Ông Ashraf Ghani. Ảnh: AFP
Phát biểu với chương trình “Today” trên kênh 4 của đài phát thanh BBC, ông Ghani nói rằng vào buổi sáng ngày 15/8/2021, ngày Taliban tiến vào thủ đô và chính phủ của ông sụp đổ, ông không hề “nghĩ xa xôi” rằng đó sẽ là ngày cuối cùng của ông ở Afghanistan.
Tuy nhiên, buổi trưa hôm đó, an ninh tại dinh tổng thống đã “sụp đổ”.
“Nếu tôi chần chừ, tất cả họ đều sẽ bị giết và họ không thể bảo vệ tôi”, ông Ghani cho biết trong cuộc phỏng vấn do cựu Tham mưu trưởng Quốc phòng Anh, Tướng Nick Carter thực hiện.
Cố vấn an ninh quốc gia Hamdullah Mohib lúc đó rất đáng sợ. “Ông ấy cho tôi không quá 2 phút”, cựu Tổng thống Ghani nói.
Chỉ đạo ban đầu của ông là sử dụng trực thăng để tới thành phố Khost ở Đông Nam Afghanistan. Tuy nhiên, Khost đã rơi vào tay Taliban sau cuộc tấn công chớp nhoáng. Thành phố Jalalabad ở phía Đông, sát biên giới Pakistan, cũng đã thất thủ.
“Tôi không biết chúng tôi sẽ đi đâu. Chỉ đến khi cất cánh tôi mới biết rõ chúng tôi sẽ tới đâu”, ông Ghani nói, đồng thời cho biết ông ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) kể từ sau khi rời khỏi Afghanistan.
Ông Ghani bị chỉ trích gay gắt vì đã rời khỏi đất nước trong khi người dân Afghanistan giờ đây đang sống trong chế độ hà khắc của Taliban. Khi đó, nhiều người cáo buộc ông đã bỏ rơi người dân và rời đi cùng với hàng triệu USD tiền mặt. Ông Ghani một lần nữa bác bỏ cáo buộc này trong cuộc phỏng vấn ngày 30/12.
Cựu Tổng thống Ghani thừa nhận ông đã nợ người dân Afghanistan một lời giải thích. Ông một lần nữa nói rằng, mối quan tâm đầu tiên của ông là ngăn một cuộc đổ máu trên đường phố thủ đô Kabul. Quyết định rời đi là “điều khó khăn nhất” đối với ông.
“Tôi phải hy sinh bản thân mình để cứu lấy Kabul và để phơi bày sự thật rằng đó là một cuộc đảo chính bạo lực, không phải một thỏa thuận chính trị”, ông Ghani nói.
Tuy nhiên, nếu ở lại, ông cũng không thể thay đổi được kết cục là Taliban sẽ thiết lập chế độ mới và đất nước phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử.
“Thật không may, tôi đã bị bôi đen hoàn toàn. Điều đó trở thành một vấn đề của Mỹ chứ không phải vấn đề của Afghanistan. Sự nghiệp của tôi đã bị hủy hoại, các giá trị của tôi bị giẫm đạp và tôi bị biến thành ‘con dê tế thần’”, ông Ghani bày tỏ.
Ông cũng nói rằng người dân Afghanistan đã đúng khi đổ lỗi cho ông. “Tôi hoàn toàn hiểu được sự giận dữ đó. Tôi cũng giận dữ giống như họ”./.