Theo tờ The Economist, việc lãnh đạo Susan Wojcicki rời bỏ Youtube mới đây chẳng tạo nên nhiều sự chú ý bằng việc Bob Iger trở lại Disney hay Reed Hasting từ bỏ Netflix. Sau 9 năm cầm lái Youtube, sự ra đi của bà Susan thậm chí chẳng tạo nên bất cứ biến động nào tại Alphabet (Google) bởi hãng còn đang mải chiến đấu trên mặt trận chatbot và trí thông minh nhân tạo (AI).
Rõ ràng, dù Youtube là một ông lớn trong mảng mạng xã hội đăng ký người dùng nhưng chẳng nhận được sự quan tâm nhiều từ Phố Wall. Thậm chí ngay trong chính công ty mẹ là Alphabet, CEO Sundar Pichai cũng chẳng có thời gian để ý đến kênh kiếm tiền này khi ông còn đang bận đối đầu Chat GPT của Microsoft.
Vậy điều gì đang diễn ra tại Youtube và tại sao nền tảng này nên tách khỏi Google?
Dưới tiềm năng
Khi bà Wojcicki chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm Neal Mohan, Youtube đang gặp rất nhiều vấn đề. Sự trỗi dậy của Tiktok đã khiến doanh thu 2 quý liên tiếp của nền tảng này suy giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, không thể không thừa nhận rằng Youtube vẫn là một ông lớn trong làng video khi là kênh giải trí của rất nhiều mảng, từ nấu ăn, thiếu nhi, yoga cho đến những bộ phim truyền hình tạp kỹ. Nền tảng này có đến 2,6 tỷ người sử dụng mỗi tháng và một hệ thống chia sẻ doanh thu giúp hàng triệu nhà sáng tạo nội dung có thu nhập.
Thậm chí Youtube Short, dịch vụ đối trọng với Tiktok hiện cũng có bình quân 50 tỷ lượt xem mỗi ngày.
Báo cáo của chuyên gia công nghệ Benedict Evans cho thấy Youtube có tiềm năng vượt trội hơn so với vai trò một nền tảng xã hội đơn thuần như hiện nay. Lấy ví dụ trong mảng truyền hình trực tuyến tại Mỹ, số người xem tivi qua Youtube đã vượt qua cả số người dùng Netflix.
Năm 2022, số tiền Youtube trả cho các nhà sáng tạo nội dung đã tương đương với ngân sách sản xuất của Netflix. Những ngôi sao hàng đầu của Youtube như MrBeast có lượng khán giả tương đương với những tác phẩm đứng đầu của nhà Netflix.
Đồng quan điểm, chuyên gia Richard Broughton của Ampere Analysis nhận định dù mức doanh thu 29 tỷ USD của Youtube chỉ bằng 1/10 so với tổng số của Alphabet nhưng nền tảng này lại có tiềm năng cực kỳ lớn trên thị trường truyền hình trực tuyến trị giá 140 tỷ USD.
Lợi hại hơn, Youtube còn là nền tảng đem về doanh thu cho Spotify với mảng âm nhạc và Podcast, đi kèm với đó là vô số những kênh truyền hình trực tuyến trên Youtube TV. Thậm chí nền tảng này còn hưởng phần trăm lợi nhuận từ việc người dùng đăng ký dịch vụ streaming qua các kênh giải trí của họ.
Gần đây, Youtube còn chi trả đến 14 tỷ USD để truyền hình trực tiếp các giải đấu bóng bầu dục Mỹ.
Rõ ràng, ngoài việc chưa tiếp cận được thị trường Trung Quốc thì nền tảng này đã trở thành một kênh kiếm tiền có hiệu quả nếu đứng ngoài sự kiểm soát của Google.
Theo tờ Economist, Google đang phải đối mặt với những cáo buộc độc quyền và việc ‘nhả’ Youtube ra không những giúp họ tránh được các vụ kiện tụng hay những khoản phạt mà còn giúp nền tảng này phát triển mạnh mẽ hơn.
Thậm chí nếu không phải chịu sự kìm kẹp của Google khi quá chú trọng đến doanh thu quảng cáo, Youtube hoàn toàn có thể tự do phát triển, tìm nguồn thu từ các kênh đăng ký dịch vụ, trở thành một nền tảng truyền hình trực tuyến thực thụ.
Doanh thu quảng cáo của Youtube hiện đang tiến khá sát đến mức 32 tỷ USD của Netflix, đó là còn chưa kể 80 triệu USD từ âm nhạc và những kênh đăng ký khác. Chuyên gia Laura Martin của ngân hàng Needham nhận định tổng giá trị của Youtube có thể lên đến 300 tỷ USD, tức cao gấp đôi Disney hoặc Netflix.
Đồng quan điểm, hãng tin CNBC nhận định nếu được tách thành công ty độc lập, Youtube sẽ được xếp hạng trong 15 doanh nghiệp lớn nhất S&P 500.
“Youtube sẽ có giá trị đến 300 tỷ USD nếu trở thành công ty công chúng độc lập bởi nhà đầu tư có thể không mua cổ phiếu của Google nhưng sẽ chấp nhận trả tiền cho cổ phiếu của Youtube bất chấp sự trỗi dậy từ Tiktok”, chuyên gia Martin nhấn mạnh.
Khó từ bỏ
Mặc dù vậy theo tờ Economist, hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin sẽ khó lòng từ bỏ Youtube, một trong những kênh kiếm tiền chủ chốt của mình dẫu biết nền tảng này sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi không chịu sự kiểm soát của Alphabet.
Trên thực tế, Youtube được đánh giá là sự tiếp nối thành công của dự án Google Fiber khi tập đoàn này muốn tham chiến mảng truyền hình cáp năm 2010. Ban đầu, Fiber hùng hồn tuyên bố sẽ phủ sóng truyền hình cáp khắp nước Mỹ, tới từng hộ gia đình và doanh nghiệp với đường truyền tốc độ cao.
Tuy nhiên đã hơn 10 năm và Google Fiber vẫn chẳng thành công, trong khi Youtube lại trỗi dậy thành một nền tảng cực kỳ khả thi cho truyền hình trực tuyến.
Báo cáo của Leichtman Research Group cho thấy Youtube TV hiện có khoảng 5 triệu người đăng ký, quá nhỏ so với tổng số 40,5 triệu khách hàng vẫn còn dùng truyền hình cáp tại Mỹ. Thế nhưng các đài truyền hình cáp đã mất tới 825.000 người dùng trong quý I/2022, tăng so với 780.000 khách hàng ra đi trong cùng kỳ năm trước đó.
Rõ ràng, người xem hiện nay muốn thưởng thức các chương trình mà họ có thể kiểm soát như trên Netflix, HBO Max hoặc trên Youtube. Thậm chí với các chương trình thể thao trực tiếp hoặc tạp kỹ, Youtube là nền tảng số 1 cho nhiều thị trường.
*Nguồn: CNBC, Economist