Đã đến lúc điện thoại Xiaomi cần có giao diện mới thay vì cứ mãi học theo iPhone?

Mạnh Kiên |

Nổi tiếng với giao diện học hỏi iOS trên iPhone, các mẫu điện thoại của Xiaomi được đánh giá cao vì nhiều tính năng, giá thành rất rẻ.

Vì sao Xiaomi vẫn bắt chước iPhone?

Xiaomi là một trong nhiều thương hiệu Trung Quốc không ngại sao chép iOS của Apple vào đầu những năm 2010 và đây là một xu hướng dễ hiểu vào thời điểm đó. Công ty tạo ra trải nghiệm quen thuộc cho người dùng như khi sử dụng iPhone với một mức phí rẻ hơn.

Xiaomi gặt hái được thành công vang dội khi các mẫu điện thoại bình dân của hãng (có giá chỉ vài triệu đồng), với giao diện đẹp không kém iPhone, luôn nằm trong danh sách bán chạy, giúp công ty nằm trong top dẫn đầu thị trường toàn cầu.

Sau hơn 10 năm, cách làm này vẫn không thay đổi. Nhiều người dùng iPhone 14 Pro sẽ cảm thấy không có nhiều khác biệt nếu chuyển sang sử dụng điện thoại Xiaomi.

Tuy nhiên, Xiaomi ngày nay không còn là một hãng điện thoại giá rẻ như trước. Họ đã làm ra những chiếc điện thoại cao cấp hoàn toàn có thể sánh ngang với những mẫu flagship hàng đầu của Apple, Samsung.

Vì vậy, giao diện Android sao chép tính thẩm mỹ iOS của Apple mà Xiaomi đang làm được coi là lỗi thời, cần phải thay đổi.

Không thiếu các thương hiệu Trung Quốc có giao diện Android giàu tính năng, khác biệt và trực quan trên thị trường toàn cầu vào năm 2023, chẳng hạn như OPPO, HONOR, Motorola và vivo.

Đã đến lúc điện thoại Xiaomi cần có giao diện mới thay vì cứ mãi học theo iPhone? - Ảnh 1.

Xét cho cùng, phong cách nguyên bản hoặc cách điệu theo hướng đi riêng là cách để nổi bật trên thị trường toàn cầu. Giao diện MIUI của Xiaomi cũng sẽ cần có phong cách đặc thù thay vì tiếp tục là lựa chọn thay thế iOS.

Ngoài phong cách trực quan tổng thể, thứ mà Xiaomi sao chép iOS nổi bật nhất chính là khu vực Trung tâm điều khiển. Tính năng này của thương hiệu Trung Quốc giống một cách kỳ lạ với sản phẩm của Apple, với cùng một bảng màu và các thanh trượt chỉnh độ sáng và âm lượng.

Xiaomi cũng áp dụng menu cài đặt rất giống với iOS, có văn bản màu đen trên nền trắng và các biểu tượng tương tự. Các mục cài đặt thực tế khác nhau giữa hai thiết bị, nhưng những điểm tương đồng tổng thể vẫn dễ dàng nhận thấy.

Ngay cả ứng dụng máy ảnh MIUI cũng trông rất giống với ứng dụng máy ảnh của iPhone.

Việc MIUI gắn bó với tính thẩm mỹ của iOS nói chung đang tự khiến cho hình ảnh của hãng thiếu đi tính độc nhất, trong khi MIUI là một trong những giao diện Android có nhiều tính năng bên cạnh Samsung One UI.

Một số tính năng được yêu thích trên Xiaomi có thể kể đến điều khiển âm lượng trên mỗi ứng dụng, siêu hình nền và đèn thông báo. Giao diện Xiaomi cũng giúp phổ biến các tính năng khác như chủ đề, ứng dụng kép và ảnh chụp màn hình cuộn.

Xiaomi đặt mức giá lên tới hơn 1.000 USD cho các mẫu Xiaomi 13 Pro và Xiaomi 13 Ultra, ngang tầm với iPhone 14 Pro Max và Samsung Galaxy S23 Ultra. Liệu người dùng nào muốn mua một thiết bị giá đắt nhưng giao diện lại bị ảnh hưởng bởi các thương hiệu khác?

Sao chép tính năng thường là cách để các thương hiệu hoàn thiện sản phẩm cũng như tăng sự cạnh tranh. Nhưng sao chép tính thẩm mỹ tổng thể sẽ không mang lại ý nghĩa gì.

Đã đến lúc điện thoại Xiaomi cần có giao diện mới thay vì cứ mãi học theo iPhone? - Ảnh 2.

Thay lớp sơn mới

Có hai con đường phía trước mà Xiaomi có thể đi nếu muốn biến MIUI thành một giao diện Android nguyên bản hơn. Hãng có thể cung cấp hai giao diện MIUI khác biệt về mặt trực quan (một cho người dùng toàn cầu và một cho Trung Quốc) hoặc thực hiện cuộc đại tu lớn về mặt hình ảnh.

Tùy chọn đầu tiên có nghĩa là mỗi thị trường sẽ được đáp ứng theo yêu cầu riêng. Tuy nhiên, lộ trình này có khả năng xảy ra nhiều lỗi và tốc độ cập nhật chậm hơn do tài nguyên bị phân tán.

Xiaomi cũng không phải là công ty đầu tiên cung cấp hai giao diện Android trên sản phẩm. Vivo đã cung cấp hệ điều hành gốc cho người dùng Trung Quốc và hệ điều hành Fun Touch được cải tiến cho người dùng toàn cầu. Trong đó, Fun Touch OS có tính thẩm mỹ được đánh giá rất cao.

Một giao diện MIUI được đại tu duy nhất cho cả hai thị trường có thể cho phép cập nhật nhanh hơn và ít lỗi hơn, vì về mặt lý thuyết, Xiaomi sẽ không phải phân bổ tài nguyên như cách tiếp cận hai hướng. Tuy nhiên, nhược điểm là mỗi thị trường có thể không được nhận về những điều họ muốn.

Bất kể Xiaomi đi theo con đường nào, kết quả cuối cùng sẽ là người dùng toàn cầu không còn phải sử dụng giao diện Android giống Apple iOS nữa.

Xiaomi không thể tiếp tục cung cấp giao diện Android trông giống như một phiên bản lấy cảm hứng từ Apple iOS nếu hãng muốn lôi kéo khách hàng trong thị trường cạnh tranh gay gắt ngày nay.

Cần phải nhớ rằng, ngoài giao diện quá giống iOS, hệ điều hành tùy biến và tính năng mà Xiaomi cung cấp được đánh giá rất cao. Vì vậy, đã đến lúc Xiaomi biến một trong những điểm yếu lớn nhất của mình thành điểm mạnh, giúp hãng có thể đưa ra thị trường những mẫu điện thoại mạnh mẽ nhưng vẫn có cá tính riêng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại