Dạ cổ hoài lang: Khi đạo diễn không bán vé bằng tên tuổi Hoài Linh

Thảo Nguyên |

Trước khi xem Dạ cổ hoài lang, nhiều người cho rằng sự xuất hiện của Hoài Linh, Chí Tài chỉ là chiêu thức câu khán giả của nhà sản xuất.

Sự "láu cá" của Dũng "Khùng"

Phim điện ảnh Dạ cổ hoài lang được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của tác giả Thanh Hoàng. Với câu chuyện xoay quanh mâu thuẫn gia đình của gia đình ông Tư Lành – 1 gia đình người Việt nhập cư sống tại Mỹ, vở kịch đã lấy nước mắt của nhiều thế hệ người Việt.

Đó là những mối mâu thuẫn chồng chéo: Mâu thuẫn giữa tư tưởng của 2 thế hệ (ông Tư Lành và cô cháu gái Mỹ Tâm), mâu thuẫn giữa tư tưởng phương Đông và phương Tây (cô cháu gái liên tục yêu cầu ông nội tôn trọng quyền tự do cá nhân, thậm chí đòi gọi cảnh sát khi bị ông dọa đánh đòn), đó còn là mâu thuẫn nội tại của những người con xa xứ (con trai ông Tư Lành đau đáu nỗi nhớ thương quê hương nhưng lại muốn chối bỏ nguồn cội vì mặc cảm tội lỗi)…

23 năm về trước, vở kịch này đã gây được tiếng vang lớn cho khán giả trong nước và cộng đồng Kiều bào nước ngoài. Thành công của vở kịch khiến đạo diễn Nguyễn Quang Dũng quyết định chuyển thể Dạ cổ hoài lang thành phim điện ảnh.

Dạ cổ hoài lang: Khi đạo diễn không bán vé bằng tên tuổi Hoài Linh - Ảnh 1.

Dũng "Khùng" bị cho là "láu cá" khi chọn Hoài Linh vào vai chính.

Rất nhiều người cho rằng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng "láu cá" khi lựa chọn "cặp bài trùng" Hoài Linh – Chí Tài vào vai 2 nhân vật chính (ông Tư Lành và ông Năm Triều).

Bởi, ngoài khả năng diễn xuất, ngoài sự tương đồng về tính cách và hoàn cảnh của nhân vật với diễn viên ngoài đời, Chí Tài và Hoài Linh hiện là 2 cái tên đang cực hot đối với điện ảnh Việt. Không thể chối cãi rằng rất nhiều bộ phim Việt được "cứu" chỉ nhờ có sự tham gia diễn xuất của "cặp đôi vàng" này.

Chính vì thế, sự góp mặt của Hoài Linh và Chí Tài trong phim, vô hình chung lại khiến khán giả có chút hoài nghi về chất lượng của phim.

Song, đó là chuyện trước khi xem phim. Còn khi đã vào rạp, đã khóc cười cùng nhân vật cho tới phút cuối cùng, khán giả sẽ thấy rằng thành công của bộ phim không chỉ nhờ tên tuổi của Chí Tài và Hoài Linh.

"Vũ khí" thực sự của Dạ cổ hoài lang

Đây là lần thứ 2 Hoài Linh vào vai ông Tư Lành. Trước đó, anh từng đảm nhiệm vai diễn này trên sân khấu kịch. Với khả năng diễn xuất đỉnh cao, không khó để "anh Bốn" xây dựng thành công hình ảnh ông Tư Lành phiên bản điện ảnh.

Song, nếu chỉ có như thế thì rõ ràng Dạ cổ hoài lang chưa đủ sức khiến khán giả bật khóc. Cảm xúc khi xem phim được đẩy lên cao trào khi diễn xuất của các diễn viên được hỗ trợ đắc lực bằng sự tính toán chí tiết tới từng khuôn hình.

Dạ cổ hoài lang: Khi đạo diễn không bán vé bằng tên tuổi Hoài Linh - Ảnh 2.

Cặp đôi Chí Tài - Hoài Linh hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình.

Phim có 2 bối cảnh chính: Việt Nam và New York. Để "đánh thức" cảm xúc của khán giả, đạo diễn hình ảnh đã sử dụng rất nhiều góc quay rộng để diễn tả trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên và cảm xúc của con người.

New York trong Dạ cổ hoài lang được khắc họa thông qua những con đường thẳng tắp, hun hút, những cánh rừng mênh mông phủ đầy tuyết trắng. Từng khuôn hình đều đẹp lung linh, nhưng lại đầy cô đơn, ám ảnh bởi sắc tuyết trắng lạnh lẽo.

Dạ cổ hoài lang: Khi đạo diễn không bán vé bằng tên tuổi Hoài Linh - Ảnh 3.

Cảnh quay đầy tâm trạng diễn tả bối cảnh New York.

Những cảnh quay này lột tả tối đa sự lạc lõng, bơ vơ và nỗi xót xa, buồn tủi của những người xa xứ. Trong khi đó, các bối cảnh được quay tại Việt Nam đều ngập tràn ánh nắng và lộng lẫy sắc màu: Màu vàng rực của ruộng lúa, màu xanh biếc của cỏ cây…

Bất cứ khuôn hình nào được quay tại Việt Nam cũng rộn rã tiếng cười nói và luôn tươi tắn, ấm áp và tràn đầy sức sống. Sự đối lập giữa 2 bối cảnh chính trong phim là 1 ý đồ rõ nét của đạo diễn, thể hiện rõ ràng 2 sắc thái cảm xúc của các nhân vật: Quê hương luôn là nơi bình yên, tươi đẹp nhất. Xứ người dù phồn hoa đô hội, nhưng lạnh lẽo, cô đơn và xa lạ đến đau lòng.

Dạ cổ hoài lang: Khi đạo diễn không bán vé bằng tên tuổi Hoài Linh - Ảnh 4.

Cảnh quay về quê hương luôn ngập tràn chất thơ và lung linh sắc màu.

Câu chuyện của gia đình ông Tư Lành chủ yếu xảy ra trong căn hộ nhỏ tại New York. Nhưng không phải vì thế mà những góc quay này bị hạn chế và nhàm chán.

Bối cảnh nội nhỏ hẹp, không có sự thay đổi khiến nhịp phim dồn nén, giúp khán giả cảm nhận rõ hơn nỗi bức bách, căng thẳng của mối mâu thuẫn trong gia đình ông Tư Lành. Nếu chỉ là 1 bối cảnh đẹp, rõ ràng khán giả không thể có được những cảm xúc tuyệt vời như thế khi xem phim.

Với Dạ cổ hoài lang, cảm xúc của khán giả khi xem phim không phải đến từ cái danh của các nghệ sĩ nổi tiếng. Mà nó được tạo nên từ tổng hòa các yếu tố: Kịch bản giàu tính nhân văn, diễn xuất đỉnh cao của nhân vật và những góc máy vô cùng "có hồn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại