Xuất thân từ lò đào tạo HAGL Arsenal-JMG, Xuân Trường từng được xem là của hiếm của bóng đá Việt Nam nhờ lối chơi rất hiện đại và sở hữu khả năng chuyền bóng tuyệt vời và từng là linh hồn của HAGL và cả các cấp độ ĐT.
Tuy nhiên kể từ sau thành công tại VCK U23 châu Á 2018, Xuân Trường sa sút phong độ. Anh bị chê khá nhiều và thậm chí không còn giữ được vị trí chính thức khi tham dự ASIAD 2018, AFF Cup 2018 và giờ là Asian Cup 2019.
Phía sau những thành công của Xuân Trường luôn có sự hỗ trở của các tiền vệ mạnh về phòng ngự và càn quét
Có một thực tế là Xuân Trường đang chịu ảnh hưởng khá nhiều từ sức ép của dư luận, nhưng đáng nói hơn cả là việc anh đang phải chơi không đúng sở trường. Xuất thân là một tiền vệ tổ chức, Xuân Trường được biết đến ở khả năng xử lý bóng, chuyền và kiến tạo có độ chính xác, đa dạng vào loại nhất của bóng đá Việt Nam từ xưa đến nay. Nhưng lúc này anh phải chơi khác.
Trước đây, ở các cấp độ đội tuyển, các HLV luôn mặc định có một cầu thủ chuyên đánh chặn chơi phía sau Xuân Trường như Hữu Dũng, Duy Mạnh, Hoàng Thịnh, thậm chí là cả Trọng Hoàng, Tuấn Anh. Điều này là để giúp tiền vệ người Tuyên Quang không cần quá bận tâm đến chuyện phòng thủ và thoải mái tổ chức lối chơi và hỗ trợ tấn công.
Tuy nhiên dưới thời Park Hang-seo, Xuân Trường bị yêu cầu chơi rất khác so với thời gian trước đó là đá thấp hơn và quan tâm nhiều hơn đến nhiệm vụ phòng ngự. Anh phải lùi sâu tranh cướp bóng hỗ trợ các trung vệ cũng như đối tác ở trung tâm hàng tiền vệ. Nhưng cũng phải tích cực dâng lên tổ chức và chuyền kiến tạo cho hàng tiền đạo.
Xuân Trường dĩ nhiên gây thất vọng khi bị yêu cầu chơi lùi và phải tích cực phòng ngự
Với một cầu thủ vốn yếu về thể lực và khả năng tranh chấp như Xuân Trường, việc phải đá kiểu box-to-box (một thuật ngữ dùng để chỉ các tiền vệ đa năng làm nhiều nhiệm vụ cùng lúc, kiêm cả tấn công lẫn phòng ngự và yêu cầu thể lực dồi dào) là quá khó.
Bởi thế, việc Xuân Trường không có được chỗ đứng vững chắc trong đội hình ưa dùng của HLV Park Hang-seo là điều dễ hiểu và cũng là một sự lãng phí cực lớn.
Rõ ràng trong thời gian qua, tiền vệ của HAGL đã rất cố gắng để cải thiện mình theo yêu cầu đó và bằng chứng là anh đã có hơn một hiệp đấu rất tốt ở trận gặp Iraq. Ngần đó dường như vẫn là chưa đủ khi ĐT Việt Nam bắt buộc phải thủ nhiều hơn.
Nhưng ở trận đấu cuối cùng của vòng bảng gặp Yemen, ĐT Việt Nam buộc phải thắng để có thể giành vé đi tiếp, Xuân Trường lại là một sự lựa chọn không thể bỏ qua. Các tiền đạo như Công Phượng, Văn Đức hay cả Quang Hải đều cần khả năng hỗ trợ cùng những đường chuyền đầy sáng tạo, chính xác đến từng centimet của Xuân Trường để tìm kiếm bàn thắng.
Sẽ có một Xuân Trường rất khác đều được "nới lỏng" nhiệm vụ phòng ngự
Nhưng vấn đề là liệu HLV Park Hang-seo có dám mạnh dạn "mở trói" cho Xuân Trường hay vẫn tiếp tục yêu cầu anh chơi như cũ. Lúc này, trong tay HLV người Hàn Quốc đang có 2 tiền vệ rất mạnh về phòng ngự là Đức Huy và Huy Hùng. Hùng Dũng cũng là một dạng con thoi có thể hỗ trợ phòng ngự.
Cả 3 cầu thủ này đều có thể gánh đỡ nhiệm vụ phòng ngự cho Xuân Trường, ấy là còn chưa kể tới tận 5 cầu thủ khác chuyên thủ là 3 trung vệ cùng 2 cầu thủ chạy cánh. Trong một trận đấu yêu cầu phải thắng, sự trở lại của Xuân Trường sẽ giúp khả năng cầm bóng, tổ chức tấn công của ĐT Việt Nam tốt hơn.
Nếu không phải quá lo phòng ngự, khả năng sáng tạo của chàng híp sẽ được giải phóng và cơ hội cho các tiền đạo sẽ còn nhiều hơn nữa. Có thể lấy ví dụ như trường hợp của Paul Pogba ở Man United hiện tại vậy. HLV Solskjaer đã cho anh chơi tự do thay vì đá lùi và tập trung phòng ngự nhiều hơn như thời Mourinho và kết quả là một sự bùng nổ của ngôi sao người Pháp.
Tất nhiên so Xuân Trường với Pogba là điều quá khập khiễng nhưng liều lĩnh một chút cho một trận đấu phải thắng là điều mà HLV park Hang-seo nên làm lắm chứ.