Đã có 560.000 tỷ đồng, đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm tới

Thuỳ An |

Những năm qua, mặc dù khó khăn do COVID-19, nhưng Chính phủ đã đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi và trích lập được trên 560.000 tỷ đồng để tăng lương cho 3 năm 2024 - 2026.

Trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, bội chi ngân sách Nhà nước và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.

Cũng liên quan vấn đề tiền lương, trong nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng cho biết Thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27 của Trung ương từ ngày 1/7/2024. Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định.

Đã có 560.000 tỷ đồng, đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm tới - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo kinh tế - xã hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

Giữa tháng 10/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn liên quan lĩnh vực nội vụ. Đáng chú ý, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã có báo cáo đối với nhiệm vụ trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại nghị quyết 27 của trung ương.

Theo đó, Chính phủ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, báo cáo Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Trong đó, Chính phủ đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung (dự kiến thực hiện từ 1/7/2024).

Cụ thể gồm: Xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.

Theo báo cáo, sau năm 2024 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp.

Báo cáo nêu rõ căn cứ kết luận của cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ sẽ báo cáo Ban Cán sự đảng trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới.

Cán bộ, công chức, viên chức vui mừng trước chủ trương cải cách tiền lương

Cũng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách vui mừng phấn khởi trước chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện cải cách tiền lương.

Ngoài ra, cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính nhưng còn nhiều trăn trở vì một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc bố trí, sắp xếp thực hiện chính sách đối với cán bộ không còn vị trí làm việc.

Một số cơ sở vật chất chưa được sử dụng còn lãng phí; cá biệt một số trường hợp còn nặng về sắp xếp theo kiểu lý tính, cơ học, chưa chú ý đúng mức đến các yếu tố văn hóa, xã hội.

Đã có 560.000 tỷ đồng, đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm tới - Ảnh 3.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng và tiếp tục ủng hộ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước; tin tưởng vào kết quả điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, trăn trở về tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày một tinh vi hơn, vẫn còn xảy ra tình trạng "tham nhũng vặt", "nhũng nhiễu" doanh nghiệp và người dân; thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trước đó, trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, trong đó có phương án cải cách tiền lương từ 1/7/2024. Xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2024; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại