Cựu Thủ tướng Yingluck "đăng đàn" chỉ trích vì bị chính phủ Thái Lan tịch thu, bán tài sản

Thi Anh |

"Tôi đã đấu tranh cho tất cả tài sản bao gồm cả những gì mà cha mẹ cho tôi, nhưng tôi không thể bảo vệ, dù chỉ một trong số đó", cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck chia sẻ.

Trên mạng xã hội Facebook, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã phàn nàn về "tiêu chuẩn kép" đang được áp dụng liên quan tới tài sản của bà, Straits Times đưa tin.

Ngày 16/12, bà Yingluck đã đăng tải dòng trạng thái thể hiện sự không hài lòng khi bà bị tách khỏi con trai, gia đình và người ủng hộ, cũng như số tài sản mà bà có được trước khi lên làm thủ tướng.

"Nhà của tôi đã bị chính phủ đương nhiệm thu giữ, trong khi từng món đồ bị Bộ Thi hành Pháp lý đem bán. Tôi đã viện tới mọi thủ tục pháp lý để đấu tranh cho số tài sản nhưng không thể ngăn cản những viên chức, những người tiến hành công tác ấy mà không thèm quan tâm tới luật pháp, theo Điều 44 trong Hiến pháp Lâm thời năm 2014".

"Prayut Chan-o-cha đã sử dụng điều khoản này kể từ khi ông ấy lên nắm quyền và đưa Thái Lan vào vòng quản lý của quân đội", bà Yingluck nhấn mạnh, "Cho tới hiện giờ, điều khoản này vẫn có hiệu lực và những viên chức ấy không hề quan tâm tới chuyện họ không thể bán tài sản của tôi trừ khi tôi bị Tòa án Hành chính phán thua kiện".

Bà Yingluck, hiện đang sống lưu vong, cho rằng trường hợp của bà không giống với những lãnh đạo khác trong lịch sử và việc "đặt đặc quyền của điều khoản luật pháp lên trên phán quyết của tòa án là phi pháp". Đối với bà Yingluck, việc áp dụng điều 44 cho quyền chủ quyền là một động thái mang tính hủy hoại đối với sự tự do của người dân.

"Tôi đã đấu tranh cho tất cả tài sản bao gồm cả những gì mà cha mẹ trao cho tôi, nhưng tôi không thể bảo vệ, dù chỉ một trong số đó", bà Yingluck chia sẻ, "Mỗi khi biết tin tài sản của mình bị bán, tôi lại thấy đau lòng".

Bà Yingluck kết thúc đoạn chia sẻ bằng lời khẳng định, bà sẽ không mắc kẹt trong quá khứ bởi có rất nhiều người đặt hy vọng của họ ở nơi bà.

Năm 2017, cựu Thủ tướng Thái Lan và các bị cáo khác bị cáo buộc xao nhãng trong trách nhiệm của mình, dẫn tới tình trạng tham nhũng và thiệt hại tài chính lớn đối với nhà nước trong khi tiến hành dự án trợ giá lúa gạo của chính phủ.

Điều 44 trong Hiến pháp Lâm thời Thái Lan được khởi động và bà Yingluck được cho là phải chịu trách nhiệm đối với những tổn thất nói trên. Tài sản của bà bị đóng băng và bị cơ quan thi hành pháp lý Thái Lan tịch thu.

Bà Yingluck rời Thái Lan vào tháng 8/2017, chỉ vài ngày trước khi Cục Hình sự của Tòa án Tối cao Thái Lan dự kiến đưa ra phán quyết đối với bà.

Tháng 9, các hãng truyền thông đưa tin, bà Yingluck đã được chính phủ Serbia cấp quyền công dân và hộ chiếu Serbia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại