Một triển lãm trí tuệ nhân tạo (AI) thế giới ở Trung Quốc. Nguồn: Xinhua.
Khi rủi ro chưa được kiểm soát
Bức thư viết: "Các hệ thống AI mạnh mẽ chỉ nên được phát triển khi chúng ta tin tưởng rằng tác động của chúng sẽ tích cực và rủi ro của chúng là có thể kiểm soát được", đồng thời nêu ra những rủi ro tiềm tàng đối với xã hội và nền văn minh khi AI cạnh tranh với con người.
Riêng với tỷ phú công nghệ Elon Musk, người rất thành công khi sử dụng AI cho hệ thống lái tự động, ông chủ của Tesla, SpaceX và Twitter cũng đã bày tỏ lo ngại về trí tuệ nhân tạo. "Một trong những rủi ro lớn nhất đối với tương lai của nền văn minh là AI. Nó có cả tích cực lẫn tiêu cực, có nhiều hứa hẹn tuyệt vời nhưng cùng với đó cũng là mối nguy hiểm lớn khi chưa có bất kỳ quy tắc hoặc quy định nào để kiểm soát sự phát triển của nó" - ông Musk phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh World Government Summit diễn ra ở Dubai (UAE), tháng 2 vừa qua.
Gary Marcus - giáo sư danh dự Đại học New York (Mỹ), người đã ký bức thư, cho biết: "Bức thư không hoàn hảo, nhưng tinh thần là đúng: Chúng ta cần chậm lại cho đến khi hiểu rõ hơn về các tác động của AI. Chúng có thể gây tác hại nghiêm trọng. Những người chơi lớn ngày càng trở nên bí mật về điều họ đang làm, khiến xã hội khó phòng thủ trước những nguy cơ có thể xảy đến".
Cả Elon Musk và Marcus cho rằng trí tuệ nhân tạo còn nguy hiểm hơn đầu đạn hạt nhân nếu không được kiểm soát.
"Trong khi ô tô, máy bay và y học phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt theo quy định, thì AI vẫn chưa có bất kỳ quy tắc hoặc quy định nào để kiểm soát sự phát triển của nó" - Marcus nhấn mạnh và cho rằng ban đầu Open AI được tạo ra như một tổ chức phi lợi nhuận mã nguồn mở. Bây giờ nó không còn như thế nữa và vì lợi nhuận mà điều đó thì rất dễ rơi vào lầm lạc.
Cuộc chiến chưa ngã ngũ
Hồi giữa năm 2022, Kris Kashtanova - họa sĩ truyện tranh tại New York (Mỹ) đã nảy sinh ý tưởng và thực hiện một bộ truyện tranh ngắn mang tên "Zarya of the Dawn". Sang năm 2023 nó đã trở thành tâm điểm chú ý khi Cơ quan Bản quyền Mỹ quyết định không công nhận phần hình ảnh trong bộ truyện là tác phẩm của họa sĩ này. Lý do là bởi những hình ảnh này được tạo ra bởi AI.
Trong quá trình sáng tác, Kris đã sử dụng một AI mang tên Midjourney để tạo ra các hình vẽ. Kris công khai việc này và đưa ra đăng ký bản quyền, với kỳ vọng là nó sẽ tạo tiền lệ để các tác phẩm nghệ thuật tạo ra bởi AI được công nhận.
Theo giới chuyên gia, sở hữu trí tuệ là một vấn đề rất quan trọng, không chỉ được quy định trong luật của mỗi nước mà cả những hiệp định thương mại quốc tế. Việc công nhận bản quyền của những công cụ như AI có thể thay đổi mọi thứ, bởi chúng cho phép hàng triệu người đều có thể tạo ra các sản phẩm được bảo hộ. Và lúc đó sẽ nổ ra cuộc chiến “bản quyền AI và con người” không biết đến bao giờ mới ngã ngũ.
Đến đây lại xuất hiện vấn đề: Trí tuệ nhân tạo và con người - ai sẽ thay thế ai?
Tại triển lãm Di động thế giới 2023 diễn ra tại Barcelona (Tây Ban Nha) kéo dài 4 ngày, với 2.000 gian hàng của các công ty đến từ hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, gã khổng lồ công nghệ Microsoft đã mang đến thông báo bất ngờ khi cho biết Bing AI - chương trình tìm kiếm phát triển trên nền tảng ChatGPT sẽ được tích hợp ngay trên công cụ tìm kiếm của hệ điều hành Windows 11… để người dùng tra cứu nhanh chóng. Trước đó, vào đầu tháng 2, Bing AI đã được Microsoft phát hành giới hạn với hơn một triệu người dùng thử ở 169 quốc gia.
Trong khi đó nhà mạng không dây lớn nhất của Hàn Quốc SK Telecom tuyên bố đang "tiến hóa thành một công ty AI", đồng thời giới thiệu hàng loạt dịch vụ AI ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực - từ an ninh, chăm sóc sức khỏe đến điều hành thành phố thông minh, giao thông.
Theo tờ Forbes, mặc dù giới chuyên gia nhận định hiện AI chưa thể thay thế được hoàn toàn con người, song trên thực tế nó đang từng bước đe dọa vị trí việc làm của không ít người trong tương lai gần. Nhiều công việc đã và đang dần được thay thế bởi các trợ lý ảo. Chúng sẽ ngày càng thông minh hơn khi được tích hợp trí tuệ nhân tạo.
Còn Business Insider cho rằng, có một số công việc có thể sẽ bị trí tuệ nhân tạo thay thế trong vòng 10 năm tới; trong đó có cả các kỹ sư công nghệ, lập trình viên cấp cao.
“Nhiều người sẽ giật mình khi nhận ra rằng chính mình cũng có thể bị các robot thông minh gạt sang bên lề. Trí tuệ nhân tạo có thể không bằng con người trong nhiều khía cạnh chẳng hạn như cảm xúc. Nhưng nếu coi thường nó, không liên tục học hỏi, chúng ta sẽ rơi vào nguy cơ bị thay thế” - một bình luận trên Forbes.
Eric Schmidt - Chủ tịch của Ủy ban an ninh quốc gia Mỹ về trí tuệ nhân tạo (AI) cho rằng dù muốn dù không thì sự cạnh tranh về AI giữa các cường quốc sẽ là cuộc đua mang tính chiến lược. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo sẽ luôn cần kho dữ liệu khổng lồ để trở nên thông minh hơn. Từ đó dẫn tới nhiều rủi ro cho các công ty công nghệ lẫn người dùng. Sẽ có rất nhiều nội dung được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo và khó có thể xác định nội dung nào là độc hại. “Tôi muốn dùng một phép ẩn dụ, bằng cách so sánh AI với một đứa bé đang chuẩn bị trở thành người lớn. Chúng ta phải dạy nó trách nhiệm, và không làm những điều có thể gây hại cho con người. Chúng ta cần phải đặt ra các tiêu chuẩn cho AI, huấn luyện nó trở nên an toàn và đáng tin cậy” - ông Eric Schmidt nói.