Cựu kỹ sư Microsoft hé lộ lý do tại sao Windows 10 lại có quá nhiều lỗi

Bảo Nam |

Không phải tự dưng mà so với phiên bản Windows 7 trước đó, hệ điều hành mới nhất của Microsft lại thường xuyên phát sinh các lỗi hệ thống khiến người dùng khó chịu.

Từ lâu, người dùng đã nhận ra hệ điều hành Windows 10 tương đối kém ổn định so với các phiên bản trước đó. Kể từ khi phát hành chính thức, Microsoft đã liên tục phải tung ra các bản vá lỗi cho sản phẩm này, thậm chí ngay cả bản cập nhật bảo mật hàng tháng đối khi cũng gây ra nhiều vấn để phát sinh. Vậy liệu có bí mật gì phía sau hàng loạt sự cố liên quan tới hệ điều hành trên máy tính phổ biến nhất thế giới này hay không?

Jerry Berg, người đã làm việc cho Microsoft trong 15 năm, mới đây đã hé lộ công việc cũng như các bí mật phía sau của nhóm phát triển hệ điều hành Microsoft, chính thức vén lên lớp màn bí mật này. Trước đó tại Microsoft, vai trò của ông là Nhà phát triển phần mềm cao cấp, chịu trách nhiệm phát triển và kiểm tra, sửa lỗi cho Vista và Windows Server.

Hóa ra, Microsoft từng có một nhóm thử nghiệm sản phẩm rất lớn cho hệ điều hành Windows. Họ được chia thành nhiều nhánh khác nhau và mỗi nhánh lại có nhiều phân nhóm nhỏ hơn. Sự phân chia cẩn thận này đảm bảo rằng tất cả các mô-đun chức năng đều được kiểm tra đầy đủ, ít nhất là để đảm bảo rằng mỗi tính năng mới đều trải qua đủ các bước thực hành thử nghiệm.

Và các nhóm này sẽ gặp nhau mỗi ngày để thảo luận về việc thử nghiệm các tính năng mới và chỉ đồng ý hợp nhất các tính năng và mã có liên quan, nếu không có vấn đề gì xảy ra. Điều đáng chú ý là tất cả mọi người trong nhóm thử nghiệm cần sử dụng bản thử nghiệm mới nhất, được cài đặt trên thiết bị mà họ sử dụng hàng ngày.

Cựu kỹ sư Microsoft hé lộ lý do tại sao Windows 10 lại có quá nhiều lỗi - Ảnh 1.

Jerry là thành viên của nhóm phát triển Windows.

Jerry Berg cho biết nhóm thử nghiệm ban đầu của Microsoft cũng đặc biệt thiết lập một phòng thí nghiệm chuyên dụng để kiểm tra CPU/GPU cho Intel, AMD và Nvidia. Các phòng thí nghiệm chuyên ngành này được sử dụng để kiểm tra các bản dựng mới hoặc các mô đun chức năng có vấn đề về khả năng tương thích hoặc hiệu suất với phần cứng quan trọng, như bộ xử lý và card đồ họa.

Nhóm thử nghiệm chịu trách nhiệm cho các phòng thí nghiệm này cũng sẽ giao tiếp với nhà sản xuất, vì vậy nếu nhóm thử nghiệm tìm thấy vấn đề gì đó, họ có thể nhanh chóng xác định và phát triển giải pháp để xử lý. Sau khi nhóm phát triển khắc phục sự cố, nó sẽ được bàn giao cho nhóm thử nghiệm để kiểm tra. Một khi nhóm thử nghiệm vượt qua các bài kiểm tra, mã của kế hoạch sửa chữa sẽ được hợp nhất vào luồng chính.

Mọi việc vẫn ổn cho tới năm 2014, cựu Giám đốc điều hành của Microsoft, Steve Ballmer tuyên bố nghỉ hưu và rời khỏi Microsoft. Sau đó, người tiếp quản vị trí CEO của ông là Satya Nadella.

Khi Nadella nhậm chức, Microsoft đã trải qua một cuộc tái cấu trúc lớn. Ông đề xuất khẩu hiệu "Mobile-first, Cloud-first", nghĩa là nền tảng máy tính để bàn không còn là trọng tâm. Và trong quá trình sắp xếp lại này, Nadella đã bãi bỏ toàn bộ nhóm thử nghiệm của hệ điều hành, đồng thời sáp nhập Windows 10/Xbox/Windows Phone.

Sau khi sáp nhập, phần cứng của mỗi nền tảng sử dụng cùng một nhân Windows 10 và mỗi phiên bản cần cân bằng giữa PC, thiết bị di động và nền tảng trò chơi. Tất nhiên, như mọi người đã biết, nền tảng WindowsPhone hay Windows 10 Mobile rất yếu và cuối cùng đã bị loại bỏ.

Cựu kỹ sư Microsoft hé lộ lý do tại sao Windows 10 lại có quá nhiều lỗi - Ảnh 2.

Jerry show bằng chứng làm việc tại Microsoft.

Đối với các công ty phát triển phần mềm thương mại lớn, việc thuê một nhóm hành động trực tiếp để thử nghiệm là một quyết định khó khăn vì chi phí lao động có thể tốn rất nhiều tiền. Vì vậy, nhiều nhà phát triển phần mềm dựa vào các hệ thống kiểm tra tự động và Microsoft cũng vậy. Microsoft hiện chủ yếu dựa vào hệ thống kiểm thử tự động và các máy ảo.

Tuy nhiên, việc thử nghiệm trên máy ảo dường như không đạt được hiệu quả giống như thử nghiệm trên máy thật và càng khó có thể so sánh với việc thử nghiệm thủ công như xưa. Đây là một trong những lý do chính cho các sự cố trên Windows 10 thường xuyên xảy ra. Các lỗi hoặc thiếu sót xuất hiện trong quá trình kiểm tra và hệ thống máy ảo không thể phát hiện kịp thời các sự cố tiềm ẩn.

Ngoài ra, trong hệ điều hành trên máy tính của người dùng, có công cụ báo lỗi và đưa ra phản hồi cho Microsoft. Nhưng chúng không có nhiều tác dụng. Lý do chính là hầu hết người dùng sẽ không chủ động đưa ra phản hồi khi họ gặp sự cố. Tất nhiên, ngay cả khi đưa ra phản hồi, kết quả cuối cùng có thể không được ai quan tâm.

Nói một cách ví von, trước đây phiên bản thử nghiệm là con chuột bạch còn phiên bản thương mại là chính thức. Nhưng giờ đây, phiên bản chính thức về cơ bản lại giống như phiên bản thử nghiệm. Đây cũng là lý do tại sao càng ngày Microsoft càng chậm trễ trong việc đẩy nhanh tốc độ ra mắt phiên bản mới mà thường cố gắng sửa chữa các lỗi hiện hành trên phiên bản cũ. 

"Về cơ bản, Microsoft đã thay thế những người bằng xương bằng thịt, những người tạo ra các chuỗi thử nghiệm tự động bằng chính chúng ta - những người tiêu dùng", ông nói.

Cựu kỹ sư Microsoft hé lộ lý do tại sao Windows 10 lại có quá nhiều lỗi - Ảnh 3.

Hầu hết người dùng Windows 10 đều đã ít nhất một lần thấy thông báo lỗi này.

Cuối cùng, cựu kỹ sư của Microsoft cũng hé lộ một vấn đề quan trọng, đó là việc Windows 10 luôn theo dõi người dùng.

Jerry Berg nói rằng Windows 10 đã thu thập một lượng lớn dữ liệu và việc này từng bị các cơ quan quản lý của EU điều tra. Ngày nay, Microsoft vẫn tiếp tục thu thập các loại dữ liệu khác nhau, thậm chí là giám sát hoạt động của thiết bị từ xa. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là Microsoft cố tình thu thập thông tin cho quảng cáo hoặc các mục đích khác, mà nhằm mục đích phát hiện và sửa chữa các lỗi tiềm ẩn.

Không có nhóm thử nghiệm, kỹ sư của Microsoft giờ đây phải dựa cả vào các hệ thống đo lường thiết bị người dùng từ xa, để theo dõi và giám sát hoạt động của các hệ thống. Nếu phát hiện sự cố tiềm ẩn, nhật ký sẽ được tự động tải lên máy chủ Microsoft để phân tích nhằm giúp nhóm phát triển xác định vị trí cần khắc phục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại