Đã đến lúc khai tử giao thức kết nối MicroUSB

Quang Minh |

Vào hồi tháng 6/2019, tập đoàn Amazon đã chính thức ra mắt Kindle Oasis thế hệ mới, với các cấu hình và tính năng đủ để làm tròn vai một thiết bị hoàn hảo dành cho những ai có niềm đam mê với việc đọc sách. Tuy nhiên có một điểm khá thất vọng ở đây đó là, đi kèm với những phần cứng mới nhất và mạnh mẽ nhất, Oasis lại được trang bị cổng kết nối MicroUSB - giao thức kết nối cũ kỹ mà Amazon đã sử dụng trên các sản phẩm Kindles được 10 năm.

Đã đến lúc loại bỏ MicroUSB hoàn toàn khỏi cuộc sống của chúng ta. USB-C hiện nay đã trở nên phổ biến, không có lý do gì mà các nhà sản xuất lại đi sử dụng lại một tiêu chuẩn quá cũ kĩ và gần như đã "chết" – nhất là đối với các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp như Oasis, khi người dùng phải bỏ ra một khoản tiền lên đến hàng trăm đô để có thể sở hữu được thiết bị.

Tại sao chuẩn USB-C lại tốt hơn?

Một trong những ưu điểm đầu tiên cần phải đề cập của USB-C so với MicroUSB đó chính là khả năng cắm ngược tiện dụng. Tương tự như chuẩn Lightning của Apple, người dùng có thể cắm cổng USB-C theo cả hai chiều khác nhau, trong khi MicroUSB chỉ có thể cắm theo một chiều, gây ra nhiều khó chịu cho chúng ta trong quá trình sử dụng, nhất là vào ban đêm.

Tiếp theo, USB-C là chuẩn kết nối mạnh mẽ hơn khi nó có thể "lo liệu" đồng thời việc cấp nguồn, sao lưu dữ liệu và truyền phát video chỉ với cùng một sợi kết nối, với lượng băng thông phục vụ cho việc cấp nguồn và truyền tải dữ liệu lớn hơn rất nhiều so với chuẩn MicroUSB truyền thống (tốc độ truyền tải dữ liệu lên đến 10GBps và khả năng cung cấp năng lượng lên đến 100W).

Mặc dù đều được mặc định chu kỳ kết nối ở con số 10.000 (số lần cắm cáp vào và rút ra), tuy nhiên có thể thấy được chuẩn USB-C hầu như có độ bền cao hơn MicroUSB bởi cổng tiếp xúc hình bầu dục rộng và ổn định khiến dây cáp khó bị lỏng lẻo, tránh gây ngắt kết nối bất ngờ khi đang sử dụng.

Giờ đây, với khả năng linh hoạt về năng lượng, dữ liệu và video, USB-C xứng đáng là chuẩn kết nối thay thế cho MicroUSB đã quá lỗi thời – hay thậm chí là USB-A truyền thống.

Nếu bất kỳ nhà sản xuất nào ra mắt phiên bản laptop mới mà không được tích hợp ít nhất hai cổng chuẩn USB-C ở thời điểm hiện tại, thì tương lai của thiết bị đó có thể sẽ khá mờ mịt. Không đâu xa, hãy nhìn vào tấm gương Surface Pro 6 của Microsoft.

Vậy tại sao chuẩn MicroUSB vẫn còn "tràn lan"?

Rẻ! Là câu trả lời ngắn gọn và thuyết phục nhất.

Kể từ năm 2010, chuẩn MicroUSB dần trở nên phổ biến với hơn 1 tỷ sản phẩm được sử dụng hằng năm và hàng trăm triệu được sản xuất mỗi năm có tích hợp cổng MicroUSB. Những lợi ích về mặt kinh tế – chưa kể đến nhu cầu sử dụng hiện nay của đa số người dùng vẫn chưa cao – dẫn đến chi phí linh kiện sản xuất của chúng khá rẻ mạt (đâu đó khoảng vài đồng xu cho một bộ cổng và cả dây cáp).

Tuy nhiên không thể lấy lí do "rẻ và phổ biến" để biện minh cho việc trang bị các cổng Micro trên sản phẩm phân khúc cao cấp mới như Kindle Oasis, hay Mx Master 2S của Logitech, hoặc thậm chí oái ăm hơn là chuột không dây Rurret của Razer (trong khi USB-C lại được trang bị cho bàn phím trong bộ phím – chuột Rurret). 

Điều này chỉ có lý khi sử dụng cổng MicroUSB trên các sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ, khi mà nhà sản xuất cần phải giảm chất lượng của một số linh kiện để đổi lại một thiết bị vừa túi tiền người dùng, ví dụ như tai nghe Anker Soundcore Liberty Neo chỉ có giá 50$ với cổng MicroUSB, trong khi Samsung Galaxy Bud 150$ trang bị cổng USB-C.

Đã đến lúc khai tử giao thức kết nối MicroUSB - Ảnh 1.

Hoặc có thể, việc đem một sản phẩm mới ràng buộc với một công nghệ cũ như MicroUSB còn có một cách giải thích khác, đó chính là "mới nhưng thật ra không mới". 

Quay trở lại với chuột Rurret của Razer, nếu tìm hiểu sâu hơn một chút, chúng ta biết được rằng đây là một phiên bản cải tiến của dòng Mamba cũ, vốn đã ra mắt cách đây khá lâu (một trong số đó đã trải qua nhiều lần chỉnh sửa). 

Nếu sử dụng cổng kết nối USB-C cho Rurret, đồng nghĩa với việc Razer sẽ không thể tận dụng được pin, bảng mạch (PCB), cáp sạc và nhiều phần cứng khác của Mamba. Với mức giá lên đến 250 đô la cho một bộ phím chuột Rurret, nhưng những gì chúng ta nhận được lại không xứng đáng.

Đã đến lúc khai tử giao thức kết nối MicroUSB - Ảnh 2.

Với Logitech, họ đã quyết định cho ra mắt các phiên bản MX mới sử dụng chuẩn USB-C và loại biên phiên bản sử dụng MircoUSB cũ. Tất nhiên chi phí sẽ gia tăng do bộ khung và bo mạch sẽ được làm lại mới hoàn toàn, tuy nhiên việc bỏ thêm một chút hầu bao để sử dụng được những công nghệ mới mang tính lâu dài thì hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Tuy vậy, không thể phủ nhận một điều rằng chuyển đổi từ MicroUSB sang USB-C sẽ là một quá trình rất khó khăn. 

10 năm trước, chúng ta đã thành công khi thay thế chuẩn MiniUSB sang MicroUSB, tuy nhiên mọi thứ giờ đã khác: hơn một tỷ người dùng điện thoại Android với cổng MicroUSB mỗi năm, chưa tính đến vô số chuột, bàn phím, tai nghe Bluetooth, sạc hay thậm chí là các thiết bị phụ trợ như quạt nhựa mini vẫn đang còn tràn lan trên thị trường. 

Với nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử di động và phụ kiện như là một phần của cuộc sống cơ bản của con người hiện nay, thì quá trình thay đổi tiêu chuẩn kết nối sẽ diễn ra rất chậm chạp và gặp nhiều khó khăn.

Tương lai gần với việc chuẩn hóa USB-C

Mặc dù quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra thật sự khó khăn, tuy nhiên nó đã được bắt đầu, như những gì chúng ta đang thấy hiện nay. 

Hãy lấy ví dụ với Microsoft, khi vào năm ngoái, họ đã chính thức cho ra mắt dòng Surface Headphones hoàn toàn mới, với cổng sạc chuẩn USB-C (tuy vậy, khá khó hiểu khi Suface Pro 6, vốn ra mắt cùng khoảng thời gian này, lại sử dụng MicroUSB). 

Hay Nintendo Switch, khi họ đã sử dụng một cổng USB-C duy nhất để sạc, truyền dữ liệu và video, cùng với các phụ kiện chơi game như tay cầm Pro và Pokeball Plus cũng được trang bị các cổng type C. Đây thực sự là những bước tiến đáng khen ngợi, hi vọng rằng các phiên bản Xbox và PlayStation thế hệ tiếp theo sẽ hỗ trợ nhiều cổng USB-C hơn.

Đã đến lúc khai tử giao thức kết nối MicroUSB - Ảnh 3.

Hiện nay, không khó để bắt gặp một thiết bị sử dụng cổng USB-C, thậm chí là một thiết bị giá rẻ. Phiên bản máy tính thu nhỏ Raspberry Pi mới, mặc dù chỉ có giá đâu đó khoảng 35 đô la, tuy nhiên chúng đã được tích hợp sạc cổng C.

Điện thoại giá rẻ đến từ nhà sản xuất ít tên tuổi như Blu cũng sử dụng Type C, và giờ đây bạn hoàn toàn có thể tìm thấy một chiếc tai nghe dưới 20 đô la sử dụng cổng C. Có thể thấy, quá trình "kế nhiệm" vẫn đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ, trước mắt chúng ta.

Đã đến lúc khai tử giao thức kết nối MicroUSB - Ảnh 4.

Một ông lớn vẫn đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi mà không thể nào không nhắc đến là Apple, khi công ty bắt đầu chuẩn hóa USB-C và đưa vào dòng Macbook 2015. Năm ngoái, Táo khuyết đã thay thế cổng Lightning trên iPad Pro bằng USB-C và đồng thời có nhiều tin đồn rằng phiên bản iPhone sắp được ra mắt cũng sẽ sử dụng USB-C. 

Đây sẽ là yếu tố quyết định giúp xóa bỏ ranh giới khác biệt giữa các sản phẩm điện thoại, máy tính bảng và laptop hàng đầu của Apple và lần đầu tiên chúng ta có được một chuẩn sạc chung thống nhất giữa các thiết bị Android và iOS.

Đã đến lúc khai tử giao thức kết nối MicroUSB - Ảnh 6.
Đã đến lúc khai tử giao thức kết nối MicroUSB - Ảnh 7.

Hơn thế nữa, một khi Apple cam kết sử dụng chuẩn USB-C trên toàn bộ mảng di động trong tương lai, chúng ta sớm sẽ thấy cáp dòng cáp sạc và cổng MicroUSB trở thành "của hiếm" trên thị trường, thay vào đó là các chuẩn kết nối đắt tiền hơn xuất hiện ngày một phổ biến. 

Và cuối cùng, con người sẽ nói lời tạm biệt với cổng MicroUSB cồng kềnh và lỗi thời – trừ một vài ngoại lệ đối với các thiết bị giá rẻ.

Vậy nên, các nhà sản xuất cần phải tiến hành thay đổi ngay từ bây giờ để có thể bắt kịp với xu hướng thế giới, trước khi bị thế giới bỏ lại phía sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại