Đã đến lúc thôi nhạy cảm với điểm 0 và học cách tô hồng cả những thất bại!

Người Lạ |

Vì thất bại là một cảm giác không mấy dễ chịu, nếu bạn học cách chấp nhận và vượt qua được nó, nghĩa là bạn đã rất mạnh mẽ rồi!

Tôi là người hay theo dõi tin tức nhưng lại ít khi muốn chia sẻ quan điểm cá nhân. Lời nói của mình chưa hẳn đã khiến mọi việc tốt đẹp hơn lên, đôi khi, lại làm người trong cuộc chạnh lòng nếu trót hiểu lầm họ.

Nhưng khi đọc tin tức về một cậu bạn tham gia kỳ thi Olympia và ra về với con điểm 0, tôi lại muốn nói một điều gì đó. Lời nói của tôi có thể sẽ không đến được với cậu bạn ấy nhưng ít ra nó sẽ khiến những người đang sợ hãi khi thấy con điểm 0 có dịp được nhìn lại chính nỗi sợ của mình và biết đâu một ngày bạn sẽ thấy: "Ôi dào, 0 điểm ấy mà tôi có đầy nhưng tôi vẫn hạnh phúc và thành công đây nè!"

0 điểm, từ bao giờ đấy, đã trở thành một hình dung của sự thất bại, kém cỏi. Trước nay, người ta chỉ tô hồng chiến thắng chứ mấy ai lại đi tô hồng cả... thất bại?

Nhưng nếu nói: "0 điểm có gì đâu mà kém cỏi, cũng chẳng phải là thất bại gì đâu!", thì nghĩa là bạn đang chọn đi ngược hướng với đám đông. Hãy kiên định nhé!

Đã đến lúc thôi nhạy cảm với điểm 0 và học cách tô hồng cả những thất bại! - Ảnh 1.

Có nhiều người đang kiên định đi ngược với quan điểm của đám đông để tô hồng một... thất bại. Vì thất bại chẳng có gì là đáng xấu hổ cả. Lần sau sẽ tốt hơn!

Có 2 điều đám đông đang lầm tưởng. Một là họ nghĩ rằng điểm 10 là thành công, điểm 0 là thất bại; hai là họ nghĩ rằng điểm số của hiện tại sẽ mang về thành công trong tương lai. Tư duy thành tích ấy chẳng sớm thì muộn sẽ biến bạn trở thành con người có đời sống vô cùng nhạt nhẽo.

Một CEO trẻ tuổi từng nói với tôi rằng, khi tuyển dụng, anh ta thường hỏi các ứng viên: "Em đã bao giờ thất bại chưa?". Cảm giác thất bại không hề dễ chịu một tí nào nhưng bạn vượt qua được thì nghĩa là bạn đã rất mạnh mẽ. Còn thành công ấy, nó dễ khiến chúng ta lạc mất mục tiêu của mình lắm.

Nhưng rồi chúng ta lại sợ thất bại như sợ chính con điểm 0 vậy. Vì sợ nên chúng ta trở nên nhạy cảm vô cùng!

Đã đến lúc thôi nhạy cảm với điểm 0 và học cách tô hồng cả những thất bại! - Ảnh 2.

Sự nhạy cảm của đám đông thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, có thể tạm chia thành 2 kiểu thế này. Kiểu thứ nhất tỏ ra mình là người hiểu chuyện. Nhóm người này tuyệt nhiên không nhắc đến từ khóa "0 điểm" vì sợ làm cậu học trò tổn thương. 

Có biết cũng vờ như là không biết để mình "vô can" trước mọi điều và nếu đó là nỗi đau của người khác thì càng phải nên tránh. 

Kiểu thứ hai là kiểu người có tấm lòng bao la chan chứa, một mực xắn tay áo đòi bảo vệ cậu học trò trước mọi "thế lực" nhìn thẳng vào sự thật rằng cậu 0 điểm trong cuộc thi. Họ tự cho mình cái quyền được biến cậu học trò thành đối tượng bị thương hại vô điều kiện dù chưa cần biết nhân vật chính có đồng ý hay không.

Đã đến lúc thôi nhạy cảm với điểm 0 và học cách tô hồng cả những thất bại! - Ảnh 3.

Bản thân cậu học trò, tôi đoán rằng, cậu chỉ muốn ngày mai thức giấc là 29 Tết và mọi người vẫn sống cuộc sống của mình, ở đúng vị trí của mình, như cậu đang ở trong vòng tay yêu thương của gia đình.

Nếu như mở màn, thí sinh có phần thi chưa tốt được MC hỏi han khá nhiều, cố gắng quan tâm để tạo sự thoải mái trong tâm lý của thí sinh, chia sẻ với cậu những câu chuyện về trường lớp hết sức thú vị... 

Thì đến cuối chương trình thay vì lên giọng đọc thật to số điểm mà cậu ghi được, MC cố gắng lướt quá cái tên cậu thật nhanh với một thông báo vắn tắt "chưa ghi được điểm".

Tôi thông cảm và hiểu rằng MC không muốn khắc sâu thêm ấn tượng về điểm 0, thứ vốn dĩ đã bị gắn mác thất bại. Tôi biết, MC chỉ muốn nói đến những thí sinh giành được điểm cao vì họ là ngôi sao trên chính sàn đấu này.

Vệc trở thành người vô hình đi trong thành công của kẻ khác nó còn tàn nhẫn hơn gấp vạn lần chuyện bị điểm 0. Nỗi sợ lớn nhất của con người, là nỗi sợ bị bỏ lại, bị quên lãng, bị coi thường!

Đã đến lúc thôi nhạy cảm với điểm 0 và học cách tô hồng cả những thất bại! - Ảnh 4.

Tôi ước gì lúc đó MC dành cho cậu bạn có điểm 0 kia một lời cảm ơn. Cảm ơn cậu vì đã đến chương trình, chúc mừng cậu đã dũng cảm đứng "chiến đấu" đến cùng dù chưa đạt được kết quả như ý. 

Tôi cũng ước thời gian quay lại, như khi mở đầu chương trình, một câu nói đùa - một chút động viên an ủi trong hoàn cảnh ấy có lẽ sẽ khiến thí sinh kém may mắn của chúng ta cảm thấy-bình-thường-hơn. Cớ gì phải buồn khi mọi người đều xem điểm 0 là một điều quá sức bình thường cơ chứ!

Dù bạn bị điểm 0 và 100% là bạn không thích điều đó được quá nhiều người biết đến nhưng chuyện ấy đã xảy ra rồi. Không ai và không gì có thể thay đổi được quá khứ và những điều bạn đã làm, dù cho bạn có chán ghét nó đến nhường nào đi nữa. Hãy chấp nhận!

Đã đến lúc thôi nhạy cảm với điểm 0 và học cách tô hồng cả những thất bại! - Ảnh 5.

Và trên hết, bạn cũng nên thấy rằng tôn trọng sự thật là một điều cần thiết. Sự thật là những người cùng chơi khác họ đã thể hiện rất xuất sắc, họ ghi điểm và họ cũng xứng đáng với vòng nguyệt quế. Sự thật là ngày hôm nay, bạn đã chưa thành công, nếu thành công được xét ở khía cạnh đạt được số điểm cao hay bước lên bục vinh danh.

Ở lứa tuổi đang lớn và đầy khát khao chinh phục, sẽ thật khó để bảo cậu học sinh kia đừng buồn nhé khi bị điểm 0. Buồn để tiến bộ hơn là điều cần thiết, nhưng đừng biến nỗi buồn thành sự xấu hổ và rào cản ngăn mình ước mơ, ngăn bạn thành công trong tương lai.

Đã đến lúc thôi nhạy cảm với điểm 0 và học cách tô hồng cả những thất bại! - Ảnh 6.

Cuối cùng, tôi chỉ muốn vỗ vai cậu học trò kia và nói rằng:

Không sao đâu, lần sau làm tốt hơn nhé!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại