Cựu thị trưởng New York Bloomberg dẫn dắt nỗ lực thực thi các mục tiêu của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu

Hải Võ |

Ông Bloomberg đang nỗ lực cùng các thống đốc, thị trưởng, lãnh đạo doanh nghiệp... để bảo đảm người Mỹ vẫn đóng vai trò tích cực trong thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty truyền thông và tài chính Bloomberg LP, tuyên bố hôm thứ Năm (1/6) vừa qua rằng ông sẽ dẫn dắt một nhóm ủng hộ các nỗ lực trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) nhằm hỗ trợ các nước thực hiện cam kết của Hiệp định Paris.

"Người Mỹ không quay lưng với Hiệp định Paris," ông nói trong một thông cáo báo chí. "Ngược lại, chúng tôi đang thúc đẩy lộ trình. Các thị trưởng, thống đốc, lãnh đạo doanh nghiệp từ cả hai đảng đang đăng ký vào một thông cáo ủng hộ mà chúng tôi sẽ gửi lên LHQ."

"Và cùng nhau, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu giảm phát thải mà Mỹ đã hứa tại Paris vào năm 2015."

Tổ chức từ thiện Bloomberg Philanthropies cùng các nhóm khác dự định quyên góp 15 triệu USD cho Ban thư ký UNFCCC để bù đắp cho khoản tài trợ bị mất đi do chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris.

Cựu thị trưởng New York Bloomberg dẫn dắt nỗ lực thực thi các mục tiêu của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Mike Bloomberg và Carl Pope (phải) trong chương trình “CBS Buổi sáng” (Ảnh: CBS News)

Tỉ phú Bloomberg gần đây còn là đồng tác giả trong cuốn sách với Carl Pope, giám đốc điều hành tổ chức môi trường Sierra Club, có tựa đề "Khí hậu của sự hy vọng" (Climate of Hope), khẳng định niềm tin của họ rằng các thành phố, doanh nghiệp và công dân có thể chiến thắng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Những nỗ lực ban đầu do Bloomberg phát động đã thu hút sự ủng hộ của khoảng 100 công ty, 30 thị trưởng và 4 thống đốc tại Mỹ.

"Chúng tôi vẫn đang có thêm người đăng ký. Chúng tôi sẽ dành ra cuối tuần để tuyển mộ nhiều hơn," ông Pope cho biết. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ có ít nhất 10, thậm chí 20 bang, cùng hàng trăm thành phố tham gia."

Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên các công dân, quan chức và chính quyền địa phương/bang ở Mỹ tham gia thương lượng trong một thỏa thuận với LHQ. Theo ông Pope, những hoạt động tương tự đã không diễn ra trong vòng 350 năm qua, sau khi Hiệp ước Westphalia được ký kết vào thế kỷ 17.

"Điều này (sáng kiến mới về thực hiện thỏa thuận biến đổi khí hậu) là một cố gắng có chủ định để mở lại những kênh ngoại giao cho các bên liên quan," Pope nói với Yahoo News hôm 2/6.

Tổng thống Trump trước đây từng chỉ trích vấn đề biển đổi khí hậu là "trò lừa thương mại" do Trung Quốc bày ra. Ông tuyên bố Hiệp định Paris gây bất lợi cho người Mỹ.

Mỹ rời khỏi thỏa thuận khí hậu đồng nghĩa với cắt bỏ khoản tài trợ hứa hẹn dành do Quỹ khí hậu xanh (Green Climate Fund) - với mục đích hỗ trợ các nước đang phát triển chuẩn bị cho biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Quỹ này đã kêu gọi được 10 tỉ USD từ các nền kinh tế phát triển, trong đó có 3 tỉ USD từ Mỹ.

Việc Mỹ rời Hiệp định Paris cũng được nhận định là sẽ khiến các nước khác, bao gồm những đồng minh thân cận, hoài nghi về mức độ đáng tin trong các cam kết của Washington.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại