Cứu nguy phút 89, Shark Liên quyết rót 15 tỷ đồng cho dự án bị chê phi lí vì lí do bất ngờ

Hoàng Linh |

Các con số định giá công ty 170 tỷ đồng, doanh số dự kiến cuối 2019 là 100 tỷ đồng không thuyết phục được 4/5 "cá mập" nhưng phút chót, startup R2Y bất ngờ được Shark Liên ra tay cứu.

Một trường hợp khá đặc biệt tại Shark Tank mùa 3 là sự xuất hiện của startup "bỏ cũ, xây mới" R2Y – Nhà sản xuất và cung cấp máy ép kính điện thoại trên toàn quốc. Công ty ra đời được 6 năm, có lãi mỗi năm là 4-5 tỷ đồng, tuy nhiên, hai nhà sáng lập Nguyễn Hữu Đức và Andy Tôn Thất vẫn quyết định đến Shark Tank kêu gọi vốn thành lập công ty mới.

Đưa ra lời mời 15 tỷ đồng cho 8% cổ phần công ty, cả hai mong muốn công ty sẽ có vốn điều lệ 10 tỷ đồng.

Nhà sáng lập Nguyễn Hữu Đức cho biết, công ty mới sẽ thông qua ứng dụng để cung ứng dịch vụ sửa hoặc thay màn điện thoại cho khách hàng tại nhà, đồng thời có hoạt động dạy thợ sửa chữa, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Mô hình kinh doanh đem lại 4 nguồn thu nhập chính là cung cấp dụng cụ sửa chữa, đào tạo dạy nghề, cung cấp linh kiện hành nghề và R2Y thu về 20% phí vận hành từ các đơn hàng thành công.

Cứu nguy phút 89, Shark Liên quyết rót 15 tỷ đồng cho dự án bị chê phi lí vì lí do bất ngờ - Ảnh 1.

Andy Tôn Thất (bên trái) và Nguyễn Hữu Đức lên Shark Tank kêu gọi 15 tỷ đồng.

Giải đáp thắc mắc của Shark Dzung Nguyễn về việc làm sao kiểm soát được chất lượng của thợ sữa chữa, Nguyễn Hữu Đức R2Y cam kết chính anh là người sẽ truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho học viên.

"Bắt đầu chuyển vô Sài Gòn năm 2014, tôi đến những trường khuyết tật để chiêu sinh. Nghề của tôi chỉ hai mắt, hai tay là đủ rồi, tôi muốn giúp những người đó tự làm chủ bản thân, tự làm chủ công việc của họ.

Những người từng học đã mở cửa hàng sửa chữa, kinh doanh điện thoại. Với những người chưa biết gì, chỉ cần 1 tuần là làm được modern (đời máy) đơn giản nhất rồi", Hữu Đức nói.

Phân tích các lợi thế của R2Y như tự sản xuất máy móc, đào tạo thợ và tự chủ lập trình ứng dụng, nhưng vẫn phải nhập linh kiện từ Trung Quốc và còn khó khăn trong vấn đề Marketing, startup cho rằng, nếu gọi thành công 15 tỷ đồng sẽ dùng 8 tỷ đồng cho Marketing, 2 tỷ đồng cho đào tạo, 5 tỷ đồng sản xuất máy móc và mua linh kiện dự trữ.

Để thuyết phục các nhà đầu tư, Andy Tôn Thất phân tích, với số gọi vốn hiện nay 15 tỷ đồng cho 8%, thì tới cuối năm nay 8% sẽ tăng lên 15%. Theo đó, giá trị 8% các Shark đưa ra bây giờ sẽ thành 30 tỷ đồng. Với 4 nguồn thu, dự kiến đến cuối năm 2019, R2Y sẽ đạt doanh thu 100 tỷ đồng.

"Doanh số 100 tỷ đó sẽ đến từ đâu?", Shark Dzung Nguyễn hỏi.

"Bán máy ép kính khoảng 20%", Andy Tôn Thất trả lời.

Theo tính toán của Shark Dzung Nguyễn, với mức giá 15 triệu đồng/máy, R2D cần phải bán 2.400 máy ép kính để đạt doanh thu 20 tỷ đồng. Nhà đầu tư thắc mắc, số tiền 80 tỷ đồng còn lại sẽ đến từ nguồn nào.

Trả lời cho câu hỏi này, Tôn Thất cho rằng, R2Y sẽ thu tiền từ app (ứng dụng), trung bình cần có 1.500 đơn hàng qua app mỗi ngày.

Tuy nhiên, Shark Dzung cho rằng, ý tưởng nguồn thu này không khả thi vì ứng dụng của công ty chưa tung ra thị trường, hơn nữa, để có được đơn hàng online rất khó.

"Để có được mấy trăm tỷ trong vòng mấy tháng là con số hết sức phi lí", Shark Dzung tranh luận.

Mặc dù các con số doanh thu đưa ra rất "khủng", nhưng Shark Hưng lăn tăn về việc, nhà sáng lập chỉ đóng góp vào công ty bằng nền tảng và kỹ thuật của quá khứ và định giá công ty ở mức 170 tỷ đồng là quá cao nên không đầu tư.

Đồng quan điểm, các Shark Thái Vân Linh cho rằng, dự án mới có thế mạnh ở phần cứng và kỹ thuật, khi chuyển qua làm online và ứng dụng sẽ rất khó để đạt kỳ vọng tăng trưởng như dự kiến, Shark Linh và "cá mập" Dzung Nguyễn, Nguyễn Thanh Việt cũng tuyên bố rút lui.

Cứu nguy phút 89, Shark Liên quyết rót 15 tỷ đồng cho dự án bị chê phi lí vì lí do bất ngờ - Ảnh 3.

Shark Liên đồng ý rót vốn cho R2Y.

Khá bất ngờ khi ở phút cuối, Shark Đỗ Liên quyết định đưa đề nghị rót vốn 15 tỷ đồng cho 50%, hứa hẹn sẽ hỗ trợ ngay lập tức cho R2Y tệp khách hàng và lượng học viên được đào tạo, có cấp chứng chỉ tại trường quản trị doanh nghiệp mà bà đang điều hành.

Nhà sáng lập Ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN giải thích về con số 50% không phải vì muốn thâu tóm R2Y mà muốn có trách nhiệm cùng startup đi con đường dài.

"Thành lập công ty mới, bạn chỉ có một cái bằng sáng chế máy và một cái app chưa sử dụng mà tôi đóng góp cho bạn một thị trường lớn như vậy. Cái bạn thuyết phục ở tôi là sự lan tỏa, bạn tạo công ăn việc làm cho những người khác, đó là thứ tôi quan tâm. Tôi sẵn sàng 3 năm đầu không lấy lợi nhuận", Shark Liên tuyên bố.

Cuộc thương lượng về giá đã dừng lại khi cả hai bên gặp nhau tại ngưỡng 15 tỷ đồng cho 49% cổ phần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại