Hãng hàng không tư nhân bạo chi
Dưới sự chứng kiến của Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hãng hàng không Vietjet đã ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 MAX trị giá khoảng 11,3 tỉ USD.
Đây được coi là thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử hàng không Việt Nam, cũng là hợp đồng có giá trị lớn nhất trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. 100 chiếc Boeing 737 MAX 200 sẽ được giao hàng từ năm 2019 tới 2023.
Trao đổi với chúng tôi, cựu phi công Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đã bày tỏ sự hoan nghênh đối với hãng hàng không Vietjet khi mạnh dạn và dám bỏ tiền ra để kinh doanh hàng không.
"Có nhiều hãng mở ra được vài năm đã chết yểu, nhưng Vietjet vẫn sống và liên tục ký những hợp đồng mua máy bay lớn. Điều này có nghĩa là họ đánh giá được tình hình và có bước đi táo bạo.
Rõ ràng khi có hãng hàng không như thế, là người hành khách, tôi cảm thấy có lợi hơn khi giá không phải rẻ lắm nhưng không đắt như ngày xưa, đi lại thuận tiện hơn và sẽ tạo sự cạnh tranh tích cực cho thị trường", ông Trung nói.
Lãnh đạo Boeing và Vietjet ký kết hợp đồng trước sự chứng kiến của TT Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cũng cho rằng, trong thị trường hàng không thì việc ký hợp đồng mua máy bay là bình thường.
"Bởi vì, Vietjet có lẽ đã thu xếp được tài chính đảm bảo cho hợp đồng này. Còn việc Vietjet ký hợp đồng mua 100 máy bay nhưng không phải lấy một lúc cả 100 cái mà tùy thuộc vào tài chính hàng năm của họ.
Như ở đây họ ký hợp đồng trước là mua 100 máy bay nhưng từ năm 2019 họ mới lấy và mỗi năm họ lấy vài cái cho đến năm 2023 mới lấy hết.
Ở đây, theo tôi cũng là một cách để Vietjet quảng cáo thương hiệu của họ và tôi đã nói, hợp đồng này kéo dài trong nhiều năm, khi chia ra thì nó không quá lớn", ông Trung nói
Năm 2013, Vietjet đã ký thỏa thuận trị giá hơn 9 tỷ USD để mua gần 100 máy bay của Airbus. Tiếp đó, năm 2015, hãng này cũng ký hợp đồng trị giá hơn 3 tỷ USD để mua 30 máy bay Airbus và giờ đây tiếp tục mua 100 máy bay Boeing với trị giá hơn 11 tỷ USD.
"Thị trường hàng không Việt Nam đang phát triển và hãng hàng không Vietjet cũng là một hãng tư nhân được coi là bạo chi.
Nhưng hợp đồng ký lớn như vậy còn ký như thế nào, điều kiện cụ thể ra sao thì tôi không rõ lắm. Ví như họ ký với Airbus mua gần 100 máy bay nhưng hơn 2 năm qua, theo tôi biết thì mới lấy được vài chiếc chứ không có gì lớn.
Trên thương trường tôi không rõ, nhưng theo tôi các nhà kinh tế hoàn toàn có thể làm như Vietjet làm và điều đó hoàn toàn bình thường", ông Trung nêu quan điểm.
Tốt cho thị trường...
Cựu Đại tá không quân nhân dân Việt Nam cũng thông tin, trên thế giới cũng đã có nhiều hợp đồng mua máy bay liên tiếp lớn như của Vietjet. Chẳng hạn như một số hãng hàng không của Trung Quốc cũng đã ký các hợp đồng lớn như vậy.
"Tùy theo điều kiện hai đối tác với nhau, tôi ký ghi nhớ với anh là sẽ mua như thế, nhưng điều kiện giao với tôi là theo nhu cầu của tôi hay tôi sẽ lấy từ từ.Ví như một năm tôi lấy 3 - 4 chiếc, là tùy nhu cầu, tiền của tôi...
Trong thương trường điều đó là bình thường, không có hại cho ai cả", ông Trung cho hay.
Là người Việt Nam đầu tiên lái máy bay Boeing 777, ông Trung cũng đánh giá, trước đây, ở Việt Nam chỉ có Vietnam Airlines nên nhiều cái chưa thực sự tốt, không có cạnh tranh.
Chưa kể, để mua được một vé máy bay là rất khổ, thậm chí quen biết vẫn phải chạy vạy, có khi có vé nhưng lại không bán.
Nhưng khi có những hãng tư nhân thì hành khách mua vé, đi lại bằng máy bay đã rất dễ dàng. Đây là điều có lợi cho hành khách.
Cựu phi công này nhận định: "Vietjet ở đây cũng nổi lên là một hãng hàng không có tiềm lực, vươn lên cạnh tranh với các hãng khác.
Điều này rất tốt cho thị trường hàng không nói riêng và nền kinh tế nói chung. Cũng từ đó, các hãng hàng không khi nhìn sang Vietjet sẽ phải tự đánh giá lại mình để có sự thay đổi phù hợp".