Tờ Times viết rằng: “Gã thủ môn này cứ như thịt nấu đông vậy. Cậu ta không đủ thể lực. Cậu ta là Heurelho Gomes phiên bản không biết cản phá”. Daily Express thì dè bỉu: “Tên cậu ta là David de Gea Quintana. Đừng ngại đọc đầy đủ, cậu ta sẽ không trụ được lâu đâu”.
Một số chỉ trích là xác đáng. Gầy gò và hiền lành, De Gea không mạnh trong không chiến. Anh thường đấm bóng trong khi tốt hơn là bắt dính. Là thủ môn, nhưng anh lại thường bị các cầu thủ tấn công phạm lỗi. Anh cũng có xu hướng đẩy những cú sút xa vào vào những vị trí nguy hiểm. Đã có lúc, anh phải dự bị cho Ander Lindegaard – một thực tế tồi tệ.
Tuy nhiên, trong những ngày tháng khó khăn ấy, De Gea vẫn có những điểm tích cực. Anh đầy nỗ lực trong tập luyện nhằm cải thiện bản thân. Hết mùa giải, anh vẫn dành hàng giờ trong phòng gym với các HLV thể lực để tăng cường sức mạnh.
Và anh cũng thay đổi thực đơn của mình (loại bỏ món tacos ưa thích) để tăng cân cũng như cơ bắp. De Gea cũng cải thiện đáng kể khả năng chọn vị trí chiến thuật, vốn không được đánh giá cao trong nghệ thuật trấn giữ khung thành.
LUÔN HOÀN THIỆN BẢN THÂN
Trong cuốn tự truyện Nỗi ám ảnh hắc ám, Shilton đã công bố các biểu đồ cho thấy ông đã dâng cao như thế nào, cũng như chỉ đạo các hậu vệ ra sao, để gây sức ép buộc đối phương phải sút xa. Với việc chọn vị trí chiến thuật, ông có thể hăm dọa tiền đạo đối phương khiến họ phải dứt điểm thiếu chính xác.
Chính Shilton cũng khẳng định rằng những trận hay nhất của ông là những trận ít phải làm việc nhất, chẳng hạn như trận lượt về bán kết Cúp C1 1980 gặp Ajax, khi Nottingham Forest bảo vệ thành công lợi thế thắng 2-0 ở lượt đi.
De Gea có thể chưa có được sự thống trị trong vòng cấm địa như Shilton, nhưng nhãn quan của anh thì đã được mài sắc trong hơn 6 năm qua. Bản năng trong các tình huống một đối một của De Gea là độc nhất vô nhị. Anh đã cải thiện nghệ thuật di chuyển, điều chỉnh khoảng cách của mình với khung thành để hạn chế tối đa nguy hiểm.
Ở thời điểm hiện tại, hiếm khi người ta thấy anh đứng ở vị trí không có ai, dù phía trước là những đường tạt hay tiền đạo đối phương tiếp cận khung thành. De Gea bây giờ điềm tĩnh và chắc chắn hơn nhiều.
Trong quá khứ, Shilton dành hàng giờ để tập cản phá. Ông yêu cầu các đồng đội sút về phía mình liên tục với tốc độ cực nhanh để rèn luyện khả năng phản ứng, cũng như tăng cường độ cứng cáp của cổ tay. “Kỹ năng này không tự nhiên mà có. Nó đòi hỏi quyết tâm cao độ”, ông nhận định. De Gea cũng tập luyện tương tự với đôi bàn tay “mềm” trước những cú sút xa và cứng rắn trong những tình huống cận chiến.
Mục tiêu cơ bản của thủ môn không chỉ là ngăn chặn một cú sút trúng khung thành mà còn phải giảm thiểu nguy cơ đá bồi và cơ hội cho đối phương.
