Cừu nhiễm phóng xạ lý giải quầng sáng bí ẩn trên Ấn Độ Dương 39 năm trước

Bảo Hà |

Đồng vị phóng xạ được các nhà khoa học tìm thấy trong cừu Australia là bằng chứng xác thực giả thuyết tia sáng bí ẩn trên Ấn Độ Dương 39 năm trước thực sự là kết quả từ một cuộc thử nghiệm hạt nhân của Israel.

Ngày 22/9/1979, vệ tinh Vela 6911 của Mỹ phát hiện một "vùng sáng chớp nhoáng” gần quần đảo Marion và Prince Edward ở Nam Ấn Độ Dương.

Kể từ đó, phương Tây luôn suy đoán Israel đã từng thực hiện một cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Theo hồi ký của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, các tướng lĩnh Mỹ cũng nghi ngờ giả thuyết này và thông báo cho ông về vụ việc.

Ban lãnh đạo nhà nước Israel lúc bấy giờ không xác nhận hay phủ nhận thông tin về một chương trình hạt nhân quân sự trong nước.

Trong một công trình khoa học mới được đăng trên tạp chí Science & Global Security, đồng vị phóng xạ iodine-131 đã phát hiện có trong tuyến giáp của cừu Australia một tháng sau 'sự cố Vela'.

Nhà nghiên cứu Christopher Wright thuộc Học viện Lực lượng Quốc phòng Australia và nhà vật lý hạt nhân Lars-Erik De Geer từng làm việc cho Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, đã phân tích các mẫu tuyến giáp được gửi hàng tháng đến Mỹ vào năm 1979. Thông tin về kết quả thử nghiệm mới đây được công bố công theo Đạo luật Tự do Thông tin.

Kết quả nghiên cứu chứng thực mức độ đồng vị phóng xạ tìm thấy trong mẫu tuyến giáp cừu gửi đến 4 ngày sau sự cố “Vela” trùng khớp với mức độ cừu bị nhiễm xạ giả định từ một cuộc thử nghiệm hạt nhân hiệu năng thấp tháng 9 ở Nam Ấn Độ Dương.

Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả phân tích các mô hình thời tiết cho thấy các chùm bụi phóng xạ di chuyển từ khu vực thử nghiệm ở Ấn Độ Dương đến các vùng lãnh thổ Australia.

Leonard Weiss, chuyên gia vũ khí hạt nhân của Đại học Stanford, xác định Israel chịu trách nhiệm về cuộc thử nghiệm bí mật đó vì Israel là "quốc gia duy nhất có khả năng kỹ thuật và động lực chính sách để thực hiện”.

Các nhà nghiên cứu cho biết cuộc thử nghiệm của Israel đã vi phạm Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân năm 1963, và kêu gọi mở cuộc điều tra quy mô quốc tế về vụ việc. Trong một bình luận trả lời tờ New Zealand Herald, Đại sứ Israel tại New Zealand Itzhak Gerberg phủ nhận, cho rằng những phát hiện của nghiên cứu là “giả định vô lý”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại