Mới đây, sau chuyến công du Trung Quốc 7 ngày của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Bắc Kinh đã đồng ý rót 13 tỷ USD vào dự án xây dựng đường sắt tại Malaysia. Các nhà thầu Trung Quốc sẽ đảm nhiệm luôn việc xây dựng dự án tỷ đô này.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai thì dự án trên chỉ là một trong số 14 thỏa thuận mà Kuala Lumpur ký với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trước thông tin này, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad lại tỏ ra quan ngại về dòng vốn này và chỉ trích gay gắt rằng, cách làm của Thủ tướng đương nhiệm chẳng khác nào hành động "bán nước", khiến "Malaysia bị Trung Quốc cai trị".
Cựu thủ tướng Mahathir bin Mohamad quan ngại và gọi hành động của Thủ tướng Malaysia đương nhiệm là "bán nước". (Ảnh: mizzima.com)
Tờ The Straits Times (Singapore) dẫn lời cựu Thủ tướng Maylasia cho biết, "hợp đồng hơn 10 tỷ USD mà ông Najib Razak ký với Bắc Kinh có thể sẽ gây tổn hại đến chủ quyền của Malaysia".
"Chúng ta đã nợ chồng chất, nay lại thêm khoản vay lớn này... Chúng ta vay tiền nên đương nhiên sẽ phải khiêm tốn trước chủ nợ...
Chúng ta cũng thường nghe chuyện 'cho vay nặng lãi', nếu anh không trả tiền, chủ nợ sẽ kéo đến địa bàn của anh. Khi chủ nợ yêu cầu một thứ nào đó, chúng ta sẽ phải đưa cho họ...
Đất, nhà máy của chúng ta sẽ phải gán cho chủ nợ. Họ phá hoại nền kinh tế của chúng ta, đất nước chúng ta sẽ bị thế lực nước ngoài can thiệp... Chúng ta sẽ bị cai trị", tờ Sin Chew Daily (Malaysia) dẫn lời cựu Thủ tướng Mahathir bin Mohamad.
Tuy nhiên, đáp trả lại lời cảnh báo của ông Mohamad, Thủ tướng Malaysia đương nhiệm chỉ trích đây là cách nghĩ sai lầm và thể hiện sự "đố kỵ".
"Hợp đồng sẽ giúp nền kinh tế nước ta tăng trưởng, hỗ trợ mọi người dân Malaysia có thêm nhiều cơ hội và cuộc sống thành công", ông Najib Razak phát biểu.
Vấn đề biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự chính thức giữa Thủ tướng Malaysia Najib Razak với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Theo giới quan sát, việc thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh có ý nghĩa lớn đối với ông Najib Razak khi vụ bê bối biển thủ công quỹ liên quan đến ông đã làm suy giảm uy tín dẫn tới áp lực đòi ông phải từ chức từ cả trong và ngoài nước.
Ngược lại, Bắc Kinh có thể hưởng lợi trong vấn đề biển Đông nếu tạo được một liên minh chiến lược với Kuala Lumpur.