Tính linh hoạt của De Gea luôn cực cao, với tỷ lệ cản phá lên tới 78% ở mùa giải đầu tiên tại Old Trafford (Theo Opta). Đó cũng là lý do anh có những pha cản phá kinh điển trước Arsenal vừa qua. Đáng chú ý nhất là tình huống giải nguy khi bóng chạm Romelu Lukaku đổi hướng, và pha cứu thua đôi trước nỗ lực dứt điểm của Alexandre Lacazette và Alexis Sanchez.
Những khoảnh khắc thiên tài ấy không chỉ minh chứng cho bản năng tuyệt vời của De Gea, mà còn cho thấy anh có thể cản phá cực tốt cả bằng tay và chân. Đó là một phẩm chất hiếm có và đẹp, giống như huyền thoại Pat Jennings vậy.
Theo cảm giác của tôi, đó là sự tiến bộ của De Gea trong việc bao quát không gian mà anh làm chủ. Và chính điều đó đã biến anh thành số một thế giới như hiện nay. De Gea hiện tại giàu tính chiến thuật hơn, ít sai lầm hơn, và truyền sự chắc chắn ấy cho các đồng đội.
KHI TÂM LÝ LÀ VŨ KHÍ QUAN TRỌNG NHẤT
De Gea có lẽ đang là cầu thủ quan trọng nhất của M.U, cứu vô số điểm, và giữ sạch lưới 60% số trận ở Premier League mùa này. Chiến thắng trước Arsenal là đỉnh cao của nghệ thuật cản phá, nhưng chắc chắn không phải trận ấn tượng duy nhất. Hồi tháng Mười, anh cũng có pha cản phá siêu đẳng bằng chân trái trước cú dứt điểm của Joe Matip, cách khung thành có 7 mét.
Thủ môn luôn là người cô đơn nhất trên sân, và khi anh ta mắc 1 sai lầm nhỏ thì áp lực là cực lớn. Điều đó hoàn toàn đúng với De Gea ở những năm tháng đầu ở Old Trafford. Rất nhiều người còn nhớ khi De Gea đấm bóng không an toàn dẫn đến bàn gỡ 1-1 của Tottenham ở trận đấu hồi năm 2013, bốn cầu thủ gồm trung vệ thủ quân Vidic, hậu vệ đội phó Evra, tiền vệ Carrick và tiền đạo Welbeck đã thể hiện sự thất vọng đối với De Gea.
Riêng Vidic đã đứng nhìn De Gea trừng trừng đến "6 giây". Gary Neville đã gây ra cuộc tranh cãi dữ dội khi bình luận rằng "David De Gea sẽ phải đối mặt với bầu không khí căng thẳng trong phòng thay đồ". Thế mới biết sự tiến hóa của De Gea không chỉ về kỹ năng và kinh nghiệm, mà còn cả sự cứng rắn về tinh thần.
"Anh ấy biết rằng là con người ai cũng có những thời khắc bất ổn, những điểm yếu, nhưng chính trách nhiệm với đội bóng đã tạo nên bản chất mạnh mẽ và can đảm", đó là những lời HLV Mikhail Yakushin nói về cậu học trò Yashin vĩ đại tại Dynamo. Và nó cũng rất đúng với De Gea ở M.U.
De Gea không được đề cử giải The Best là một sự lố bịch Lễ trao giải The Best 2017 lần đầu tiên chứng kiến Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA công bố hạng mục "Thủ môn xuất sắc nhất" để vinh danh những ngôi sao chơi ở vị trí "cô đơn" nhất trên sân. Kết quả, lão tướng Gianluigi Buffon giành chiến thắng với 42,42% số phiếu bình chọn, vượt trội so với Manuel Neuer (Bayern Munich, 32,32%), và Keylor Navas (Real Madrid, 10,1%). Nhưng cú sốc lớn nhất chính là việc David De Gea "mất hút" trong danh sách 15 ứng viên được FIFA đề cử. Càng sốc hơn nếu biết Claudio Bravo - bản hợp đồng "thảm họa" của Man City lại chễm trệ ở vị trí thứ 9! |