Cưu mang đứa trẻ suýt bị chôn sống, 20 năm sau cô gái Tây Nguyên được bù đắp, số phận thay đổi 180 độ

Thủy Tiên |

Hiện con trai cả của Y Byen nay đã biết đi làm rẫy, phụ mẹ kiếm tiền. Còn cậu con trai thứ hai nhặt về từ nghĩa địa đang học lớp 4, rất thông minh, hiếu động. Gia đình của Y Byen cũng mới đón chào thêm một thành viên mới.

14 tuổi làm mẹ, đi chăn bò, mót mủ cao su nuôi con

Năm 2019, câu chuyện cô gái Tây Nguyên nhận nuôi 2 đứa trẻ suýt bị chôn sống vì hủ tục, lệ làng được phát sóng trên gameshow "Người bí ẩn" nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Nhiều người không khỏi xúc động khi lắng nghe những tâm sự của Y Byen (SN 1990).

Y Byen vốn sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Plei Piom, thị trấn Đắk Đoa (Đắk Đoa, Gia Lai). Năm 2004, trong lúc đi buôn bán cùng mẹ, Y Byen đã chứng kiến cảnh buôn làng chuẩn bị chôn sống đứa trẻ sơ sinh theo hủ tục "mẹ chết con phải chết theo". Thấy đứa bé đỏ hỏn, khóc ngặt, Y Byen - năm đó mới chỉ 14 tuổi, đã chạy tới ẵm, xin về nuôi. Trong thời khắc đó, cô chỉ nghĩ làm sao để cứu được đứa bé chứ không quan tâm tới bất kỳ chuyện gì khác.

Y Byen đem đứa trẻ về, đặt tên là Y Song - với ý nghĩa "Chúa trời cho". Cô xem con như món quà quý giá thượng đế ban tặng. Y Byen xin cha mẹ ruột mở lòng cưu mang, đón nhận đứa trẻ và hứa "sẽ đi chăn bò thuê" để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Đến năm 2015, cô gái dân tộc Ba Na lại tiếp tục "nhặt" thêm một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngoài nghĩa địa về nuôi. Cô đặt tên cho con là Y Sơn, nghĩa là "Ngọn núi của dân làng".

Cưu mang đứa trẻ suýt bị chôn sống, 20 năm sau cô gái Tây Nguyên được bù đắp, số phận thay đổi 180 độ- Ảnh 1.
Cưu mang đứa trẻ suýt bị chôn sống, 20 năm sau cô gái Tây Nguyên được bù đắp, số phận thay đổi 180 độ- Ảnh 2.

Y Byen cưu mang 2 đứa trẻ từ khi còn đỏ hỏn

Khi nhận nuôi thêm một sinh linh, cuộc sống của gia đình Y Byen lại trở nên khó khăn hơn gấp bội. Cô phải đi mò cua, bắt ốc, mót mủ cao su để lấy tiền mua sữa cho các con. Thời điểm vất vả nhất, Y Byen dắt con trai Y Song đi chăn bò thuê, được người ta trả công 10 nghìn/ngày. Cô dành 6 nghìn mua sữa, còn lại 4 nghìn bỏ ống heo dành dụm. Thiếu nữ 14 tuổi nay đã trở thành người mẹ đảm đang, bận rộn với việc kiếm kế sinh nhai.

Ủng hộ việc làm của con gái, cha của Y Byen là ông Byơm cũng dốc sức hỗ trợ nuôi cháu ngoại. Gia đình ông bán gà, heo, nuôi 2 đứa bé ăn học tươm tất.

Riêng Y Byen, nhờ sở hữu chất giọng mạnh mẽ, hào sảng của núi rừng, cô có cơ hội xin vào công tác tại Đoàn văn công Đam San, thành phố Pleiku. Thu nhập mỗi tháng của cô dao động khoảng 3 – 4 triệu đồng, chỉ đủ trang trải những chi phí cơ bản cho gia đình 5 người.

Cưu mang đứa trẻ suýt bị chôn sống, 20 năm sau cô gái Tây Nguyên được bù đắp, số phận thay đổi 180 độ- Ảnh 3.

Cha mẹ Y Byen ủng hộ việc làm của con gái

Đón chào thành viên mới, bà mẹ Tây Nguyên được "bù đắp"

Lớn lên bởi những lon sữa bò và nước cơm trắng, hai anh em Y Song và Y Sơn được trời thương, ban cho sức khỏe và sự thông minh, hiếu động. Cuộc sống hiện tại của 3 mẹ con có sự thay đổi đáng kinh ngạc, đặc biệt khi cả nhà chào đón thêm một thành viên mới. Y Byen tâm sự trên tờ Tri thức cuộc sống, cách đây vài năm, cô đã có một mối tình lỡ dở, sau đó mang thai, sinh hạ một bé gái xinh xắn, dễ thương. Y Byen nuối tiếc vì không thể cho con một mái ấm trọn vẹn. Dẫu vậy cô vẫn coi bé gái là món quà quá đỗi quý giá với mình.

Hai anh em Y Song và Y Sơn rất hiểu chuyện, luôn yêu thương em gái, giành chăm em phụ giúp mẹ. Năm nay Y Song tròn 20 tuổi, có sự trưởng thành, chững chạc. Còn Y Sơn đã học lên lớp 4.

Cưu mang đứa trẻ suýt bị chôn sống, 20 năm sau cô gái Tây Nguyên được bù đắp, số phận thay đổi 180 độ- Ảnh 4.

Y Song và Y Sơn khôn lớn, hiểu chuyện

Sau khi trượt đại học, Y Song quyết định ở nhà làm rẫy, làm thuê kiếm tiền, san sẻ gánh nặng kinh tế giúp mẹ. Cậu con trai cả vẫn luôn là niềm tự hào, hãnh diện của Y Byen. Y Song rất ngoan ngoãn, chăm chỉ làm lụng, ra dáng một người anh bảo vệ các em.

Thương con vất vả, chịu khó từ tuổi đôi mươi, Y Byen thấy xót xa. Cô luôn trăn trở việc cho Y Song học thêm một cái nghề để đỡ phải lao động, bươn chải nặng nhọc.

Cưu mang đứa trẻ suýt bị chôn sống, 20 năm sau cô gái Tây Nguyên được bù đắp, số phận thay đổi 180 độ- Ảnh 5.

Cả hai rất thương mẹ, biết chăm em gái

Cưu mang đứa trẻ suýt bị chôn sống, 20 năm sau cô gái Tây Nguyên được bù đắp, số phận thay đổi 180 độ- Ảnh 6.

Y Song quyết định ở nhà làm rẫy kiếm tiền phụ mẹ

Những năm qua, Y Byen vẫn luôn dạy dỗ, giáo dục các con về tình yêu thương và sự tử tế. Cô cũng chưa bao giờ giấu diếm về nguồn cội thật sự của các con mà luôn kiên nhẫn giải thích, kể cho con từng chút. Y Byen cũng chuẩn bị sẵn tâm lý nếu 2 con muốn tìm về nhận lại người thân.

Tuy nhiên Y Song và Y Sơn vẫn luôn nói, cuộc đời này chỉ coi Y Byen và ông bà ngoại là ruột thịt. Câu trả lời của 2 anh em khiến bà mẹ Ba Na vừa mừng vừa xót xa. Cô thấy hạnh phúc khi con luôn trân trọng, biết ơn công nuôi nấng, dưỡng dục. Song cô cũng cảm thấy buồn vì không thể bù đắp hết những tổn thương tâm hồn cho 2 anh em từ nhỏ.

"Mình có thể không hoàn hảo như các mẹ khác, song luôn tự tin luôn yêu thương, che chở các con trước bão dông cuộc đời”, Y Byen nói.

Mỗi khi nhìn ba đứa con vui cười bên nhau, Y Byen cảm nhận được niềm hạnh phúc đủ đầy. Bước sang tuổi 34, 3 đứa con là tài sản lớn nhất mà cô gái Tây Nguyên có được trong cuộc đời.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại